Thành phố Lạng Sơn: Điểm sáng thực hiện tín dụng chính sách
(LSO) – Năm 2019, thành phố Lạng Sơn là đơn vị đi đầu trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai. Để đạt được kết quả đó, NHCSXH thành phố đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Năm 2019, NHCSXH thành phố đã hoàn thành các chỉ tiêu tín dụng được NHCSXH tỉnh giao, đặc biệt là chỉ tiêu về tăng trưởng dư nợ. Hiện nay, đơn vị triển khai cho vay 9 chương trình tín dụng cho hơn 2.100 hộ vay với tổng dư nợ là 68,685 tỷ đồng, tăng 25,256 tỷ đồng so với năm 2018, tỷ lệ tăng trưởng đạt 58,2%, là đơn vị tăng trưởng dư nợ cao nhất trong toàn chi nhánh.
Theo đó, nguồn vốn tăng trưởng chủ yếu tập trung ở một số chương trình như: cho vay tạo việc làm 22,2 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường 2,6 tỷ đồng; nhà ở xã hội 1,6 tỷ đồng… Nguồn vốn vay được người dân đầu tư hiệu quả đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống.
Người dân xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế
Không chỉ thực hiện tốt chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ, công tác huy động vốn cũng đạt và vượt kế hoạch giao. Cụ thể, huy động vốn qua tổ chức, cá nhân là 16,9 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; huy động qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) là 5,1 tỷ đồng, đạt 126% kế hoạch.
Để có được kết quả trên, đơn vị đã bám sát định hướng hoạt động của chi nhánh tỉnh, xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Ông Phạm Trung Kiên, Phó trưởng Phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh, phụ trách triển khai công tác tín dụng trên địa bàn thành phố cho biết: Ngay từ đầu năm 2019, đơn vị chủ động tham mưu cho Ban đại diện HĐQT thành phố giao chỉ tiêu cho các xã, phường ngay khi nhận được chỉ tiêu giao của cấp trên, tham mưu các giải pháp để chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn. Chủ động phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác thực hiện bình xét cho vay, giải ngân, kiểm tra vốn theo quy định, đồng thời bám sát các món nợ đến hạn, thực hiện cho vay quay vòng kịp thời, không để tồn đọng…
Đặc biệt, từ thực tế địa bàn thành phố, tỷ lệ hộ nghèo thấp, nhu cầu vay vốn tạo việc làm lớn, hằng năm, NHCSXH thành phố đã sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang để cho vay tạo việc làm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân.
Cùng với thực hiện giải ngân nhanh, đơn vị chú trọng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các tổ TK&VV. Trong năm 2019, đơn vị tổ chức được 2 lớp nghiệp vụ quản lý vốn vay cho hơn 100 đối tượng là tổ chức hội nhận ủy thác xã, phường; trưởng thôn, khu phố; tổ trưởng tổ TK&VV; thành viên ban giảm nghèo xã, phường. Nhờ đó, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,7% tổng dư nợ, giảm 1% so với năm 2018.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các chương trình tín dụng, đơn vị còn thường xuyên tuyên truyền và lồng ghép các đợt kiểm tra hoạt động của các tổ TK&VV, các tổ chức hội nhận ủy thác, các hộ vay. Theo đó, trong năm 2019, đơn vị đã kiểm tra được 8/8 xã, phường; 146 lượt tổ TK&VV; 618 lượt hộ vay và kiểm tra 100% các món vay được giải ngân trong vòng 30 ngày. Qua kiểm tra cho thấy: các tổ TK&VV đều hoạt động đúng quy định, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, trả gốc và lãi đúng kỳ hạn; công tác thu lãi trong năm đạt 105,8% (thu được cả lãi tồn những năm trước).
Bà La Thị Ngọc Thủy, tổ trưởng tổ TK&VV khối 6, phường Tam Thanh chia sẻ: “Hiện nay, tổ của tôi quản lý có 48 thành viên với dư nợ 2 tỷ đồng. Hằng năm, ngay từ đầu năm, tôi chủ động phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, cán bộ NHCSXH rà soát những hộ đủ điều kiện vay vốn và tiến hành giải ngân kịp thời, cùng đó, hướng dẫn, kiểm tra các hộ sử dụng nguồn vốn đảm bảo hiệu quả, nhờ đó, tổ không có nợ quá hạn, thu lãi thu tiết kiệm đều đạt kế hoạch giao”.
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh đánh giá: Năm 2019, với những giải pháp cụ thể, hiệu quả trong thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, thành phố là đơn vị đi đầu trong toàn chi nhánh tỉnh về thực hiện nhiệm vụ được giao. Qua đó, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Ý kiến ()