Thành phố Lạng Sơn: Trường ngoài công lập giảm tải cho giáo dục mầm non
(LSO) – Hiện nay, hệ thống giáo dục mầm non công lập trên địa bàn thành phố Lạng Sơn mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu ra lớp của trẻ trong độ tuổi. Bởi vậy, việc phát triển các trường mầm non ngoài công lập đã góp phần đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, nâng cao tỉ lệ huy động trẻ tới trường và giảm áp lực cho các trường công lập trên địa bàn.
Từ năm 2010 trở lại đây, do tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh, dân số thành phố Lạng Sơn tăng nhanh, nhất là trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non. Trong khi đó, số trường mầm non công lập trên địa bàn hầu như vẫn giữ nguyên, dẫn đến tình trạng quá tải. Thống kê riêng trong năm học 2018 – 2019, thành phố Lạng Sơn có 11 trường mầm non công lập với 122 lớp, nhóm trẻ với hơn 5.190 cháu. Như vậy, trung bình có 42 trẻ/lớp, nhóm trẻ. Tuy nhiên có những trường tỉ lệ trẻ đông hơn mức trung bình, nhiều trường tỉ lệ trẻ đạt từ 50 đến gần 60 trẻ/lớp. Điển hình như Trường Mầm non Liên Cơ, phường Vĩnh Trại; Trường Mầm non 8/3 và Trường Mầm non 19/5, phường Chi Lăng; Trường Mầm non 1/6 và 17/10, phường Hoàng Văn Thụ…, số trẻ quá đông dẫn đến khó khăn trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
Học sinh Trường Mầm non Tuổi Thơ, thành phố Lạng Sơn được kiểm tra sức khoẻ định kỳ
Trong khi mạng lưới trường công lập chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ, các trường, nhóm, lớp mầm non ngoài công lập đã góp phần giảm áp lực cho ngành giáo dục và đào tạo. Có thể kể đến như Trường Mầm non Thuý Nga, phường Vĩnh Trại là một điển hình. Trường được thành lập từ năm 2012, trải qua 9 năm hoạt động, với sự đầu tư khá đồng bộ về cơ sở vật chất, nhà trường đã và đang là địa chỉ tin cậy trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Bà Ngô Thuý Nga, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cùng với công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, nhà trường cũng luôn chú trọng đến phát triển kỹ năng sống cho trẻ, thường xuyên cho trẻ tham gia các buổi học trải nghiệm để hình thành ý thức và sự nhận biết môi trường xã hội, qua đó được các phụ huynh tin tưởng, giao con đến học.
Trường mầm non Tuổi Thơ, phường Tam Thanh, năm học 2018 – 2019 có 11 lớp học, với gần 300 em từ 2 đến 5 tuổi, trung bình 27 cháu/lớp. Bà Triệu Minh Thu, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, hằng năm, trường đều tổ chức rà soát, bổ sung đồ dùng dạy học, đồ chơi. Chúng tôi cũng cử giáo viên tham gia những lớp tập huấn về chuyên môn do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức. Do vậy chất lượng giáo dục của trường luôn được đánh giá cao từ phía cơ quan quản lý cùng sự tín nhiệm của phụ huynh học sinh.
Anh Trịnh Đình Việt, phường Hoàng Văn Thụ chia sẻ: Năm 2018, khi con anh tròn 3 tuổi, gia đình có nguyện vọng cho con học tại một trường công lập trên địa bàn phường, tuy nhiên khi tìm hiểu thấy các lớp có số lượng trẻ quá đông, các trường cũng đã hạn chế nhận hồ sơ. Sau đó, gia đình anh đã chuyển hướng cho con đăng ký học tại Trường Mầm non Hằng Nga, phường Hoàng Văn Thụ, ở đây một lớp chỉ có hơn 20 trẻ, phòng học lại có camera, tiện cho việc gia đình giám sát công tác chăm sóc trẻ của nhà trường nên anh rất yên tâm.
Thống kê cuối năm học 2018 – 2019, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có 8 trường và 4 cơ sở mầm non ngoài công lập và 13 nhóm trẻ độc lập, với tổng số 1.830 học sinh/83 nhóm lớp (trung bình 22 học sinh/nhóm lớp). Hệ thống các trường này được chủ cơ sở chú trọng đầu tư đáp ứng các tiêu chí về giáo dục mầm non. Hằng năm các trường đều được đầu tư, sửa chữa, cải tạo phòng học, khu vực bếp, khu vệ sinh đúng quy cách và an toàn, thuận tiện cho việc sử dụng trong công tác chăm sóc và tổ chức các hoạt động cho trẻ. Nhìn chung, cơ sở vật chất trường, lớp, nhóm trẻ mầm non ngoài công lập đảm bảo an toàn trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ, góp phần cùng hệ thống giáo dục công lập phát triển bậc học mầm non.
Vài năm trở lại đây, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn thành phố Lạng Sơn hình thành và phát triển khá nhanh, góp phần giảm tải cho các trường mầm non công lập. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng giáo dục, bên cạnh việc khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh cũng thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không đảm bảo; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên… từng bước giúp cho hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển lành mạnh cả về chất lượng và hiệu quả, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng đưa trẻ đến trường của phụ huynh, góp phần giảm tải cho hệ thống trường mầm non công lập.
Ý kiến ()