Thành phố Lạng Sơn: Kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh khí hóa lỏng
– Theo thống kê của Phòng Kinh tế thành phố Lạng Sơn, trên địa bàn thành phố hiện có 38 cơ sở hoạt động kinh doanh khí hóa lỏng (LPG), chiếm khoảng 1/3 tổng số cơ sở kinh doanh LPG trên toàn tỉnh. Qua công tác kiểm tra của cơ quan chức năng, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn trong hoạt động kinh doanh LPG.
Ông Lê Trung Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 (phụ trách địa bàn thành phố) cho biết: Thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề, từ đầu tháng 3/2023 Đội QLTT số 1 đã ra quân kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn trong hoạt động kinh doanh khí hóa lỏng (LPG) trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra 12 cơ sở thì có 11 cơ sở vi phạm, những vi phạm chủ yếu là lập sổ theo dõi chai (thường gọi là bình) LPG bán tại cửa hàng bán lẻ LPG nhưng không có đủ các thông tin theo quy định; vận chuyển chai LPG bằng xe gắn máy (hai bánh) nhưng không có giá đỡ, không đảm bảo an toàn; một số chai LPG tem niêm phong không rõ thông tin;… Cơ quan QLTT đã yêu cầu các cơ sở vi phạm khắc phục ngay những vi phạm, đồng thời xử phạt hành chính 11 cơ sơ kinh doanh LPG (tổng số tiền xử phạt hơn 45 triệu đồng).
Đội QLTT số 1 kiểm tra chất lượng bình LGP tại cơ sở kinh doanh LPG trên địa bàn thành phố Lạng Sơn
Đặc biệt, qua kiểm tra, một số cơ sở kinh doanh không dự trữ hàng mà khi có khách mới tổ chức gọi hàng từ đại lý lớn, việc này khiến kiểm soát nguồn hàng không đầy đủ, đôi khi hàng cung ứng cũng không phải của đơn vị theo hợp đồng cung ứng.
Về vấn đề nay, ông Phạm Công Cường, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lạng Sơn cho biết: Theo quy định của Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về kinh doanh khí thì các cơ sở kinh doanh LPG bắt buộc phải lập sổ theo dõi LPG chai bán cho khách hàng sử dụng. Tại sổ theo dõi phải có đủ các thông tin theo quy định… Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện yêu cầu này của các cơ sở kinh doanh còn nhiều hạn chế. Việc làm này khiến công tác quản lý số lượng, chất lượng, nguồn gốc chai LPG không đảm bảo. Để kịp thời chấn chỉnh những vi phạm trên, phòng đã chỉ đạo cán bộ phụ trách lĩnh vực tổ chức rà soát và yêu cầu các chủ cửa hàng gửi báo cáo về tình hình lập sổ theo dõi đối với hoạt động kinh doanh LPG; trong đó, chú trọng nắm bắt tình hình cung ứng, khả năng nhập LPG của các cơ sở trên địa bàn để giám sát và chấn chỉnh kịp thời những cơ sở kinh doanh báo cáo không đúng với tình hình thực tế.
Về vấn đề này, ông Lê Trung Nghĩa, Đội trưởng Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết: Đội sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch chuyên đề, thực hiện kiểm tra tất cả những cơ sở đang hoạt động kinh doanh LPG trên địa bàn thành phố ngay trong tháng 4/2023; xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh vi phạm, đặc biệt là các vi phạm về các điều kiện đảm bảo an toàn trong kinh doanh LPG. Cùng đó, đội đã chỉ đạo tổ phụ trách lĩnh vực thường xuyên giám sát những cơ sở đã vi phạm trước đó để đảm bảo các cơ sở này phải thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật về an toàn trong hoạt động kinh doanh LPG.
Ngoài ra, Đội QLTT số 1 phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố và chính quyền các phường, xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động kinh doanh LPG, trong đó, ngay trong tháng 4/2023 sẽ tổ chức cho các chủ cơ sở kinh doanh LPG ký cam kết về việc: đảm bảo các điều kiện về an toàn trong phòng, chống cháy nổ; không mua, bán LPG chai không có nguồn gốc xuất xứ, không phải của đơn vị cung ứng theo hợp đồng đã ký; thực hiện niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ rõ ràng theo quy định của pháp luật và bán đúng giá niêm yết;…
Chị Nguyễn Thị Hương, chủ cửa hàng gas và bếp gas Nhật (số 12, đường 17/10, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Cửa hàng tôi có đầy đủ các giấy tờ, thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh LPG, tuy vậy, thời gian tới, cửa hàng sẽ cử người quản lý và đội ngũ vận chuyển LPG tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh LPG; lắp đặt các giá đỡ hàng, thực hiện chằng dây chặt chẽ trong quá trình vận chuyển các chai LPG.
Có thể thấy rằng, lực lượng chức năng và cơ quan liên quan của thành phố đã và đang tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh LPG nhằm thiết lập và kịp thời chấn chỉnh những sai phạm trong hoạt động kinh doanh LPG trên địa bàn. Tuy nhiên, để việc quản lý được chặt chẽ hơn nữa, bên cạnh việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần chủ động giám sát việc hoạt động của các cơ sở kinh doanh LPG, đặc biệt là khi mua chai LPG cần kiểm tra tất cả các tem niêm phòng, chất lượng chai LPG,… qua đó, kịp thời những dấu hiệu vi phạm để thông báo đến đường dây nóng của cơ quan chức năng.
Ý kiến ()