Thứ 3, 26/11/2024 21:47 [(GMT +7)]
Thành phố Lạng Sơn chủ động phòng chống dịch tai xanh
Thứ 5, 12/07/2012 | 16:39:00 [(GMT +7)] A A
Ông Lưu Đức Bảo cho biết thêm: Dịch tai xanh trên đàn lợn hiện vẫn đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong phòng, chống dịch, thành phố tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra chặt chẽ vệ sinh thú y, sản phẩm động vật; tổ chức thanh tra, kiểm tra thú y trên diện rộng…nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số gia súc, gia cầm mắc bệnh, không để lây lan ra diện rộng, góp phần bảo vệ đàn vật nuôi cho bà con nông dân.
LSO-Tính đến nay, bệnh tai xanh trên đàn lợn đã xuất hiện ở 8/11 huyện, thành phố. Trong những ngày này, cũng như các địa phương trong toàn tỉnh, thành phố Lạng Sơn đang quan tâm, chủ động phòng chống dịch tai xanh.
Cán bộ Trạm thú y thành phố hướng dẫn người dân sử dụng thuốc thú ý
Ông Lưu Đức Bảo, Trạm trưởng Trạm thú y thành phố cho biết: Bệnh tai xanh xuất hiện trên địa bàn thành phố từ ngày 3/7/2012 tại một gia đình ở khối 8, phường Vĩnh Trại. Đến hết ngày 10/7/2012, thành phố có thêm 2 địa phương xuất hiện bệnh tai xanh là phường Đông Kinh và xã Hoàng Đồng với tổng số 60 con nhiễm bệnh. Ngay sau khi phát hiện, Trạm thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khoanh vùng dịch, tiêu huỷ 42 con mắc bệnh nặng, 18 con nhiễm bệnh còn lại, sau khi được điều trị, hiện đang dần phục hồi. Trạm tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng 2 ngày/lần, rắc vôi bột trong và xung quanh vùng dịch. So với đợt dịch tai xanh năm 2010, đợt dịch lần này, số con, số xã, phường có lợn mắc bệnh ít hơn (năm 2010, 7/8 phường, xã của thành phố xuất hiện dịch tai xanh với 166 con mắc bệnh, trong đó, số lợn mắc bệnh nặng phải tiêu huỷ là 89 con). Dịch tai xanh năm nay xuất hiện là do lây nhiễm từ nơi khác về nhưng không xảy ra ồ ạt, không lây lan ra diện rộng là do ngay từ đầu năm, công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được thành phố rất quan tâm. Trạm thú y đã chủ động tham mưu cho UBND thành phố xây dựng kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Phối hợp với Hội nông dân, UBND các phường, xã tập huấn, tuyên truyền đến bí thư, trưởng thôn, chi hội nông dân nhằm triển khai tốt công tác tiêm phòng. Vì vậy, ngay từ những tháng đầu năm, thành phố đã thực hiện công tác tiêm phòng một số dịch bệnh khá tốt. Đồng thời, thường xuyên duy trì công tác kiểm dịch động vật vận chuyển, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, sản phẩm động vật trên địa bàn đạt hiệu quả.
Chị Vũ Anh Tú chăm sóc đàn lợn của gia đình
Ngay sau khi xuất hiện bệnh tai xanh trên đàn lợn, Trạm thú y đã phân công cán bộ phụ trách địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương, thú y viên cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong phòng chống dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất số lợn bị bệnh, không để lây lan ra diện rộng. Bên cạnh đó, nhận thấy thành phố là địa phương có nguy cơ cao trong việc lây nhiễm bệnh nên ngành chức năng đã cấp phát cho thành phố 5.000 liều thuốc phòng dịch tai xanh. Ngay sau khi nhận được thuốc, từ ngày 1/7/2012, thành phố đã kịp thời triển khai tiêm phòng cho 8/8 phường, xã. Đến nay, đã tiêm được gần 3.000 liều. Qua tuyên truyền, vận động, ý thức của người dân trong phòng trừ dịch bệnh đã được nâng lên rõ rệt. Chị Vũ Anh Tú, ở khối 14, phường Hoàng Văn Thụ có kinh nghiệm chăn nuôi trong nhiều năm chia sẻ: Gia đình chị thường xuyên nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt cung cấp ra thị trường, có thời điểm nuôi hơn 100 con. Nếu khâu phòng trừ dịch bệnh không tốt, đàn lợn mắc bệnh thì tổn thất về kinh tế rất lớn. Thời gian gần đây, dịch tai xanh đã xuất hiện ở nhiều địa phương, vì vậy, gia đình chị càng thận trọng hơn trong chăn nuôi, luôn giữ gìn vệ sinh chuồng trại, quan tâm đến thức ăn cho đàn lợn, chủ động tiêm phòng dịch bệnh…nên đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt không có dịch bệnh lớn xảy ra. Cũng giống như gia đình chị Tú, gia đình anh Hoàng Văn Vịnh ở thôn Quảng Tiến II, xã Quảng Lạc mặc dù không chăn nuôi với quy mô lớn, mỗi lứa chỉ nuôi từ 4-6 con lợn, nhưng anh luôn quan tâm đến khâu phòng chống dịch bệnh nên đàn lợn của gia đình phát triển tốt.
Ông Lưu Đức Bảo cho biết thêm: Dịch tai xanh trên đàn lợn hiện vẫn đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong phòng, chống dịch, thành phố tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra chặt chẽ vệ sinh thú y, sản phẩm động vật; tổ chức thanh tra, kiểm tra thú y trên diện rộng…nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số gia súc, gia cầm mắc bệnh, không để lây lan ra diện rộng, góp phần bảo vệ đàn vật nuôi cho bà con nông dân.
Đức Anh
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()