Thành phố Lạng Sơn: Hành trình xây dựng đô thị loại II
(LSO) – Năm 1925, thị xã Lạng Sơn được thành lập, khi ấy, thị xã có quy mô rất khiêm tốn. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử phát triển thăng trầm, giờ đây, thành phố Lạng Sơn vươn mình lớn mạnh và trở thành đô thị sầm uất nhất của tỉnh biên giới Lạng Sơn nói riêng và các tỉnh biên giới vùng Đông Bắc nói chung.
Sau năm 1954, với vị trí địa chiến lược của tỉnh biên giới phía Bắc, thị xã Lạng Sơn trở thành “cảng nổi” trên đất liền, là đầu mối tiếp nhận lưu trữ hàng viện trợ của các nước trong khối xã hội chủ nghĩa ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ.
Trong giai đoạn này, Đảng bộ và nhân dân Lạng Sơn đã bảo vệ và vận chuyển an toàn trên 800 nghìn tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm, thiết bị khí tài, xăng dầu…phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ tiến tới thống nhất đất nước.
Toàn cảnh thành phố Lạng Sơn. Ảnh: BÙI THUẬN
Sau năm 1975, đất nước thống nhất chưa được bao lâu, thị xã Lạng Sơn lại đối mặt với cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc năm 1979. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, thị xã Lạng Sơn, “cảng nổi” trên đất liền một thời của miền Bắc đã bị tàn phá nặng nề, Đảng bộ, nhân dân thị xã Lạng Sơn lại bước vào công cuộc tái thiết.
Ông Bế Thanh Long, nguyên lãnh đạo chủ chốt của Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Thời kỳ thị xã Lạng Sơn trở thành “cảng nổi”, trách nhiệm của tỉnh và người dân Xứ Lạng là vô cùng nặng nề, đó là phải làm sao để mạng lưới giao thông được thông suốt, vận chuyển hàng hóa từ các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho Việt Nam phục vụ tiền tuyến. Sau khi chiến tranh biên giới kết thúc, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Lạng Sơn lại bắt tay vào quá trình tái thiết thị xã với nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục mạng lưới giao thông kết nối, xây dựng lại hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật thiết yếu phục vụ cho sự phát triển kinh tế trong tình hình mới.
Bà Vũ Thị Hà, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Thời kỳ mới mở cửa những năm 1995 – 1996, tôi thường xuyên buôn bán làm ăn tại thị xã Lạng Sơn. Khi ấy, thị xã còn nghèo, dân cư thưa thớt, giao thông còn hạn chế. Những năm gần đây, thành phố Lạng Sơn đã thay đổi rất lớn, đặc biệt là cảnh quan đường phố, vườn hoa, các khu dân cư được xây dựng mới khang trang và đã xuất hiện những tòa nhà cao tầng hiện đại.
Năm 2000, thị xã Lạng Sơn được công nhận là đô thị loại III. Đến năm 2002, Chính phủ ban hành nghị định về việc thành lập thành phố Lạng Sơn trực thuộc tỉnh Lạng Sơn. Đây là bước ngoặt mở ra một thời kỳ mới, cơ hội mới để thành phố miền biên ải vững bước phát triển trong những năm tiếp theo.
Một góc thành phố Lạng Sơn
Với vị trí địa chính trị quan trọng, thành phố Lạng Sơn được xác định trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng kinh tế phía Đông Bắc trong quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt – Trung đến năm 2020. Đồng thời nằm trong lộ trình xây dựng phát triển thành đô thị loại II trong giai đoạn 2012 – 2020.
Để huy động nguồn lực xây dựng thành phố, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 62, ngày 29/5/2013 về tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn đến năm 2020 trở thành đô thị loại II. Từ đây hàng loạt các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế, quy hoạch, đầu tư hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội được thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả.
Sau 19 năm xây dựng và phát triển, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2017 thành phố Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các chỉ tiêu về hạ tầng đô thị, kinh tế – xã hội của thành phố có sự phát triển vượt bậc so với thời điểm năm 2000 như: dân số toàn đô thị tăng từ 100.627 người lên 200.108 người, năm 2018; diện tích đất đô thị tăng từ 6,52 km2 lên 10,87 km2; đường đô thị tăng từ 89 tuyến với chiều dài 70,8 km lên 107 km với 100% các tuyến đường được bê tông nhựa, bê tông xi măng; thu ngân sách tăng từ 34 tỷ đồng lên hơn 456 tỷ đồng năm 2018…
Với những nỗ lực trong việc nâng cấp đô thị, ngày 25/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận thành phố Lạng Sơn là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Lạng Sơn.
Ông Lê Trí Thức, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Thành phố được nâng cấp đạt đô thị loại II là cơ sở để trung ương đưa thành phố vào các chương trình phát triển đô thị quốc gia, vùng phát triển kinh tế và thu hút được nhiều nhà đầu tư đến thành phố. Khi ấy, môi trường sản xuất kinh doanh sẽ sôi động hơn và tạo ra nhiều việc làm cho người dân. Bên cạnh đó, thực hiện quy hoạch phát triển đô thị, thành phố Lạng Sơn sẽ trở thành đô thị loại I vào năm 2030. Do đó, việc đầu tư xây dựng, mở rộng đô thị, trở thành đô thị thông minh, hiện đại cung cấp các dịch vụ kinh tế, xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân thành phố là mục tiêu hàng đầu của thành phố trong nhiều năm tới.
TRANG NINH
Ý kiến ()