Thành phố Lạng Sơn: Nỗ lực biến di sản thành tài sản
– Xác định gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, thành phố Lạng Sơn đã quan tâm thực hiện nhiều giải pháp nhằm biến di sản thành tài sản, phục vụ đắc lực việc phát triển du lịch, kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Thành phố là địa bàn đông dân cư với đa dạng thành phần dân tộc, phong phú về DSVH phi vật thể với 7 lễ hội truyền thống, trong đó Lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ được công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia. Về DSVH vật thể, thành phố hiện có 28 di tích, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh, 6 di tích trong danh mục kiểm kê của tỉnh.
Biểu diễn văn nghệ tại liên hoan hát then, sli, lượn và khai mạc mùa hạt dẻ, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn (năm 2022)
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Trân trọng và phát huy tiềm năng DSVH vật thể và phi vật thể trên địa bàn, thời gian qua, UBND thành phố đã định hướng các cấp, ngành liên quan trên địa bàn gắn hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị DSVH với phát triển du lịch, biến “di sản” thành tài sản”, phát huy “sức mạnh mềm”. Đồng thời, ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai hoạt động bảo tồn DSVH gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân, du khách về tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH…
Theo đó, giai đoạn 2019 – 2022, thành phố đã phát hành gần 20.000 tờ rơi, tập gấp và đăng tải trên 150 tin, bài, ảnh về DSVH; tổ chức 80 gian hàng giới thiệu sản phẩm thủ công, ẩm thực truyền thống tại Phố đi bộ Kỳ Lừa; tạo không gian để người dân trình diễn các nét đẹp DSVH từ múa sư tử mèo đến trình diễn dân ca… Trong 3 năm qua, UBND thành phố cũng thường xuyên mời các chuyên gia nghiên cứu, khảo sát hiện trạng các di tích, tổ chức hội thảo khoa học; phối hợp triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Kỳ Cùng – Đền Tả Phủ thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” và Dự án “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Tứ trấn – Đoàn Thành Lạng Sơn gắn với phát triển du lịch”… Nhờ đó, mới đây đình Pác Moòng, xã Quảng Lạc và đền Cô Bé Thượng Ngàn, phường Chi Lăng được công nhận là di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, trong số 22 di tích đã xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia thì có 13 điểm di tích của thành phố đã được công nhận là điểm du lịch của tỉnh.
Song song với đó, UBND thành phố cũng luôn quan tâm việc đầu tư, tôn tạo các di tích. Từ năm 2019 đến nay, gần 20 di tích trên địa bàn đã được đầu tư, tôn tạo với tổng giá trị gần 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa (XHH).
Nghi thức rước kiệu truyền thống tại lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ năm 2023 thu hút sự tham gia của đông người dân và du khách
Ngoài phát huy giá trị các di tích, thành phố cũng rất chú trọng khai thác các DSVH trong lễ hội. Được biết, 7 lễ hội của thành phố hằng năm đều bảo tồn nguyên giá trị văn hóa truyền thống, trong đó, 100% lễ hội được tổ chức từ nguồn XHH. Đặc biệt, năm 2023 gắn với công tác tổ chức lễ hội, thành phố còn tổ chức Hội chợ trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; cuộc thi “Hương sắc ẩm thực Xứ Lạng thành phố Lạng Sơn mở rộng; hưởng ứng tuần lễ mặc trang phục dân tộc; trình diễn nghệ thuật hang động… thu hút đông đảo người dân, du khách tham quan, lễ bái. Chị Nguyễn Quỳnh Giang, du khách đến từ tỉnh Hưng Yên chia sẻ: Năm nay tôi rất vui vì được lên Lạng sơn đúng dịp lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ. Tôi rất thích các tiết mục hát then, sli, múa sư tử mèo trong lễ hội… Tôi cũng ấn tượng với hình ảnh nhiều người mặc quần áo dân tộc rất đẹp. Qua đây, giúp tôi hiểu hơn về những nét văn hóa độc đáo của người Lạng Sơn.
Từ các hoạt động bảo tồn, khơi dậy các nét đẹp DSVH đã giúp thành phố đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, lượng khách du lịch đến thành phố năm 2022 đạt trên 2,4 triệu lượt, doanh thu ước đạt 750 tỉ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố đã đón trên 300.000 lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt khoảng 70 tỉ đồng.
Thời gian tới, chính quyền thành phố Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền nội dung các chương trình, nghị quyết, văn bản về bảo tồn, phát huy giá trị DSVH. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng một số loại hình di sản; đồng thời, tăng cường công tác XHH, huy động sức mạnh của người dân trong bảo tồn DSVH.
TUYẾT MAI
Ý kiến ()