Thành phố Lạng Sơn: Nâng cao hiệu quả hợp tác xã nông nghiệp
(LSO) – Với sự năng động, nhạy bén của các hợp tác xã (HTX), cộng với sự quan tâm sát sao, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, đã giúp cho các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp của thành phố Lạng Sơn có những chuyển biến rõ nét.
Nói đến sản phẩm rau an toàn Lạng Sơn, nhiều người sẽ nhắc đến thương hiệu rau được trồng bởi các thành viên của HTX dịch vụ nông nghiệp Nà Chuông, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn.
Bà Hoàng Thị Hằng, Phó Giám đốc HTX cho biết: Được thành lập từ năm 2007, hiện nay HTX có 43 thành viên với diện tích trồng rau an toàn hơn 8 ha, hộ nào ít thì có hơn 1 sào, hộ nhiều lên tới cả mẫu. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, các thành viên trong HTX chủ động lựa chọn đưa những giống cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu, mùa vụ để sản xuất như các loại rau, cà chua, bí…
“Bên cạnh đó, những năm trước, Nhà nước đã hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng một số hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên. Qua đó nâng cao thêm thu nhập cho người nông dân. Hiện nay, tổng doanh thu từ trồng rau, củ, quả trung bình từ 7 – 8 triệu đồng/sào/vụ. Thu nhập ổn định, đời sống của các hộ thành viên được cải thiện rõ rệt” – Bà Hằng khẳng định.
Không có nhiều kinh nghiệm như HTX dịch vụ nông nghiệp Nà Chuông, nhưng HTX dịch vụ nông nghiệp Nà Trang, xã Hoàng Đồng đã phát huy được thế mạnh để từng bước vươn lên phát triển.
Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Nà Chuông chăm sóc rau
Bà Hoàng Thị Kim, Giám đốc HTX cho biết: HTX được thành lập năm 2018 với 44 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng cây ăn quả như: ổi, cam, bưởi với diện tích 10,4 ha. Khi tham gia vào HTX, các thành viên được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả. Bên cạnh đó, HTX còn được Nhà nước hỗ trợ vật tư, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đã giúp HTX nhanh chóng đi vào ổn định và nâng cao giá trị sản phẩm. Đối với diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch, trung bình cho thu nhập từ 12-15 triệu đồng/sào/năm.
Cùng với 2 HTX kể trên, thời gian qua, nhiều HTX nông nghiệp khác trên địa bàn thành phố đã phát huy được thế mạnh để đưa cây, con giống phù hợp vào phát triển sản xuất. Cùng với sự chủ động, cần cù chịu khó của người dân, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn giúp các HTX vươn lên phát triển.
Cụ thể, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, năm 2018 thành phố hỗ trợ cho các HTX ở 2 xã: Quảng Lạc, Hoàng Đồng trên 1 tỷ đồng để mua vật tư, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm mật ong, rau an toàn, cây đào cảnh, cây ăn quả. Những năm trước đó, thành phố đã hỗ trợ phát triển nhân rộng mô hình chăn nuôi, trồng trọt ở các xã: Mai Pha, Hoàng Đồng, Quảng Lạc; xây dựng thương hiệu sản phẩm cho các HTX Thịnh Phương, Nà Chuông, An Sơn, Nà Sèn…
Với sự năng động, nhạy bén của các HTX và sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực cụ thể, thiết thực của Nhà nước, đến nay các HTX nông nghiệp có những chuyển biến rõ nét. Hiện trên địa bàn thành phố có 1 liên hiệp HTX và 21 HTX nông nghiệp. Trong đó, từ đầu năm 2018 đến nay đã thành lập mới 7 HTX. Tổng số thành viên của các HTX là gần 300 người. Tổng số vốn hoạt động trên 6,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động đạt 3-4,5 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù còn gặp những khó khăn chung trong hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như: thiếu vốn; quy mô, diện tích canh tác nhỏ lẻ; trình độ kỹ thuật còn hạn chế… Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các HTX, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành liên quan, hy vọng lĩnh vực kinh tế tập thể nói chung, trong đó có các HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục có bước phát triển mới, qua đó góp phần vào tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
TÂN AN
Ý kiến ()