Thành phố Lạng Sơn: Tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường
(LSO) – Do các cấp, ngành chức năng và lực lượng liên quan lơ là trong quản lý hoặc nể nang, né tránh mà gần 2 năm nay, vỉa hè, lòng, lề đường tại hầu hết các tuyến, ngõ phố trên địa bàn thành phố Lạng Sơn bị chiếm dụng ngang nhiên, gây bức xúc trong nhân dân.
Tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, phường Chi Lăng, đoạn từ ngôi nhà số 2 đến số 46 chỉ dài khoảng 200 m nhưng có hơn chục hộ kinh doanh hàng ăn, nước giải khát, rửa xe và bày la liệt biển quảng cáo, ô che, đỗ xe trên vỉa hè. Để không bị chiếm dụng vỉa hè, Cục Thống kê tỉnh nằm trên tuyến phố này phải treo biển “Cấm đỗ các loại xe” trước cổng trụ sở. Chị B.T.L, một người dân sống ở khu vực này cho biết: “Đoạn đường này hẹp nhưng đông người và phương tiện qua lại. Đã vậy, các hộ kinh doanh đua nhau lấn chiếm vỉa hè, lực lượng chức năng thì không xử lý triệt để khiến người dân phải đi bộ dưới lòng đường”.
Người dân phải đi dưới lòng đường Bà Triệu, phường Đông Kinh vì vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, đỗ phương tiện
Ở các tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn thành phố cũng tái diễn tình trạng vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng nghiêm trọng. Một trong số đó phải kể đến tuyến phố văn minh đô thị đường Lý Thái Tổ, đoạn từ đầu cầu Đông Kinh đến đường Bà Triệu. Ở đây, các hộ dân tận dụng vỉa hè làm bãi đỗ ô tô, xe máy như tại số nhà 2, 10 và 28; làm nơi tập kết vật liệu xây dựng như tại số nhà 24 hoặc quây kín toàn bộ diện tích vỉa hè phục vụ cho công trình xây dựng như trường hợp sát số nhà 36…
Quan sát thêm còn thấy có tình trạng người dân xây các đường dẫn từ lòng đường lên vỉa hè, từ vỉa hè lên nhà vẫn tiếp diễn. Phổ biến như ở đường Trần Đăng Ninh, Ngô Quyền. Nhiều nơi như: đường Bắc Sơn, ngã ba Pò Mỏ (giao cắt giữa đường Phai Vệ với đường Lê Đại Hành), ngã ba Chùa Tiên… , lòng đường còn bị chiếm dụng làm nơi họp chợ, bán hàng rong.
Thành phố Lạng Sơn đang quản lý 140 tuyến đường đô thị và đường huyện. Hai năm nay, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã trở nên nghiêm trọng và xảy ra ở hầu hết các tuyến phố, tạo nên hình ảnh nhếch nhác, lộn xộn. Ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Đội trưởng Đội Trật tự đô thị (TTĐT) thành phố Lạng Sơn cho biết: Việc ra quân, kiểm tra, xử lý để lập lại TTĐT được đội và UBND các xã, phường vẫn thường xuyên thực hiện. Từ năm 2018 đến hết tháng 6/2019, các lực lượng chức năng thành phố đã kiểm tra, xử lý, qua đây, phát hiện 696 trường hợp căng rạp trái phép dưới lòng đường; lập biên bản kiểm tra và vi phạm hành chính 318 trường hợp; ban hành 336 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 600 triệu đồng; tịch thu gần 1.600 bàn ghế, 680 biển quảng cáo, 48 xe đẩy và trên 900 ô, bạt, mái che cùng nhiều vật dụng khác.
Ông Lê Trí Thức, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Các cấp, ngành chức năng trên địa bàn đã vào cuộc để đảm bảo TTĐT nhưng tình trạng tái chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân chính là tốc độ phát triển kinh tế – xã hội nhanh trong khi hạ tầng cơ sở không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển, đơn cử hiện tại thành phố có khoảng 8.000 xe ô tô, gần 15.000 xe máy nhưng chưa có các bãi đỗ xe tĩnh, đường giao thông chưa được mở rộng; tinh thần trách nhiệm của một số UBND cấp xã, cán bộ chưa cao, còn đùn đẩy, né tránh, ngại va chạm và thiếu cương quyết ý thức chấp hành pháp luật của một số hộ dân chưa cao, mặc dù đã được tuyên truyền và ký cam kết nhưng vẫn cố tình vi phạm, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền thành phố Lạng Sơn tiếp tục thực hiện chủ trương kiên quyết lập lại TTĐT; trong đó dự kiến, quý III/2019, UBND thành phố tổ chức đợt cao điểm ra quân lập lại TTĐT; chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường và đỗ xe không đúng nơi quy định. Chủ tịch UBND thành phố cho biết thêm: Về lâu dài, UBND thành phố sẽ chủ động rà soát các khu đất để tham mưu UBND tỉnh các điểm, khu vực để đầu tư hạ tầng, đặc biệt là bố trí điểm bán hàng cố định cho người kinh doanh vãng lai, quy hoạch xây dựng điểm đỗ xe tĩnh và tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống vỉa hè trên địa bàn.
