Thành phố Lạng Sơn: Khó khăn trong xử lý rác thải xây dựng
– Hằng năm, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có khoảng 500 công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ do các hộ dân làm chủ đầu tư và có khoảng 50 danh mục công trình xây dựng hạ tầng thiết yếu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước được triển khai. Kèm theo đó là phát sinh khối lượng rác thải xây dựng rất lớn. Tuy nhiên, việc thu, xử lý rác thải xây dựng hầu như bị bỏ ngỏ dẫn đến tình trạng xả thải trộm diễn ra phổ biến, gây khó khăn trong công tác vệ sinh môi trường cũng như quản lý Nhà nước lĩnh vực tài nguyên môi trường ở cơ sở.
Bất cứ ai đi dọc tuyến quốc lộ 1A; 4B; đường tỉnh 234 (quốc lộ 1A cũ), đường huyện 29 Song Giáp-Khánh Khê; đường huyện 99B Bản Loỏng – Khánh Khê…, đoạn qua địa bàn thành phố Lạng Sơn đều dễ nhận ra những đống rác thải xây dựng đổ ngổn ngang dọc đường. Đó là những chất thải phát sinh từ hoạt động phá dỡ các công trình nhà ở cũ, thậm trí từ các công trình xây dựng đầu tư công như: bê tông, gạch chỉ, phụ phẩm trong hoạt động xây dựng. Theo tìm hiểu của chúng tôi từ các cơ quan chức năng của UBND thành phố Lạng Sơn đến các sở, ngành chức năng của tỉnh, hiện chưa có cơ quan nào thống kê số liệu chính thức cụ thể mỗi năm phát sinh bao nhiêu tấn rác thải xây dựng và xử lý như thế nào trên địa bàn thành phố. Hầu hết việc đổ thải xảy ra nêu trên do các lái xe đổ trộm và xuất hiện từ nhiều năm nay khiến việc kiểm soát của chính quyền cơ sở gặp nhiều khó khăn.
Một bãi rác thải xây dựng trên đường huyện 29 Song Giáp-Khánh Khê, đoạn thuộc xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn
Ông Hoàng Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hoàng Đồng cho biết: Hiện tượng đổ trộm rác thải xây dựng diễn ra phổ biến, công tác ngăn chặn xử lý rất khó khăn bởi các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, các khu vực góc khuất, ven sông, suối để thực hiện hành vi vi phạm. Không những vậy, nhiều lái xe còn móc nối với các hộ dân có nhu cầu cải tạo đất đai để thực hiện hành vi san lấp mặt bằng. Khi lực lượng chức năng của xã phát hiện bắt quả tang, các đối tượng đều không nhận hành vi đổ thải trước đó mà chỉ chấp nhận hành vi vi phạm tại thời điểm bị phát hiện. Nguyên nhân chính dẫn đến xảy ra hiện tượng đổ trộm rác thải xây dựng là do thành phố chưa quy hoạch được khu vực thu gom, xử lý rác thải xây dựng.
Theo thống kê của UBND xã Hoàng Đồng, trong 9 tháng năm 2021, lực lượng chức năng của xã đã phát hiện xử lý 6 vụ đổ trộm rác thải xây dựng trên địa bàn, lực lượng chức năng đã xử phạt với tổng số tiền 21 triệu đồng.
Tương tự, tại xã Quảng Lạc, hiện tượng đổ trộm rác thải xây dựng cũng xuất hiện dọc theo tuyến đường tỉnh 234 thành phố Lạng Sơn-Đồng Mỏ và trên đường huyện 99B Bản Loỏng-Khánh Khê. Tuy tần suất vi phạm không dày như ở xã Hoàng Đồng nhưng việc phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn bởi địa bàn rộng, hành vi đổ thải xảy ra chớp nhoáng.
Cũng từ chỗ thiếu khu vực đổ thải, nhiều nhà thầu xây dựng khi trúng thầu thi công các công trình đầu tư công trên địa bàn thành phố cũng gặp khó khăn và tốn kém trong việc xử lý rác thải xây dựng từ các công trình do mình đảm nhiệm thi công. Ông N.Q.T một chủ doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn (xin được giấu tên) cho biết: Khi trúng thầu xây dựng, do không có khu vực đổ thải tập trung, nhà thầu phải tự tìm kiếm khu vực đổ thải mất rất nhiều thời gian và tốn kém chi phí để vận chuyển. Vướng mắc này xảy ra vừa từ thực trạng thành phố không có khu vực đổ thải tập trung vừa do đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư công trình cho chủ đầu tư chưa đề xuất hoặc thể hiện rất chung chung, thiếu cụ thể việc xử lý rác thải xây dựng thế nào; chi phí xử lý ra sao.
Điển hình nhất là doanh nghiệp thi công kè suối Lao Ly khi nạo vét thanh thải lòng suối, đơn vị đã phải gom và phơi khô trên 500 m3 bùn để bớt mùi hôi thối, sau đó mới vận chuyển lên tận bãi rác Tân Lang, huyện Văn Lãng để chôn lấp, cự ly vận chuyển dài nhưng không được tính vào chi phí dự toán công trình.
Được biết, trong việc lập quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tỉnh đã tính toán tích hợp quy hoạch thu gom xử lý rác thải rắn vào quy hoạch, đây là văn bản pháp lý cao nhất làm căn cứ để giải quyết căn cơ vấn đề rác thải nói chung và rác thải xây dựng nói riêng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa nội dung này rất cần những yếu tố như: thời gian, cơ chế chính sách thu hút đầu tư; giải phóng mặt bằng.
Hiện tốc độ đô thị hóa tại thành phố Lạng Sơn đang rất nóng và có nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp, dự án đầu tư công từ ngân sách Nhà nước được triển khai sẽ tiếp tục phát sinh khối lượng rác thải xây dựng rất lớn. Trong khi chờ quy hoạch tỉnh được duyệt và tổ chức thực thi thì vấn đề xử lý rác thải xây dựng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn vẫn đang gặp rất nhiều vướng mắc.
“Vấn đề xử lý rác thải xây dựng của thành phố hiện đang rất vướng mắc, phòng cũng đang phối hợp với các xã, phường và ngành chức năng tìm vị trí để báo cáo thành phố nhưng gặp nhiều khó khăn do người dân không mặn mà khi được lấy ý kiến về vị trí quy hoạch đổ thải xây dựng. Để kiểm soát tốt hơn vấn đề này trong khi tiếp tục triển khai nghiên cứu lập quy hoạch tìm vị trí đổ thải, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các phường, xã, Đội trật tự đô thị thành phố đẩy mạnh tuyên truyền người dân không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát ngăn chặn, xử phạt nghiêm khắc, kịp thời các hành vi vi phạm về đổ trộm rác thải tại các phường, xã”. Bà Trần Mai Anh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Lạng Sơn |
Ý kiến ()