Thành phố Lạng Sơn: Triển vọng phát triển kinh tế đêm
– Kinh tế đêm là một trong những định hướng phát triển của thành phố Lạng Sơn nhằm khai thác tối đa hạ tầng và các tiềm năng, lợi thế sẵn có của thành phố. Hướng đi này đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.
Từ điểm nhấn Phố đi bộ Kỳ Lừa
Với mục đích đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đánh thức tiềm năng phát triển du lịch và từng bước phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố, UBND thành phố đã triển khai xây dựng Phố đi bộ Kỳ Lừa nhằm tạo ra một không gian đi bộ, không gian văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thành phố Lạng Sơn kết hợp với dịch vụ thương mại, giới thiệu sản vật địa phương vào các tối thứ 6 và thứ 7 hằng tuần.
Khách du lịch trải nghiệm các trò chơi dân gian tại phố đi bộ Kỳ Lừa
Bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng Phòng Văn hóa thành phố cho biết: Phố đi bộ Kỳ Lừa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2020. Thời điểm đầu mới đi vào hoạt động, Phố đi bộ Kỳ Lừa đón từ 5 – 6 nghìn lượt khách/đêm. Mặc dù sau đó do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động tại đây có chững lại nhưng khi khởi động lại từ tháng 3/2022, số lượng khách du lịch đến tham quan, vui chơi tại Phố đi bộ Kỳ Lừa đã đạt từ 3 – 4 nghìn lượt khách/đêm. Chỉ trong thời gian ngắn hoạt động trở lại nhưng tính đến tháng 9/2022, Phố đi bộ Kỳ Lừa đã thu hút hơn 50 nghìn lượt khách đến tham quan.
Thực hiện chủ trương của UBND thành phố Lạng Sơn, trước khi Phố đi bộ Kỳ Lừa đi vào hoạt động, thành phố cũng đã tổ chức hoạt động chợ đêm Kỳ Lừa để phục vụ nhu cầu của du khách, nhưng hoạt động mua sắm tại chợ đêm Kỳ Lừa chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn. Sau khi Phố đi bộ Kỳ lừa đi vào hoạt động, với việc nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc như hát sli, hát lượn, múa sư tử… được tổ chức, cùng đó có các hoạt động về ẩm thực, trải nghiệm làm sản phẩm du lịch, tham gia trò chơi dân gian truyền thống như: kéo co, nhảy bao, chơi chuyền, bịt mắt đánh trống, nhảy dây, ô ăn quan, múa sạp, lẩy cỏ… đã thực sự thu hút sự quan tâm của nhiều du khách khi đến với thành phố Lạng Sơn, từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại trong khu chợ đêm Kỳ Lừa.
Ông Phạm Công Cường, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết: Mức tăng trưởng kinh tế về hoạt động lưu trú, dịch vụ ăn uống, tiêu thụ các sản phẩm du lịch… trên địa bàn thành phố còn khá khiêm tốn. Với việc đưa Phố đi bộ Kỳ Lừa vào hoạt động đã góp phần không nhỏ vào thúc đẩy kinh tế du lịch của thành phố Lạng Sơn. Cụ thể, chỉ hơn 1 năm hoạt động, doanh thu từ hoạt động của Phố đi bộ Kỳ Lừa ước đạt trên 40 tỷ đồng, đó là chưa kể đến Phố đi bộ Kỳ Lừa đã tạo thêm thu nhập cho nhiều hộ dân trong khu vực phố đi bộ (có 80 hộ đăng ký bán hàng tại phố đi bộ, mỗi đêm cho thu nhập từ 1 – 2 triệu đồng/hộ). Đây là nguồn thu không nhỏ đối với các hộ dân. Không chỉ vậy, với việc Phố đi bộ Kỳ Lừa được UBND tỉnh Lạng Sơn công nhận là điểm du lịch của tỉnh, bộ mặt đô thị tại khu vực này đã thay đổi rõ nét.
Anh Nguyễn Văn Chi, khách du lịch đến từ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: “Đến với Phố đi bộ Kỳ Lừa, tôi rất ấn tượng với không khí tại đây. Các hoạt động ở đây mang đậm bản sắc Xứ Lạng. Cùng đó, khi đến Phố đi bộ Kỳ Lừa, tôi còn được thưởng thức ẩm thực đặc sản chỉ có ở vùng cao Lạng Sơn. Tôi sẽ cùng gia đình quay lại để ngắm toàn cảnh thành phố Lạng Sơn về đêm và thưởng thức các đặc sản của thành phố này…”.
Đến triển vọng phát triển kinh tế đêm
Thành phố Lạng Sơn có sông Kỳ Cùng chảy qua trung tâm với 140 tuyến đường, phố nội, ngoại thị. Là đầu mối giao thông của tỉnh, với nhiều đường giao thông huyết mạch chạy qua. Cùng với đó, thành phố Lạng Sơn là nơi có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như: khu danh thắng Nhất – Nhị – Tam Thanh; chùa Tiên, giếng Tiên, thành Nhà Mạc… Với vị trí quan trọng như vậy, thành phố Lạng Sơn còn có những tiềm năng về phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế đêm.
Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Thành phố Lạng Sơn có nhiều yếu tố và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế du lịch gắn với kinh tế ban đêm. Để chuẩn bị cho hướng phát triển kinh tế này, UBND thành phố Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 1118/QĐ-UBND ngày 16/6/2020 về phê duyệt Đề án xây dựng phố đi bộ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Quyết định này của UBND thành phố là bước tiến đầu tiên thể hiện tầm nhìn, tư duy mới về tầm quan trọng của kinh tế ban đêm trên địa bàn. Từ hiệu ứng Phố đi bộ Kỳ Lừa mang lại, UBND thành phố Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban liên quan xây dựng và lập Đề án “Phát triển kinh tế đêm trên địa bàn thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2030”. Ngày 8/2/2021, UBND thành phố đã quyết định phê duyệt Đề án này.
Theo đó, trong giai đoạn 2020 – 2025, thành phố Lạng Sơn tập trung phát triển không gian trung tâm kinh tế ban đêm trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ, phường Vĩnh Trại, phường Chi Lăng, phường Tam Thanh. Cụ thể như tập trung phát triển khu chợ đêm Kỳ Lừa; xây dựng và hình thành phố ẩm thực đêm Phú Lộc IV, khu trung tâm mua sắm và ẩm thực chợ đêm bờ Sông; khu giải trí, ngắm cảnh đêm ở công viên Chi Lăng và Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Lạng Sơn… Giai đoạn 2026 – 2030, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển không gian trung tâm kinh tế ban đêm, trong đó tập trung vào những khu vực tổng hợp của nhiều dịch vụ và hoạt động cho kinh tế ban đêm.
Được biết, trong giai đoạn đầu, thành phố đặt ra mục tiêu ít nhất phải hình thành được một khu vực hoạt động kinh tế ban đêm sôi động tại trung tâm thành phố với khu tổ hợp vui chơi, giải trí, dịch vụ. Tiếp đó hướng đến hình thành một số tour, tuyến du lịch kết hợp ẩm thực, văn hóa phục vụ khách du lịch về đêm; khu vực tập trung các cửa hàng, trung tâm mua sắm, phố ẩm thực, nhà hàng… để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách.
Bà Nguyễn Kim Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Thành phố Lạng Sơn tập trung phát triển kinh tế đêm trong thời điểm này là hoàn toàn hợp lý để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí vào ban đêm cho người dân của thành phố, của tỉnh và khách du lịch trong nước, nước ngoài khi đến với Lạng Sơn. Ngoài ra, việc phát triển kinh tế đêm còn giúp tận dụng ưu thế về cơ sở hạ tầng và dịch vụ sẵn có trên địa bàn, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp để phát triển mô hình, đa dạng các loại hình sản phẩm phục vụ kinh tế ban đêm, từ đó vừa giúp kinh tế của thành phố tăng trưởng, vừa góp phần nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân thành phố.
Thực tế cho thấy, mặc dù hoạt động phát triển kinh tế đêm của thành phố Lạng Sơn thực hiện theo Đề án “Phát triển kinh tế đêm trên địa bàn thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2030” mới triển khai nhưng bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan. Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2022, thời gian lưu trú qua đêm của khách du lịch ngoài tỉnh và quốc tế đã tăng 1,8 ngày/khách so với thời điểm đầu năm 2020. Hiện số lượng khách lưu trú luôn đạt ở mức 70% công suất phòng của các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, doanh thu từ các hoạt động thương mại, du lịch ban đêm trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 238 tỷ đồng.
Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng với cơ chế, chính sách đã mở, hy vọng thành phố Lạng Sơn sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa khi tập trung phát triển kinh tế đêm.
Đại tá, PGS-TS Bùi Đình Bôn – Nguyên Thư ký khoa học chuyên trách, Hội đồng lý luận Trung ương
“Thành phố Lạng Sơn là trung tâm của tỉnh Lạng Sơn, là đô thị có vị trí chiến lược về kinh tế, thương mại, dịch vụ, vận tải quá cảnh…; hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố thời gian qua đã được đầu tư, nâng cấp, do đó, thành phố có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế ban đêm. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả kinh tế đêm thì các cấp ủy, chính quyền thành phố Lạng Sơn cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về lợi ích trong phát triển kinh tế ban đêm. Cùng đó phải xây dựng chương trình, kế hoạch và cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển kinh tế ban đêm; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý của chính quyền và các cơ quan hữu quan; tập trung xây dựng, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tại các khu, điểm xác định phát triển kinh tế ban đêm…”
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch
“Thời gian qua, thành phố Lạng Sơn đã và đang triển khai các giải pháp nhằm thu hút khách du lịch. Tuy vậy, lượng khách du lịch có tăng nhưng số tiền chi tiêu của du khách còn rất thấp. Vì vậy, muốn phát triển du lịch thì thành phố Lạng Sơn cần phát huy kinh tế ban đêm. Việc thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế đêm trên địa bàn thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2030” là thực sự cần thiết. Tuy vậy, việc triển khai cần phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn của thành phố Lạng Sơn. Các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế đêm cần tính toán kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng, tác động kinh tế ban đêm đến thành phố Lạng Sơn (cả tác động tích cực và tiêu cực) dựa trên nhu cầu và việc khai thác tối đa thế mạnh, cũng như yêu cầu và khả năng bố trí nguồn lực quản lý và hỗ trợ của tỉnh…”
Ý kiến ()