Mặc dù đã có những giải pháp cụ thể nhưng hơn hết vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động, quyết tâm cao từ chính quyền và người dân trên địa bàn trong lập lại TTĐT. Có như vậy, diện mạo đô thị thành phố Lạng Sơn mới đẹp, khang trang, hiện đại, năng động, xứng đáng là đô thị loại II như đã được công nhận.
Qua đánh giá 5 nhóm tiêu chuẩn và 59 tiêu chí theo quy định tại Nghị quyết số 1210 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, thành phố Lạng Sơn đạt tổng điểm 85,6 điểm (Theo đánh giá thực trạng phát triển đô thị thành phố được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 35/TTr-BXD ngày 28/02/2019 về việc công nhận thành phố Lạng Sơn là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Lạng Sơn). Trong đó, tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị có thang điểm từ 45 đến 60 điểm thì thành phố Lạng Sơn đạt 49,24/60 điểm (đạt yêu cầu). Hiện nay, thành phố Lạng Sơn là thành phố đô thị loại II trực thuộc tỉnh. |
MINH ĐỨC
Ông Hoàng Văn Tuyên, Trưởng Phòng Quy hoạch kiến trúc và Phát triển đô thị, Sở Xây dựng:“Một trong những tiêu chí phải đảm bảo đối với yêu cầu của một đô thị là quy hoạch, mỹ quan đô thị. Thành phố Lạng Sơn đã có quy hoạch chung đô thị, các quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết trong phát triển đô thị. Tuy nhiên, đây là đô thị hiện hữu nên công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý, chỉnh trang đô thị còn nhiều bất cập; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị chưa đồng bộ; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, tốc độ phát triển và chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân. Hơn nữa, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự đô thị của các hộ dân còn hạn chế nên vẫn còn tình trạng nhiều công trình, cơ sở hạ tầng công cộng như: lòng đường, vỉa hè bị chiếm dụng vào mục đích cá nhân như làm nơi kinh doanh, đỗ phương tiện mà chưa được xử lý dứt điểm. Để đảm bảo trật tự đô thị, thời gian tới, UBND thành phố và cơ quan chuyên môn có liên quan cần tăng cường phối hợp với các sở, ngành, nhà đầu tư nghiên cứu, lập các đồ án quy hoạch và các khu chức năng đô thị; tập trung triển khai đầu tư các công trình trọng điểm đã có chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Đồng thời phối hợp với các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thiện theo quy hoạch hạ tầng cơ sở, nhất là những công trình như” chợ, điểm đỗ phương tiện công cộng, tuyến phố văn minh đô thị…” .
Bà Hà Thị Dung, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn:Tôi thấy hiện nay trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, tình trạng lòng đường, vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán khá nhiều. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Một số đoạn đường còn trở thành chợ cóc với đủ các mặt hàng được bày bán như: rau, thịt, tôm, cá… Do vậy mỗi lúc tam tầm là người bán, người mua đứng tràn ra lòng đường, dừng đỗ không đúng nơi quy định, gây cản trở người tham gia giao thông. Tôi mong cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này để tạo cảnh quan đô thị đẹp, văn minh cho thành phố Lạng Sơn.
Ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn:Trên địa bàn phường có 18 tuyến đường chính. Thời gian vừa qua, UBND phường đã chỉ đạo Đội Trật tự đô thị phường ra quân giải quyết tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh tại các khu vực trọng điểm như: công viên Chi Lăng, trước cổng trụ sở các ban, ngành của tỉnh; tổ chức cưỡng chế phá dỡ lều quán để bàn giao mặt bằng cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh. Tuy nhiên, một số tuyến đường do chưa được đầu tư và vẫn có một phần đất là của người dân nên còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Thời gian tới, UBND phường tiếp tục phối hợp với lực lượng công an kiên quyết xử lý, giải tỏa các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh; chỉ đạo Đội Trật tự đô thị kẻ vạch hướng dẫn người dân đỗ xe đúng nơi quy định, dành một phần đường cho người đi bộ lưu thông và duy trì thường xuyên lực lượng đảm bảo trật tự đô thị trên các tuyến đường, khu vực trọng điểm chống tái lấn chiếm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
TRANG VÂN
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()