Thành phố Lạng Sơn khai thác tiềm năng phát triển du lịch
(LSO) – Giai đoạn 2010 – 2017, tốc độ tăng trưởng khách du lịch của thành phố Lạng Sơn chỉ đạt 4%. Điều này cho thấy, ngành du lịch thành phố vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Do đó, thời gian qua, thành phố đã tăng cường triển khai nhiều hoạt động khai thác, đánh thức tiềm năng phát triển du lịch.
Thành phố Lạng Sơn có những nét rất riêng biệt: vừa có núi, có sông, có hang động nằm ngay trong lòng thành phố; là nơi hội tụ sắc màu văn hóa của các dân tộc anh em Xứ Lạng. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của thành phố ngày càng được hoàn thiện thông qua các công trình, dự án lớn của tỉnh như: cầu 17/10; cầu Kỳ Cùng; công viên Chi Lăng; tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn và nhà phố shop house… Năm 2018, thành phố có 109 cơ sở lưu trú với gần 2.000 buồng; những công trình khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao.
Du khách tham quan động Nhị Thanh, thành phố Lạng Sơn
Đối với du lịch văn hóa lễ hội và di tích, danh thắng, từ năm 2017 đến nay, UBND thành phố đã và đang xây dựng, tôn tạo được 10 di tích với tổng kinh phí từ nguồn ngân sách và xã hội hóa khoảng 30 tỷ đồng. Các loại hình văn hoá phi vật thể như: hát then, sli,… văn hóa ẩm thực, được phát huy thông qua các lễ hội truyền thống, các hoạt động văn hóa dân gian, các hội chợ, hội thi “hương sắc ẩm thực”…
Nhờ đó, năm 2018, khách du lịch đến thành phố đạt gần 1,8 triệu lượt (tăng 3% so với cùng kỳ năm trước), trong đó khách quốc tế trên 180.000 lượt, khách nội địa trên 1,5 triệu lượt. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển du lịch, song thành phố vẫn còn nhiều hạn chế như: cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chưa đồng bộ; thiếu những sản phẩm du lịch và dịch vụ độc đáo; hệ thống cơ sở lưu trú vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách …
Từ những lợi thế cũng như thách thức trong phát triển du lịch, năm 2018, UBND thành phố đã tham mưu cho Thành ủy xây dựng Chương trình hành động số 41 ngày 23/2/2018 về phát triển du lịch. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 ngành du lịch thành phố cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội.
Để biến mục tiêu đó thành hiện thực, các cấp trên địa bàn đã tập trung mọi nguồn lực phát triển du lịch. Theo đó, tháng 8/2018, UBND thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch với thành viên là lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, các đoàn thể trực thuộc và lãnh đạo UBND 8 phường, xã. Cùng đó, UBND thành phố quan tâm tìm hướng đi trong phát triển du lịch với nhiều giải pháp như: mời chuyên gia tới khảo sát, tư vấn đưa ra định hướng phát triển; tổ chức hội nghị gặp mặt các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, mời gọi đầu tư vào các dự án phát triển du lịch; khảo sát và xây dựng đề án phát triển du lịch thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn đến 2030; xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái vui chơi giải trí thác Soong Cau, thôn Quảng Hồng 3, xã Quảng Lạc; khảo sát, xây dựng đề án tuyến phố ẩm thực…
Đặc biệt, điểm đáng ghi nhận của du lịch thành phố thời gian gần đây là việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch từ hoa đào. Hiện, thành phố Lạng Sơn đang khảo sát, quy hoạch một số vùng đào đẹp trên địa bàn, tạo ra điểm đến du lịch trên quy mô rộng, khuyến khích người dân khai thác dịch vụ du lịch từ vườn đào, thành lập hợp tác xã trồng đào, tổ chức triển lãm cây hoa đào đẹp; phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về thành phố Lạng Sơn – thành phố hoa đào. Mặt khác, thành phố xây dựng những sản phẩm biểu tượng, biểu trưng lưu niệm lấy ý tưởng từ hoa đào để làm quà tặng cho du khách và phục vụ công tác đối ngoại.
Bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố cho biết: Trong thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố triển khai thêm nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, trước mắt sẽ là tổ chức thành công hội thảo đánh thức tiềm năng du lịch thành phố Lạng Sơn vào ngày 2/3/2019 sắp tới. Từ đó có những giải pháp cụ thể hơn trong phát triển du lịch trên địa bàn.
Ý kiến ()