Thành phố Lạng Sơn: Biến văn hóa ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc
– Những năm gần đây, ngành du lịch thành phố Lạng Sơn đã và đang tích cực triển khai các giải pháp để đưa văn hóa ẩm thực trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc nhằm thu hút khách du lịch đến với thành phố nói riêng và cả tỉnh nói chung.
Thành phố Lạng Sơn hiện có dân số trên 100.000 người với nhiều dân tộc khác nhau như: Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Dao, Mông, Sán Chỉ… Thành phố không chỉ được biết đến là địa bàn có những danh thắng đẹp mà còn là nơi hội tụ nhiều món ẩm thực truyền thống và đặc trưng của vùng đất Xứ Lạng như: lợn quay, vịt quay mác mật, khau nhục, phở chua, bánh cuốn… Ăn cùng với các món trên là những loại gia vị nổi tiếng như: măng chua ngâm ớt, mác mật, chanh rừng, cùng các loại rau đặc sản: cải ngồng, cải làn, rau bò khai, ngót rừng, sau sau… Ngoài ra, thành phố còn có các loại bánh truyền thống như: bánh chưng đen, bánh ngải, coóng phù…
Du khách tham quan, chụp ảnh đặc sản vịt quay tại “Festival ẩm thực Xứ Lạng” năm 2021
Nắm bắt du lịch ẩm thực đang là xu hướng được nhiều du khách lựa chọn, những năm qua, chính quyền và các đơn vị chức năng thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để phát huy những nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Xứ Lạng.
Bà Hoàng Thùy Ninh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố cho biết: Nhằm biến ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thời gian qua, chúng tôi đã tích cực quảng bá, giới thiệu đến du khách nét độc đáo của ẩm thực Xứ Lạng thông qua việc tổ chức các hội thi, festival ẩm thực; khuyến khích hoạt động kinh doanh ẩm thực tại Phố đi bộ Kỳ Lừa. Đồng thời, thường xuyên mời nghệ nhân đưa các sản phẩm ẩm thực tham gia trình diễn, trưng bày, triển lãm tại các sự kiện lớn ở trong và ngoài tỉnh. Cùng đó, chúng tôi cũng chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc phát huy giá trị của các sản phẩm đặc sản truyền thống.
Theo đó, công tác tuyên truyền được UBND thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hằng năm, các đơn vị chuyên môn của thành phố phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng từ 2 đến 5 video; in, phát hành từ 2.000 đến 5.000 ấn phẩm quảng bá du lịch, trong đó lồng ghép quảng bá ẩm thực. Đặc biệt, từ năm 2017 đến năm 2019, UBND thành phố đều tổ chức hội thi “Hương sắc ẩm thực Xứ Lạng”; năm 2021, UBND thành phố tổ chức “Festival ẩm thực Xứ Lạng” với sự tham gia của nhiều đơn vị và các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn nổi tiếng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.
Đáng chú ý, tại lễ hội xuân hằng năm, UBND thành phố thường xuyên chỉ đạo UBND các phường, xã tổ chức phần thi bày mâm cỗ đẹp cúng Thần Nông, thi quay lợn, gói bánh… Đặc biệt, từ tháng 10/2020 đến nay, khi tuyến phố đi bộ Kỳ Lừa (phường Hoàng Văn Thụ) được đưa vào hoạt động với 80/81 gian hàng bán đồ ăn, uống với nhiều món ăn đa dạng, hấp dẫn như: phở chua, vịt quay, coóng phù, cao xằng… thì ẩm thực Xứ Lạng có thêm không gian mới để trình diễn, khẳng định giá trị.
Nhờ những giải pháp thiết thực, đến nay, thành phố đã có 6 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) gồm: Vịt quay Hồng Xiêm, bánh dày truyền thống Mai Pha, bánh ngải truyền thống Mai Pha, hạt dẻ An Sơn, ngồng hoa cải, mật ong ngũ gia bì. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố hiện có 119 cơ sở lưu trú và trên 100 nhà hàng, quán ăn thường đưa các món ăn đặc sản Xứ Lạng vào thực đơn phục vụ khách du lịch. Điều này đã góp phần không nhỏ, tạo nên sức hút cho du lịch thành phố. Tiêu biểu giai đoạn 2019 – 2021, trung bình mỗi năm, thành phố đón khoảng 1 triệu lượt du khách. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2022, thành phố đã đón trên 300.000 lượt khách.
Anh Nguyễn Văn Khánh, du khách đến từ Chí Linh, Hải Dương cho biết: Tôi đã đến thành phố Lạng Sơn nhiều lần và lần nào tôi cũng mua vịt quay, khau nhục và một số đặc sản của tỉnh về cho người thân, bạn bè thưởng thức. So với các vùng miền khác, hương vị của những món ăn này rất đặc trưng, thơm ngon chỉ Lạng Sơn mới có được.
Để phát huy vai trò của ẩm thực trong phát triển du lịch, thời gian tới, chính quyền và các đơn vị liên quan ở thành phố sẽ tập trung vào việc xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với sản phẩm OCOP như: Xây dựng chương trình trải nghiệm thăm vườn dẻ; nghiên cứu phục dựng làng nghề bánh dày, bánh ngải truyền thống tại xã Mai Pha đưa vào phục vụ du lịch; đồng thời, mở rộng các tuyến phố ẩm thực trên địa bàn. Với những giải pháp thiết thực, tin tưởng rằng, ẩm thực sẽ thực sự trở thành sản phẩm nhận diện thương hiệu du lịch thành phố Lạng Sơn nói riêng và Xứ Lạng nói chung, là sản phẩm theo chân du khách sau mỗi hành trình khám phá.
Ý kiến ()