Thứ 6, 29/11/2024 08:49 [(GMT +7)]
Thành phố Lạng Sơn tăng cường phòng, chống dịch bệnh tay, chân, miệng
Thứ 3, 03/04/2012 | 09:54:00 [(GMT +7)] A A
Hy vọng rằng với những biện pháp cụ thể, thiết thực, các cấp, ngành của thành phố sẽ ngăn chặn hiệu quả nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh tay, chân, miệng ngay từ các cơ sở giáo dục và các cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn.
LSO-Hiện nay, dịch bệnh tay, chân, miệng đã xuất hiện ở 63/63 tỉnh, thành trong cả nước. Tại thành phố Lạng Sơn, tính đến 15 giờ ngày 26/3/2012 đã có 31 trường hợp trẻ bị mắc bệnh tay, chân, miệng tại các cơ sở giáo dục mầm non và trường tiểu học trên địa bàn. Trước thực trang dịch bệnh có nguy cơ lây lan, cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là ngành giáo dục thành phố đã có phương án kịp thời nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng lây lan của bệnh dịch.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, đến nay đã có 4 cơ sở mầm non công lập là 17/10, 8/3, 19/5, Liên Cơ và nhóm trẻ Linh Ly đã có trẻ bị mắc bệnh tay, chân, miệng. Trong đó Trường Mầm non 17/10 có nhiều trẻ bị mắc nhất (13 trường hợp tính đến 15h ngày 26/3/2012). Theo nhận định ban đầu, các trẻ chủ yếu bị mắc dịch bệnh tay, chân, miệng có độ tuổi từ 5 tuổi trở xuống. Song đến chiều ngày 26/3 đã phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm bệnh là học sinh của Trường Tiểu học Đông Kinh và Trường Tiểu học Vĩnh Trại. Dịch bệnh tay, chân, miệng được phát hiện tại các cơ sở mầm non từ chiều thứ 6 tuần trước (tức là ngày 23/3/2012). Các cháu nhỏ khi phát hiện bệnh đều được cho nghỉ học. Một số gia đình cho con chữa tại nhà, một số đưa ra các cơ sở y tế, bệnh viện đa khoa tỉnh… để chữa trị. Trong đó 1 trường hợp được gia đình đưa xuống Bệnh viện Nhi Trung ương chữa trị nay đã khỏi.
Giáo viên Trường mầm non 8/3 phát tờ rơi tuyên truyền cho
phụ huynh học sinh bệnh dịch tay, chân, miệng
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Phòng GD&ĐT thành phố đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thành phố chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc để nhanh chóng dập tắt dịch bệnh. Theo đó, Phòng GD&ĐT nhanh chóng triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh tay, chân, miệng trong toàn ngành, đặc biệt chú ý đến các cơ sở mầm non trong và ngoài công lập. Chỉ đạo trực tiếp các trường học trên địa bàn, nhất là các trường, các lớp có trẻ bị mắc tay, chân, miệng liên tục tổng vệ sinh lớp học, bàn ghế, bát đũa, khăn mặt và các dụng cụ liên quan đến sinh hoạt của trẻ. Các nhà trường phải theo dõi, liên tục báo cáo về tình hình sức khỏe của trẻ, có biện pháp cụ thể để tuyên truyền cho phụ huynh về sự nguy hại của dịch bệnh tay, chân, miệng. Trung tâm y tế thành phố và trạm y tế 8 phường, xã đề ra biện pháp hiệu quả để phối hợp chặt chẽ với các trường học nhanh chóng dập tắt dịch bệnh, trước mắt là phát tờ rơi tuyên truyền bệnh tay, chân, miệng cho các trường học. Mặc dù không có số trẻ mắc tay, chân, miệng nhiều (có 4 trẻ trên tổng số hơn 600 trẻ), song ngay từ khi triển khai phòng, chống dịch bệnh trong toàn ngành, Trường Mầm non 8/3 đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp theo sự chỉ đạo của cấp trên. Trong 2 ngày thứ bảy và chủ nhật, tất cả cán bộ, công nhân viên và người lao động trong trường được huy động để tẩy uế công trình vệ sinh, khu vực bếp, lớp học, thu gom rác thải và đổ đúng nơi quy định; đảm bảo vệ sinh sạch sẽ hệ thống cống rãnh thoát nước; đánh rửa bằng xà phòng các dụng cụ nuôi dưỡng, chăm sóc và đồ dùng cá nhân của trẻ. Ông Nguyễn Danh Hành, cán bộ y tế nhà trường cho biết, nội dung phòng, chống dịch bệnh tay, chân, miệng đã được nhà trường triển khai từ năm học trước. Tuy nhiên đến nay dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp nên cán bộ y tế nhà trường luôn được đặt ở tình trạng báo động để có thể xử lý kịp thời vụ việc. Theo đó, nhà trường rà soát địa chỉ, số điện thoại của cha mẹ trẻ hoặc người nuôi dưỡng trẻ; số điện thoại của cơ sở y tế trên địa bàn để thông báo kịp thời khi phát hiện dịch. Trực tiếp ra thông báo nội dung dịch bệnh tay, chân, miệng; cách phòng, tránh và hướng điều trị cho giáo viên và phụ huynh. Đối với các giáo viên, phải nắm chắc sĩ số lớp; khi có trẻ có dấu hiệu mắc bệnh phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời; kiên quyết không nhận trẻ nếu thấy trẻ có những biểu hiện của bệnh tay, chân, miệng; phát tờ rơi phòng, tránh dịch bệnh cho phụ huynh; thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ việc cho trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi chơi; thông báo cho phụ huynh có con bị mắc bệnh phải điều trị khỏi và cho con ở nhà ít nhất 10 ngày mới cho đến lớp…Bà nội cháu Hà Quỳnh Anh, lớp 3 tuổi A, Trường Mầm non 8/3 cho biết, gia đình cảm thấy rất lo lắng khi biết có dịch bệnh tay, chân, miệng xảy ra. Đến nay vẫn thấy cháu chơi đùa khỏe mạnh, không có biểu hiện của bệnh nên những ngày tới gia đình vẫn cho cháu đến trường, đồng thời sẽ tuân thủ mọi quy định của nhà trường, làm theo hướng dẫn của các giáo viên chủ nhiệm lớp và thực hiện đầy đủ quy định ngay từ ở nhà.
Phụ huynh học sinh Trường MN 8/3 đọc thông báo của nhà trường về
phòng, chống dịch tay, chân, miệng
Trong trường hợp có các biểu hiện như sốt, xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc miệng, giáo viên phải thông báo cho cha mẹ biết để trẻ được cách ly, đưa đến cơ sở y tế khám và được điều trị kịp thời. Khi trẻ có các dấu hiệu trên thì cho nghỉ học để tránh lây bệnh cho các trẻ khác trong trường học. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ. Do vậy, cần theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng, bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng cho trẻ.
Hy vọng rằng với những biện pháp cụ thể, thiết thực, các cấp, ngành của thành phố sẽ ngăn chặn hiệu quả nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh tay, chân, miệng ngay từ các cơ sở giáo dục và các cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn.
Thanh Hòa
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()