Chủ nhật, 24/11/2024 12:26 [(GMT +7)]
Thành phố Lạng Sơn nỗ lực đưa Luật Bảo hiểm xã hội đi vào cuộc sống
Thứ 6, 07/10/2011 | 09:22:00 [(GMT +7)] A A
Nói về hướng phát triển trong thời gian tới, ông Hòa khẳng định: chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật BHXH tới người lao động và chủ sử dụng lao động, thực hiện tốt công tác quản lý, phát triển đối tượng. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công tác thu BHXH, thực hiện các giải pháp đối với nợ đọng, chậm đóng BHXH cũng như chi trả các chế độ BHXH kịp thời cho người lao động.
LSO-Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xác định như vậy, trong những năm qua, BHXH thành phố Lạng Sơn đã nỗ lực đưa Luật BHXH ngày càng đi vào cuộc sống.
Chi trả lương hưu cho cán bộ hưu trí phường Hoàng Văn Thụ, T.P Lạng Sơn |
Ông Phạm Thế Hòa, Giám đốc BHXH thành phố Lạng Sơn cho biết: để Luật BHXH thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân, chúng tôi đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn chính sách nghiệp vụ. Từ năm 2007 đến nay, chúng tôi đã tham mưu cho UBND thành phố ra 27 văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH.
Các hình thức tuyên truyền phổ biến vẫn là thông qua các hội nghị, qua chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép với các ban ngành, đoàn thể địa phương. Đặc biệt tăng cường đến trực tiếp với đơn vị sử dụng lao động, thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH thông qua hỏi đáp trực tiếp với người lao động và chủ sử dụng lao động. Thực tế 5 năm qua cho thấy, BHXH thành phố đã thực hiện được 721 buổi tuyên truyền về Luật BHXH, BHYT, cung cấp thông tin tuyên truyền cho các đơn vị sử dụng lao động; cấp phát được 4.900 số báo, 2.184 cuốn tạp chí, 6.000 tờ rơi BHYT học sinh, 1.312 tờ gấp “những điều cần biết về BHXH, BHYT bắt buộc”.
Trong công tác quản lý và phát triển đối tượng tham gia BHXH, năm 2007 có 207 đơn vị với 4.114 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đến năm 2011 đã tăng lên 334 đơn vị với 5.654 người. Việc thực hiện cấp sổ BHXH thuận lợi, kịp thời, không vượt quá thời gian quy định. Hầu hết người lao động tham gia BHXH đều được cấp sổ, ngoại trừ một số ít trường hợp có thời gian công tác trước năm 1995 vì nhiều lý do làm thất lạc hồ sơ, hiện chúng tôi đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện để làm sổ cho người lao động. Hiện tại, thực hiện cấp bìa sổ BHXH và cấp tờ rời sổ bảo hiểm hàng năm, cấp tờ rời chốt sổ… được thực hiện tốt hơn do áp dụng công nghệ thông tin để xử lý.
Hiện nay, so với các địa phương khác trong tỉnh, thành phố Lạng Sơn có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động tham gia BHXH bắt buộc cũng như BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp. Chính vì vậy, công tác thu BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp nhìn chung năm sau đều cao hơn năm trước, gia tăng cả về số đơn vị, số người tham gia BHXH. Cụ thể, năm 2007 thu BHXH bắt buộc đạt trên 8, 4 tỷ đồng thì đến năm 2010 thu được trên 23,2 tỷ đồng, trong năm 2011 tính đến thời điểm này đã thu được trên 13,3 tỷ đồng. Bảo hiểm thất nghiệp mới triển khai từ năm 2009, khi đó có 37 đơn vị tham gia với 1.047 người lao động, thu trên 459 triệu đồng thì đến năm 2011 đã có 145 đơn vị tham gia với 4.267 người lao động, thu trên 894 triệu đồng…
Những kết quả trên cho thấy, Luật BHXH đã từng bước đi vào cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên, theo các cán bộ làm công tác BHXH cho biết thì hiện nay trong việc thực hiện Luật BHXH cũng còn nhiều bất cập. Một số quy định khác có liên quan chưa được luật hóa, chưa được cụ thể hóa, thiếu tính khả thi và khó áp dụng. Ví dụ như khi triển khai bảo hiểm thất nghiệp, để xác định đúng đối tượng tham gia là điều không dễ, trong khi Luật công chức đã ban hành, các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chậm, Luật viên chức chưa đến thời điểm hiệu lực thi hành, một số đối tượng, chức danh, vị trí công tác khó mà xác định đúng là công chức hay viên chức…
Vấn đề vi phạm Luật BHXH trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm còn tương đối phổ biến như không đóng, chậm đóng hoặc nợ đọng BHXH kéo dài… Thực tế năm 2007 có 53 đơn vị nợ với số tiền nợ gần 475 triệu đồng thì đến năm 2011 số đơn vị nợ tăng lên đến 167 đơn vị, với số tiền trên 2,2 tỷ đồng. Đây thực sự là một vấn đề nan giải của ngành BHXH nói chung, BHXH thành phố nói riêng.
Nói về hướng phát triển trong thời gian tới, ông Hòa khẳng định: chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật BHXH tới người lao động và chủ sử dụng lao động, thực hiện tốt công tác quản lý, phát triển đối tượng. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công tác thu BHXH, thực hiện các giải pháp đối với nợ đọng, chậm đóng BHXH cũng như chi trả các chế độ BHXH kịp thời cho người lao động.
Thanh Huyền
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()