Thành phố Lạng Sơn: Kiểm soát chặt nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm rau, củ, quả
– Năm 2020, thành phố Lạng Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận (NHCH) “Rau Lạng Sơn”. Từ khi được cấp NHCH, cơ quan chức năng trên địa bàn đã phối hợp kiểm soát chặt quá trình canh tác rau, củ, quả để đảm bảo sản phẩm cung cấp ra thị trường được sạch và an toàn.
Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố Lạng Sơn có 6 hợp tác xã (HTX) tham gia trực tiếp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm rau, củ, quả an toàn và sản xuất theo quy trình VietGAP với tổng diện tích 25 ha, cung cấp ra thị trường trên 3.000 tấn rau an toàn các loại/năm. Tại thành phố Lạng Sơn, sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 1,8% giá trị sản phẩm toàn thành phố song lĩnh vực này vẫn đóng vai trò quan trọng do đất nông nghiệp chiếm hơn 70% diện tích đất tự nhiên. Chính vì thế, việc quản lý chặt chẽ NHCN đối với rau sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt trên địa bàn thành phố được triển khai nhằm mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe, đồng thời cũng nâng cao ý thức của người sản xuất trong việc chấp hành pháp luật, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra việc sản xuất rau an toàn tại HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Pò Đứa (xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn)
Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lạng Sơn cho biết: Ngay từ khi xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Rau Lạng Sơn” năm 2018, UBND thành phố Lạng Sơn đã ban hành quy chế quản lý, sử dụng và tuyên truyền rộng rãi đến các HTX, hộ sản xuất rau. Sau khi được cấp năm 2020, đơn vị phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý và sử dụng NHCN; yêu cầu các HTX, hộ dân sản xuất rau trên địa bàn muốn sử dụng NHCN “Rau Lạng Sơn” thì phải có giấy chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt theo hướng VietGAP…
Để kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm rau, củ, quả, hằng năm, cơ quan liên quan của thành phố phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra quá trình sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm của các HTX, hộ dân. Cụ thể, các cơ quan tiến hành lấy mẫu đất, nước, rau, củ, quả để phân tích các chỉ số để đánh giá chất lượng. Không chỉ có thế, hằng tuần, hằng tháng, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) còn tiến hành giám sát quy trình sản xuất của các đơn vị trên địa bàn bằng việc lấy mẫu các loại rau, củ, quả để xác định các chỉ số kỹ thuật và gửi kết quả phân tích chất lượng về Phòng Kinh tế thành phố để theo dõi, giám sát. Qua đây, với tổ chức, cá nhân có sản phẩm không đạt yêu cầu, phòng sẽ giám sát chặt chẽ, đồng thời chủ động hướng dẫn, hỗ trợ trong quá trình sản xuất. Tổ chức, cá nhân có kết quả kiểm tra mẫu không đạt chất lượng sẽ bị thu hồi chứng nhận VietGAP. Cùng đó, việc cấp giấy chứng nhận, tem nhãn hàng hóa mang NHCN cũng được quản lý chặt chẽ. Phòng Kinh tế thành phố chỉ cấp tem, nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm cho các HTX có chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, những đơn vị không đạt hoặc vi phạm, phòng từ chối cấp tem, nhãn hàng hóa mang NHCN.
Qua đánh giá các chỉ tiêu kỹ thuật về đất, nước và các sản phẩm rau, củ, quả cho thấy: riêng trong năm 2021, thành phố có 2 HTX đảm bảo các yêu cầu thực hành nông nghiệp tốt, có nhu cầu sử dụng NHCN với tổng diện tích 8,6 ha (HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Pò Đứa, HTX Nông nghiệp công nghệ cao và Phát triển Lạng Sơn). Phòng Kinh tế thành phố đã chấp thuận cho 2 HTX này sử dụng NHCN. Những HTX đảm bảo điều kiện sản xuất rau an toàn, có hồ sơ đề nghị, Phòng Kinh tế thành phố tiến hành cấp 20.000 túi ni lông, 40.000 tem truy xuất nguồn gốc, 8.000 m dây buộc để bao gói các loại rau củ quả. Trong năm, không có HTX vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng NHCN cũng như bao bì sản phẩm.
Bà Lý Thị Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Pò Đứa (xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Trong quá trình sản xuất, HTX tuân thủ quy trình VietGAP. Khi được cấp tem nhãn, bao bì sản phẩm, các thành viên HTX chỉ sử dụng để bao gói đối với các sản phẩm do HTX sản xuất. Với những sản phẩm bán lẻ tại các chợ, hội chợ thì các thành viên HTX tiến hành bao gói, gắn tem truy xuất nguồn gốc đầy đủ, còn với đơn hàng lớn cho các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể theo hợp đồng, chúng tôi ít sử dụng. Điều này nhằm tiết kiệm tối đa lượng bao bì được hỗ trợ cũng như rác thải nhựa ra môi trường.
Thời gian tới, Phòng Kinh tế thành phố Lạng Sơn tiếp tục phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn nhằm mở rộng đối tượng sử dụng NHCH trên địa bàn cũng như khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, an toàn.
Ý kiến ()