Thành phố Lạng Sơn: Đa dạng các hình thức phòng, chống HIV/AIDS
LSO-Theo thống kê của ngành chức năng, hết tháng 11/2013, lũy tích các trường hợp nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Lạng Sơn là 1.313 người (trong đó 1.080 người là nam giới, 233 người là nữ giới); phát hiện nhiễm mới 18 trường hợp, chủ yếu do tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn. Số người chết do AIDS là 721 người.
LSO-Theo thống kê của ngành chức năng, hết tháng 11/2013, lũy tích các trường hợp nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Lạng Sơn là 1.313 người (trong đó 1.080 người là nam giới, 233 người là nữ giới); phát hiện nhiễm mới 18 trường hợp, chủ yếu do tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn. Số người chết do AIDS là 721 người.
Phụ nữ xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn trao đổi cách thức tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS |
Năm qua, để hạn chế số người nhiễm mới và giảm thiểu lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo Phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm thành phố Lạng Sơn chủ trương đa dạng hóa các hình thức phòng, chống HIV/AIDS. Theo đó, đã triển khai lồng ghép công tác phòng, chống HIV/AIDS với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, mại dâm; chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể và các phường, xã tổ chức tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, hội viên và nhân dân về công tác phòng chống HIV/AIDS dưới nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp như: tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ hay lồng ghép các buổi sinh hoạt, hội họp của các tổ chức Hội, đoàn thể và nhân dân ở các khối phố, thôn bản… Y sỹ Lê Trí Thức, Trưởng Phòng Tổ chức – Hành chính, Trung tâm Y tế thành phố – phụ trách công tác phòng, chống HIV/AIDS cho biết: từ đầu năm 2013 đến nay, thành phố đã tổ chức tuyên truyền được 116 buổi với trên 6.400 lượt người tham dự; phát trên 6.000 tờ rơi các loại liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm. Qua đó, nhận thức của một bộ phận người dân về phòng chống HIV/AIDS được nâng lên, góp phần làm giảm sự phân biệt đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Ban Chỉ đạo Phòng chống HIV/AIDS ở các phường, xã còn vận các đối tượng nhiễm HIV/AIDS tham gia vào câu lạc bộ “Bạn giúp bạn” và nhóm “Đồng đẳng viên” thường xuyên sinh hoạt định kỳ hàng tháng tại các trạm y tế và duy trì tổ chức sinh hoạt nhóm. Trong năm 2013, đã tổ chức 62 buổi với gần 1.000 lượt người tham dự. Qua các buổi sinh hoạt, các đồng đẳng viên được chia sẻ, giao lưu với nhau để tự tin hơn trong cuộc sống và tích cực tham gia tuyên truyền, phòng chống HIV/AIDS. Cùng với đó, mỗi tháng 2 lần, nhóm đồng đẳng viên đều đến Trung tâm Y tế thành phố lấy bao cao su, bơm kim tiêm sạch, phiếu dịch vụ sức khoẻ nằm trong nội dung Dự án Phòng lây nhiễm HIV/AIDS và Dự án Quỹ toàn cầu để phát cho những đối tượng có nhu cầu góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các đối tượng tham gia phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân về nguy cơ và tác hại của HIV/AIDS. Bên cạnh đó, công tác khám bệnh và cấp phát thuốc cho các đối tượng được quan tâm chú trọng. Từ đầu năm 2013 đến nay, đã khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí cho trên 200 lượt đối tượng HIV/AIDS bị nhiễm trùng cơ hội. Trong những ngày lễ, tết hay nhân ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS hàng năm, cấp uỷ, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho những đối tượng nhiễm HIV/AIDS.
Ngoài ra, cán bộ chuyên trách HIV/AIDS và các đồng đẳng viên thường xuyên xuống từng nhà đối tượng để tư vấn cho người nhà và người nhiễm, giúp người có H biết cách tự chăm sóc bản thân và phòng tránh lây nhiễm cho những người thân trong gia đình và xã hội. Đồng thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng động viên họ bớt đi được những mặc cảm trong cuộc sống hàng ngày và hướng dẫn người nhiễm HIV/AIDS đến điều trị ARV hay tham gia xét nghiệm tự nguyện tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
Nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm thành phố Lạng Sơn tiếp tục phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ về nguy cơ lây nhiễm HIV, thực hiện hiệu quả hoạt động can thiệp giảm tác hại tại 8/8 phường, xã; duy trì tốt phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư và đa dạng hóa các hình thức hoạt động của các nhóm, câu lạc bộ… hướng tới mục tiêu “không có người nhiễm mới HIV”.
HOÀI AN
Ý kiến ()