Thành phố Lạng Sơn: Chủ động phòng cháy tại các chợ dịp cận Tết Nguyên đán
Thành viên Ban Quản lý chợ Đông Kinh kiểm tra bình chữa cháy của hộ kinh doanh
– Thời điểm này, lượng hàng hóa tại các chợ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn tăng cao so với thông thường. Điều này kéo theo việc gia tăng nguy cơ cháy nổ. Do đó, ban quản lý các chợ trên địa bàn cũng như lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Tại chợ Giếng Vuông, hiện nay có trên 700 hộ kinh doanh đang hoạt động. Thời điểm này, lượng hàng hóa trong chợ tăng cao hơn thông thường khoảng 30%, đa phần là hàng dễ cháy. Do đó, công tác PCCC trong thời điểm này được Ban Quản lý chợ Giếng Vuông đặc biệt quan tâm. Được biết, đầu tháng 1/2024, Ban Quản lý chợ Giếng Vuông đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07), Công an tỉnh kiểm tra việc thực hiện quy định về PCCC của các hộ kinh doanh tại đây. Theo đó, yêu cầu các hộ nghiêm túc thực hiện việc sắp xếp hàng hóa gọn gàng, tránh xa đường điện. Đồng thời, ban quản lý chợ đã kiểm tra các thiết bị PCCC, thiết bị điện và các nguồn có khả năng sinh nhiệt trong chợ để hạn chế sự cố cháy nổ xảy ra.
Ông Hoàng Văn Léo, Phó trưởng Ban Quản lý chợ cho biết: Từ năm 2023 đến nay, chúng tôi đã vận động các hộ đầu tư chi phí lắp đặt trên 100 mắt báo cháy, nâng tổng số mắt báo cháy trong chợ lên 263 mắt. Bên cạnh đó, thời điểm này, đơn vị đã chủ động sắm thêm 1 máy bơm dầu, kết hợp với 4 máy bơm điện để luôn sẵn sàng khi xảy ra sự cố cháy nổ. Cùng đó, với hệ thống vòi dẫn và 2 bể nước, đơn vị thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng để hoạt động tốt. Còn về nhân lực, hiện đơn vị đã thành lập tổ PCCC với 27 thành viên, thường xuyên phân công vị trí, khu vực trực và tuần tra kiểm soát việc chấp hành quy định PCCC của các hộ kinh doanh. Đồng thời, duy trì hoạt động thực tập phương án PCCC 2 lần/năm (trong đó 1 lần vào dịp cuối năm hoặc giáp Tết Nguyên đán) để các thành viên tổ PCCC luôn thành thục kỹ năng, thao tác. Từ đó, công tác PCCC sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Được biết, so với năm 2023, số lượng hộ kinh doanh tại chợ Giếng Vuông tăng lên (trước đây khoảng 600 hộ) do một số tiểu thương từ chợ Bờ Sông chuyển sang sau khi chợ giải thể. Do vậy, để nâng cao ý thức PCCC của các hộ vào dịp cao điểm, hiện nay, Ban Quản lý chợ Giếng Vuông duy trì công tác tuyên truyền trực tiếp và phát bản tin tăng cường PCCC 2 lần/ngày qua hệ thống loa trong chợ. Ngoài ra, đối với khu vực kinh doanh mới mở rộng trong chợ, Phòng Cảnh sát PC07 và Ban Quản lý chợ đã được kiểm tra, nghiệm thu đảm bảo các yêu cầu về PCCC.
Còn tại chợ Đông Kinh, hiện đang có khoảng 900 điểm kinh doanh của hơn 700 hộ kinh doanh đang hoạt động. Từ cuối tháng 12/2023 đến nay, các tiểu thương kinh doanh trong chợ đã chủ động nhập lượng lớn hàng hóa nhằm đáp ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp Tết Nguyên đán. Bình quân, lượng hàng hóa tại chợ lúc này tăng khoảng 30%. Trong đó, phần lớn là các mặt hàng như quần áo, giày dép, đồ điện và đồ gia dụng. Đây đều là các mặt hàng rất dễ cháy nổ, do đó, Ban Quản lý chợ Đông Kinh và các tiểu thương đặc biệt quan tâm thực hiện các biện pháp PCCC.
Ông Nguyễn Trọng Kim, Tổ trưởng Tổ bảo vệ chợ Đông Kinh cho biết: Từ đầu tháng 1/2024 đến nay, chúng tôi đã triển khai cho hơn 700 chủ kinh doanh ký cam kết về thực hiện các quy định trong PCCC. Đồng thời, phối hợp với các hộ kiểm tra toàn bộ hệ thống trang thiết bị PCCC như bình bột, máy bơm, nguồn nước. Ngoài ra, tổ cũng tiến hành kiểm tra thường xuyên việc chấp hành của các hộ và kịp thời xử lý, nhắc nhở khắc phục khi có vi phạm.
Bà Bùi Thị Hằng, chủ kinh doanh tại quầy số 142, chợ Đông Kinh cho biết: Thực hiện theo nội dung cam kết về PCCC, tôi đã trang bị 2 bình chữa cháy tại quầy hàng. Bên cạnh đó, do gia đình để toàn bộ hàng hóa lại trong chợ nên tôi chủ động sắp xếp hàng gọn gàng, tránh xa đường điện và các lối đi lại. Hằng ngày, trước khi ra về tôi đều kiểm tra lại để đảm bảo các thiết bị điện đã tắt nguồn. Ngoài ra, tôi tuyệt đối không cất giữ, mua bán các mặt hàng dễ cháy như xăng, dầu, ga, pháo nổ cũng như không dùng bình ắc quy, máy hàn, máy phát điện… Từ đó, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra chập điện gây cháy nổ
Theo số liệu của Sở Công thương, hiện nay địa bàn thành phố Lạng Sơn có 5 chợ, từ hạng 1 đến hạng 3. Trong đó, đây là địa bàn duy nhất có 2 chợ hạng 1 của tỉnh (được đầu tư kiên cố theo quy hoạch, có trên 400 điểm kinh doanh). Theo đánh giá từ Phòng Cảnh sát PC07, Công an tỉnh, các chợ trên địa bàn thành phố có quy mô và lượng hàng hóa tập trung rất lớn. Do vậy, công tác phòng “giặc lửa” tại các chợ lại càng trở nên quan trọng. Hiện tại, đơn vị đã xây dựng kế hoạch cao điểm đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó, bao gồm các chợ và trung tâm thương mại lớn, nhất là đối với địa bàn thành phố Lạng Sơn. Theo đó, đơn vị đã yêu cầu ban quản lý các chợ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giám sát việc thực hiện các quy định về PCCC của các hộ kinh doanh. Đồng thời, hướng dẫn các thành viên Ban Quản lý quy trình thực hiện các nội dung trong phương án ứng phó khi xảy ra sự cố cháy nổ. Nhìn chung, các hộ kinh doanh và ban quản lý các chợ đều có ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định và các phương tiện PCCC đều được trang bị đầy đủ, hoạt động tốt, đáp ứng yêu cầu về công tác PCCC.
Thượng tá Trần Văn Tương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PC07 cho biết: Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất về công tác PCCC tại các chợ trên địa bàn theo các kế hoạch đã xây dựng. Đồng thời, luôn sẵn sàng về nhân lực, phương tiện 24/7 để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong dịp tết.
Những giải pháp các đơn vị đang thực hiện và sự chủ động từ các hộ kinh doanh đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện công tác PCCC tại các chợ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Qua đó, giúp người dân có thể yên tâm kinh doanh, mua sắm và đón tết an toàn.
GIA KHÁNH
Ý kiến ()