Thành phố Lạng Sơn: Sôi động thị trường sách đầu năm học mới
(LSO) – Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, năm học 2019-2020 sẽ bắt đầu. Thời điểm này, thị trường sách giáo khoa và đồ dùng học tập trên địa bàn thành phố Lạng Sơn trở nên sôi động.
Năm học mới 2019 – 2020, chương trình học trong sách giáo khoa chưa có thay đổi nên hầu hết các loại sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 đều là sách tái bản, tái bản có chỉnh sửa. Giá bán các loại sách ổn định, không chênh lệch nhiều so với năm trước giúp các bậc phụ huynh dễ dàng mua sách cho con.
Đầu tháng 8 là thời kì cao điểm nhất của thị trường sách giáo khoa và các trang thiết bị phục phục vụ học tập. Ghi nhận của phóng viên tại các cửa hàng, nhà sách lớn trên địa bàn thành phố như: Nhà sách Oanh Bình (phường Vĩnh Trại), Nhà sách 31 Nguyễn Tri Phương, Nhà sách Bình Cam (phường Hoàng Văn Thụ)…, vào mỗi buổi trưa, buổi chiều tối, lượng phụ huynh và học sinh đến mua sách, vở, đồ dùng học tập rất đông. Các nhà sách có diện tích lớn thường phân chia khu vực trưng bày những đầu sách khác nhau nhằm thuận tiện cho khách hàng lựa chọn sản phẩm.
Phụ huynh đưa con đi lựa chọn sách tham khảo đầu năm học mới tại Nhà sách Oanh Bình
Đang tìm mua sách giáo khoa lớp 7 cho con tại Nhà sách Oanh Bình, chị Triệu Thị Biển, trú tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Hằng năm, tôi thường ra đây mua sách cho con. Dù thời điểm này rất đông nhưng có nhiều loại sách, đồ dùng học tập phong phú để lựa chọn”. Ngoài sách giáo khoa, các loại sách tham khảo, sách nâng cao cũng được nhiều bậc phụ huynh quan tâm, tìm mua cho con để mở rộng kiến thức và giúp việc học tập tốt hơn. Mặt hàng này rất đa dạng với nhiều loại sách, do nhiều nhà xuất bản cung cấp nên giá cả cũng rất khác nhau.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các cửa hàng, nhà sách đã chủ động nhập các mặt hàng sách giáo khoa, sách tham khảo, đồ dùng học tập từ rất sớm; lựa chọn các nhà phân phối, cung ứng thường xuyên chất lượng và mức giá bán ổn định. Bà Vi Thị Oanh, chủ Nhà sách Oanh Bình cho biết: “Việc nhập sách chuẩn bị cho năm học mới của cửa hàng bắt đầu từ tháng 6, năm nay, cửa hàng chúng tôi nhập trên 1.000 bộ sách các loại. Do chương trình học trong sách giáo khoa chưa đổi mới nên mức giá của sách và đồ dùng học tập gần như không có chênh lệch so với năm học trước”. Thông tin thêm về hoạt động kinh doanh của cửa hàng, bà Oanh nói: “Từ đầu cho tới cuối tháng 8 là thời gian cao điểm nhất phụ huynh và học sinh tới cửa hàng mua sách và đồ dùng học tập. Còn trước đó, từ tháng 7, chúng tôi đã triển khai bán buôn cho trường học và các chi nhánh sách ở huyện”.
Khách hàng đến mua sách tại Nhà sách Oanh Bình, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn
Không chỉ nhà sách, nhiều năm trở lại đây, các trường học trong địa bàn thành phố cũng đã triển khai cung ứng sách cho học sinh. Cô Triệu Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Nhà trường đã phối hợp với các nhà xuất bản uy tín cung ứng sách giáo khoa cho học sinh. Theo đó, cuối năm học cũ, nhà trường sẽ thống kê lượng học sinh đăng kí lấy sách tự nguyện và giao sách cho các em vào đầu năm học mới. Số lượng học sinh đặt sách theo kênh nhà trường chiếm khoảng 80%”.
Năm học mới đã đến gần, sách, vở và đồ dùng học tập là hành trang không thể thiếu để học sinh đến trường. Với sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại của thị trường sách và thiết bị giáo dục, các bậc phụ huynh có thể dễ dàng lựa chọn những đầu sách, đồ dùng học tập tốt nhất cho con em mình.
Theo khảo sát tại một số nhà sách trên địa bàn thành phố, bộ sách giáo khoa ở bậc tiểu học có giá khoảng từ 100.000 – 275.000 đồng/bộ; bậc trung học cơ sở khoảng từ 280.000 – 360.000 đồng/bộ; bậc trung học phổ thông có giá khoảng từ 168.500 – 280.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện tình trạng sách in lậu, đặc biệt là các loại sách bài tập, sách tham khảo… Do đó, người tiêu dùng cần thận trọng khi lựa chọn sản phẩm; trước khi mua cần lựa chọn kỹ các loại sách, nên chọn sách của các nhà xuất bản uy tín (NXB Giáo dục, NXB Trẻ, NXB Kim Đồng…), có dán tem và chú ý giá bìa bởi sách giả thường rẻ hơn so với sách chuẩn. |
Ý kiến ()