Thành phố Lạng Sơn thực hiện Nghị quyết 12
(LSO) – Ngày 12/5/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Lạng Sơn đã ban hành nghị quyết số 12-NQ/TU (NQ 12) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước khối, thôn trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Qua gần 3 năm triển khai thực hiện, thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bà Hoàng Minh Thảo, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin (VH-TT) thành phố cho biết: Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể các cấp, UBND các phường, xã trên địa bàn đưa nội dung NQ 12 vào đời sống cộng đồng dân cư bằng nhiều biện pháp như: tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện NQ 12 gắn với các phong trào; nêu gương, nhân rộng các mô hình điểm…
Đối với việc cưới, trong gần 3 năm qua (giai đoạn 2016 – 2018), thành phố đã triển khai một số mô hình điểm như: mô hình trao thiệp chúc mừng của Chủ tịch UBND thành phố cho các đôi nam nữ khi đến phường đăng ký kết hôn với 765 thiệp chúc mừng đã được trao; mô hình hội viên chi hội phụ nữ thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới với 96% số đám cưới được các cơ sở hội phụ nữ tổ chức đúng quy định.
Lễ hội lồng tồng Làng Khòn Lèng, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn
Bên cạnh đó, UBND 8 phường, xã đã phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thông qua các cuộc họp thôn, xóm; đưa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới vào tiêu chuẩn bình xét các danh hiệu gia đình, tổ dân phố văn hoá; lồng ghép vào các phong trào thi đua của địa phương. Nhờ đó, ý thức người dân ngày một nâng lên, nhiều gia đình đã nghiêm túc chấp hành các quy định của NQ 12 như: tổ chức đám cưới trang trọng tiết kiệm; không mở nhạc trước 6 giờ sáng và quá 22 giờ đêm; không tổ chức mời khách ăn “bữa phụ”, tổ chức bữa chính không quá 50 mâm… Giai đoạn 2016 – 2018, số đám cưới thực hiện theo NQ 12 là 1.128/ 1.613 đám (đạt tỷ lệ 70%).
Trong việc tang, hầu hết các gia đình đã thực hiện đúng các quy định, giảm các hủ tục, mê tín dị đoan, không cúng tế linh đình, không để người mất trong nhà quá 48 tiếng… Một số cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đã chấp hành nghiêm việc tập trung phúng viếng theo đoàn, theo khối, cụm và sử dụng vòng hoa mâm lễ quay vòng. Đáng chú ý, Hội Cựu chiến binh thành phố đã thực hiện mô hình điểm không sử dụng nhà táng cho hội viên qua đời, đến nay, đa số các đám tang của hội viên đã bỏ được nhà táng, đạt tỷ lệ trên 80% ở các phường, 60% ở các xã, tiêu biểu phường Đông Kinh đạt 100%.
Cùng đó, các nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang được UBND các phường, xã đã đưa vào quy chế hoạt động của các hội hiếu. Ông Nguyễn Quang Hợp, Trưởng thôn Hoàng Thanh, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Hội hiếu của thôn có 100 gia đình với 330 hội viên. Hội có 1 ban điều hành gồm 7 người và được chia thành 2 tổ hiếu, mỗi tổ quản lý hội viên của 8 tổ liên gia tự quản. Sau khi NQ 12 được triển khai, quy ước hoạt động của hội đã được điều chỉnh dựa trên cơ sở nguyện vọng của nhân dân, trong đó, đảng viên đóng vai trò nòng cốt, gương mẫu thực hiện trước.”
Với sự sâu sát, tích cực trong tuyên truyền, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thành phố và sự gương mẫu của những người đứng đầu trong ban quản lý hội hiếu đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân. Trong giai đoạn 2016 – 2018, tổng số đám tang thực hiện theo NQ 12 là 811/1.045 đám (đạt 78%).
Đối với hoạt động lễ hội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 7 lễ hội truyền thống, các nghi lễ trong lễ hội đều được tiến hành trang trọng, tiết kiệm trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, trong đó nhiều lễ hội lớn thu hút hàng vạn người dân và du khách như: lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ, lễ hội chùa Tam Thanh, hội Chùa Tiên… Trong 3 năm qua, song song với các hoạt động lễ hội truyền thống là các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch do tỉnh tổ chức trên địa bàn thành phố nên công tác đảm bảo an ninh trật tự, quản lý và tổ chức lễ hội luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo.
Cùng đó, hằng năm, ban tổ chức lễ hội các phường, xã đã tổ chức cho các khối thôn, hội liên gia, các gia đình ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội, từ đó, ý thức, trách nhiệm của người dân, người trảy hội đã văn minh hơn rất nhiều, những hiện tượng xấu như: chen lấn, xô đẩy, gây mất an ninh trật tự, ăn xin, các trò chơi mang tính cờ bạc… hầu như không còn.
Ý kiến ()