Thành phố Lạng Sơn: Đánh thức tiềm năng đô thị loại II
(LSO) – Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng của các tầng lớp nhân dân và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, tháng 3/2019, thành phố Lạng Sơn chính thức được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Lạng Sơn. Từ đây thành phố đã, đang xây dựng các chương trình, đề án nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển từng bước xây dựng thành phố Lạng Sơn trở thành đô thị văn minh, hiện đại.
Ngày 5/8/2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1187/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Lạng Sơn đến năm 2025. Năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 62 ngày 29/5/2013 về tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn đến năm 2020 trở thành đô thị loại II. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để thành phố xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, xác định nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế, quy hoạch, đầu tư hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, thực hiện lộ trình nâng cấp đô thị thành phố Lạng Sơn.
Một góc thành phố Lạng Sơn hiện nay
Từ đây, công tác quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển đô thị được thành phố Lạng Sơn tập trung thực hiện theo hướng nâng cấp đô thị theo tiêu chí đô thị loại II. Trong giai đoạn 2015 – 2019, thành phố đã có 8 đồ án quy hoạch được lập mới; 49 đồ án quy hoạch được điều chỉnh; 5/5 phường được phủ kín quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 và 3/3 xã có quy hoạch chung và chi tiết khu trung tâm xã. Công tác chỉnh trang đô thị lõi và phát triển các khu đô thị, dân cư mới gắn với xây dựng các tuyến phố văn minh được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Song song với đó, hàng loạt các dự án hạ tầng đô thị được đầu tư như: dự án cầu 17/10, cầu Kỳ Cùng, tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn và nhà phố Shophouse, công viên bờ sông Kỳ Cùng, khu tái định cư và dân cư Nam thành phố… đã tạo cho thành phố Lạng Sơn một diện mạo mới vừa giữ được vẻ truyền thống của đô thị lõi, vừa mở rộng đô thị mới theo hướng hiện đại.
Tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận thành phố Lạng Sơn trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh Lạng Sơn. Như vậy, mục tiêu phấn đấu xây dựng thành phố Lạng Sơn trở thành đô thị loại II vào năm 2020 đã được thành phố thực hiện về đích sớm hơn 1 năm.
Kết quả đạt được đã đặt ra cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Lạng Sơn bài toán phải làm sao khai thác được tiềm năng, lợi thế có được để xây dựng thành phố Lạng Sơn trở thành đô thị văn minh, hiện đại, là thành phố đáng sống trong tương lai.
Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn La Thông, Bí thư Thành ủy thành phố Lạng Sơn cho biết: Muốn thành phố Lạng Sơn phát triển và trở thành đô thị văn minh, hiện đại, không còn cách nào khác là phải tiếp tục mở rộng đô thị gắn với phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khu kinh tế cửa khẩu, các di tích lịch sử, danh thắng, cơ sở hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, với chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi, mở ra cơ hội mới, thời cơ mới cho sự phát triển của thành phố Lạng Sơn.
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, thành phố đang triển khai đồ án quy hoạch chung thành phố Lạng Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt. Theo đó, thành phố Lạng Sơn sẽ mở rộng đô thị theo hướng phát triển không gian phía Bắc – Đông – Nam với diện tích tăng thêm khoảng 61 km2 lên 140 km2 (diện tích hiện tại của thành phố khoảng 79 km2). Hạ tầng giao thông được phát triển sang phía Tây, hình thành tuyến giao thông từ Mai Pha – Quảng Lạc – Hoàng Đồng kết nối Đồng Đăng. Khi ấy, cùng với hệ thống trục giao thông trung tâm của Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (dự kiến mở rộng quốc lộ 1A hiện nay thành 8 làn xe với chiều dài hơn 20 km từ thị trấn Đồng Đăng đến xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc) kết hợp với tuyến cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị sẽ tạo cho thành phố Lạng Sơn có hệ thống hạ tầng giao thông khang trang, hiện đại. Từ đó, tạo tiền đề để khai thác tiềm năng, phát triển đô thị và hạ tầng kinh tế – xã hội.
Đồng thời, thành phố đang xây dựng đề án phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với xây dựng hình ảnh thành phố Lạng Sơn – thành phố hoa đào. Liên quan đến phát triển du lịch, trong giai đoạn 2020 – 2025, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch triển khai lập quy hoạch và đầu tư xây dựng 1 đến 2 khu rừng cảnh quan, xây dựng tuyến phố đi bộ, tuyến phố ẩm thực tại đô thị lõi.
Để thực hiện được những chủ trương này, thành phố sẽ phải giải quyết tốt hàng loạt các vấn đề đặt ra về công tác giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, từng bước xây dựng môi trường đầu tư cạnh tranh.
Với thế và lực của một thành phố đang trên đà phát triển, thành phố Lạng Sơn đang tập trung nâng chất các tiêu chí của đô thị loại II và hướng tới chuẩn bị tốt các điều kiện để trở thành đô thị loại I vào năm 2030. Dáng dấp của một đô thị hiện đại, văn minh đang dần hiện hữu; thành phố Lạng Sơn đang vững bước phát triển và trở thành một đô thị có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong hệ thống đô thị khu vực biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc.
Ý kiến ()