Thành phố Lạng Sơn: Đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở
– Thành phố Lạng Sơn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh, địa bàn tập trung đông dân cư, thường xuyên phát sinh các mâu thuẫn trong cộng đồng. Vì vậy, thời gian qua, các cấp chính quyền thành phố quan tâm nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở (HGƠCS), để kịp thời giải quyết tranh chấp, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật.
Kể về vụ việc hòa giải tiêu biểu tại khối phố, bà Dương Thị Thiểu, tổ viên tổ hòa giải khối Cửa Đông, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Năm 2020, tổ chúng tôi hòa giải thành công vụ vợ chồng trẻ mâu thuẫn, vợ viết đơn ly hôn do chồng thường xuyên ghen tuông vô cớ, mắng chửi. Nắm được vụ việc, chúng tôi đã gặp riêng từng người để nghe rõ ngọn ngành, phân tích đúng sai, hậu quả của ly hôn với con cái, sau đó tổ chức cuộc hòa giải có cả vợ chồng. Sau nhiều lần thuyết phục, hai vợ chồng đã hóa giải mâu thuẫn, sống với nhau hạnh phúc.
Các đại biểu tham gia hội nghị bồi dưỡng kỹ năng công tác hòa giải ở cơ sở do UBND thành phố tổ chức tháng 10/2021
Không chỉ tổ hòa giải trên, các tổ hòa giải trên địa bàn thành phố đã và đang phát huy vai trò trong công tác HGƠCS, giải quyết kịp thời mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Ông Vi Văn Ba, Trưởng Phòng Tư pháp thành phố cho biết: Hằng năm, chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật, HGƠCS. Để nâng cao chất lượng công tác HGƠCS, chúng tôi luôn chú trọng tuyên truyền Luật HGƠCS, kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên (HGV), xây dựng tổ hòa giải điển hình tiên tiến.
Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo các phường, xã thường xuyên kiện toàn, bổ sung đảm bảo 100% thôn, khối phố đều có tổ hòa giải hoạt động. Hiện nay, thành phố có 87/87 tổ hòa giải tại thôn, khối phố với trên 580 HGV. Các HGV được lựa chọn kỹ lưỡng, đa phần là cán bộ, công chức nghỉ hưu, người có đạo đức tốt, uy tín trong cộng đồng, đặc biệt có am hiểu pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, vận động Nhân dân.
Để Luật HGƠCS đi vào cuộc sống, các cấp chính quyền thành phố thường xuyên lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị, qua hệ thống loa truyền thanh; phát tờ rơi, tài liệu, cẩm nang kỹ năng HGƠCS cho tủ sách pháp luật tại các phường, xã trên địa bàn; thông qua sinh hoạt các câu lạc bộ pháp luật… Từ đầu năm 2021 đến nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã tổ chức trên 1.000 cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 200 nghìn lượt người, trong đó có nội dung về HGƠCS.
Bà Nguyễn Thị Liên, khối 1, phường Đông Kinh cho biết: Qua dự các cuộc tuyên truyền, chúng tôi hiểu biết thêm về Luật HGƠCS. Tôi thấy HGV của khối làm việc trách nhiệm, kịp thời có mặt giải quyết các mâu thuẫn. Đồng thời, các HGV cũng thường xuyên tuyên truyền các kiến thức pháp luật cho người dân, từ đó chúng tôi chấp hành tốt pháp luật, tham gia đóng góp đầy đủ các loại quỹ, các phong trào hoạt động của khối.
Điểm nổi bật trong các giải pháp nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở mà thành phố đang triển khai đó là quan tâm, đổi mới bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho HGV. Hằng năm, UBND thành phố tổ chức hoặc phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức 3 hoặc 4 hội nghị bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ HGV thuộc 8/8 phường, xã trên địa bàn thành phố.
Ông Đinh Văn Kiều, HGV khối 10, phường Tam Thanh cho biết: Hơn 10 năm làm công tác hòa giải ở cơ sở, tôi thường xuyên được tham gia các hội nghị tập huấn kỹ năng hòa giải. Thay vì chủ yếu giới thiệu nội dung Luật Hòa giải ở cơ sở, tại các lớp bồi dưỡng, báo cáo viên tập trung giúp chúng tôi các kỹ năng như: lắng nghe, khai thác thông tin, chứng cứ về vụ việc, tìm mẫu thuẫn, xung đột lợi ích cốt lõi, sử dụng ca dao, tục ngữ trong hoạt động hòa giải ở cơ sở… với những tình huống, ví dụ rất cụ thể. Nhờ đó, chúng tôi được nâng cao kiến thức, kỹ năng áp dụng vào công tác, hằng năm, tỷ lệ hòa giải thành của khối phố đạt trên 80%.
Ngoài ra, từ năm 2018, thành phố xây dựng 4 tổ hòa giải điển hình tiên tiến tại 2 phường Chi Lăng và Tam Thanh, các tổ này duy trì tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 90%/năm. Trong năm 2021, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các xã, phường lựa chọn xây dựng thêm 14 tổ hòa giải điển hình tiên tiến, nâng tổng số tổ hòa giải điển hình tiên tiến lên 18 tổ. Cùng với các cách làm hay trong công tác hòa giải ở cơ sở như: tổ chức các cuộc gặp gỡ riêng để lắng nghe các bên tranh chấp trình bày quan điểm và hiểu rõ sự việc; lựa chọn thời gian hòa giải phù hợp; vận dụng phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc vào công tác HGƠCS… Các tổ hòa giải điển hình tiên tiến phấn đấu tỷ lệ hòa giải thành năm 2021 đạt trên 90%. Từ đó, chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng ra các tổ hòa giải khác.
Bằng những giải pháp trên, công tác HGƠCS trên địa bàn thành phố ngày càng được nâng cao về chất lượng, tỷ lệ hòa giải thành tăng dần qua các năm. Đơn cử trong 9 tháng đầu năm 2021, các tổ hòa giải trên địa bàn thành phố hòa giải thành công 65/75 vụ việc, đạt tỷ lệ hơn 86% (tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020). Qua đó góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, hạn chế khiếu nại, tố cáo vượt cấp, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
Ý kiến ()