Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng nông thôn mới
Với vị trí trung tâm kinh tế, văn hóa các tỉnh phía nam, thực hiện Nghị quyết T.Ư 7, khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; TP Hồ Chí Minh đang dồn sức thí điểm xây dựng các xã nông thôn mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.Thực trạng nông thôn TP Hồ Chí MinhNông thôn TP Hồ Chí Minh bao gồm vùng ven đô và các huyện ngoại thành, với tổng diện tích hơn 160 nghìn ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 121.313 ha. Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, năm 2009, dân số khu vực ngoại thành là 1 triệu 144 nghìn 742 người, chiếm tỷ lệ 16% số dân toàn thành phố. Với nguồn đầu tư lớn của thành phố vào hệ thống kết cấu hạ tầng; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo... kinh tế nông nghiệp thành phố có bước phát triển vượt bậc. Trong giai đoạn 2005 -2009, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 5,7%/năm, trong đó ngành trồng trọt tăng bình quân 7,7%/năm; chăn nuôi tăng 10%/năm;...
Với vị trí trung tâm kinh tế, văn hóa các tỉnh phía nam, thực hiện Nghị quyết T.Ư 7, khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; TP Hồ Chí Minh đang dồn sức thí điểm xây dựng các xã nông thôn mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Thực trạng nông thôn TP Hồ Chí Minh
Nông thôn TP Hồ Chí Minh bao gồm vùng ven đô và các huyện ngoại thành, với tổng diện tích hơn 160 nghìn ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 121.313 ha. Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, năm 2009, dân số khu vực ngoại thành là 1 triệu 144 nghìn 742 người, chiếm tỷ lệ 16% số dân toàn thành phố. Với nguồn đầu tư lớn của thành phố vào hệ thống kết cấu hạ tầng; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo… kinh tế nông nghiệp thành phố có bước phát triển vượt bậc. Trong giai đoạn 2005 -2009, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 5,7%/năm, trong đó ngành trồng trọt tăng bình quân 7,7%/năm; chăn nuôi tăng 10%/năm; thủy sản tăng 0,9%/năm; dịch vụ nông lâm ngư nghiệp tăng 6%/năm. Đáng chú ý ngành trồng trọt có sự chuyển dịch mạnh theo hướng giảm diện tích lúa năng suất thấp, bấp bênh, tăng diện tích trồng hoa, cây cảnh, rau an toàn, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, trồng cây công nghiệp… Nhờ vậy, đến năm 2009, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 7.640,3 tỷ đồng, doanh thu bình quân đạt 138,5 triệu đồng/ha, tăng 5% so năm 2008 và tăng 2,2 lần so năm 2005.
Cùng với phát triển kinh tế, bộ mặt nông thôn ở TP Hồ Chí Minh có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân khu vực ngoại thành được nâng lên rõ rệt. Tuy vậy, những thành tựu đạt được trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện chưa tương xứng với vai trò, vị trí và tiềm năng của thành phố. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, một số nơi chưa khai thác hết quỹ đất nông nghiệp hoặc đất đã chuyển sang xây dựng đô thị nhưng triển khai chậm. Tình trạng sản xuất nhỏ, phân tán còn phổ biến, sức cạnh tranh thấp. Việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học – công nghệ còn hạn chế. Công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chậm đổi mới, chưa đủ sức phát triển sản xuất hàng hóa mạnh ở nông thôn. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng triều cường, mưa lớn gây ngập úng kéo dài ở một số nơi; ô nhiễm môi trường gia tăng; đời sống của một bộ phận dân cư ở nông thôn còn khó khăn, không ổn định, khoảng cách chênh lệch mức sống giữa dân cư ngoại thành và nội thành còn lớn. Căn cứ theo 19 tiêu chí nông thôn mới thì các xã ngoại thành chỉ đạt từ 6 đến 7/19 tiêu chí.
Nhân rộng mô hình
Với mục tiêu xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị, tháng 5-2009, Thành ủy TP Hồ Chí Minh quyết định thành lập Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới gồm 18 thành viên, trong đó Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm Trưởng ban; Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Phó Trưởng ban Thường trực. Tháng 10-2009, UBND thành phố ra quyết định phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Theo đề án, đến năm 2011 Tân Thông Hội là xã phát triển toàn diện, đồng bộ về kinh tế – xã hội, có nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa đặc trưng của vùng Đông Nam Bộ, không có tệ nạn xã hội, có hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bảo đảm an ninh quốc phòng, phù hợp với tính chất là vùng ven đô thị lớn. Tiếp theo Tân Thông Hội, tháng 3-2010, UBND thành phố phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới ở năm xã khác là Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, Nhơn Đức (Nhà Bè); Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), Tân Nhựt (Bình Chánh) và Thái Mỹ (Củ Chi).
Sau hơn một năm thực hiện, việc xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới tại sáu xã ngoại thành đạt kết quả rõ nét. Tại xã Tân Thông Hội, việc quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy hoạch công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch chi tiết các cụm, khu dân cư đã hoàn thành. Trong xây dựng cơ bản Tân Thông Hội đã triển khai xây dựng 49 công trình, bao gồm 39 công trình giao thông, năm công trình thủy lợi; ba trường học, hai công trình văn hóa. Đến nay, có mười tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 5,88 km đã đưa vào sử dụng, bao gồm tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng. 26 tuyến đuờng còn lại đang được các đơn vị thi công gấp rút hoàn thành. Về thủy lợi, cả năm tuyến kênh mương, với tổng chiều dài gần 3 km cũng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Hoàn thành ba công trình trường học, trong đó có Trường tiểu học Tân Thông được xây mới, kinh phí 32 tỷ đồng do Công ty Him Lam tài trợ. Trong sản xuất nông nghiệp, nhờ chuyển dịch mạnh từ lúa sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, nhất là rau an toàn, hoa, cây cảnh; phát triển đàn bò sữa, bò thịt, cá cảnh… giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân ở Tân Thông Hội đạt 177 triệu đồng/ha. Trong khu vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, ngoài một hợp tác xã, còn có gần 70 cơ sở sản xuất, kinh doanh với nhiều ngành nghề, thu nhập bình quân một người đạt từ 1,8 đến 2,5 triệu đồng/tháng. Cả xã không còn nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo (thu nhập bình quân dưới 12 triệu đồng/người/năm) chỉ còn 12,4%, vượt 4% so chỉ tiêu đề ra… Tân Thông Hội đã đạt 13 tiêu chí, trong đó tiêu chí mới nhất đã đạt được là bảo đảm môi trường. Theo kết quả khảo sát của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố, đến nay, xã Thái Mỹ (Củ Chi) đã đạt 8/19 tiêu chí; xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) đạt 7/19 tiêu chí; xã Tân Nhựt (Bình Chánh) đạt 5/19 tiêu chí; xã Nhơn Đức đạt 5/19 tiêu chí và xã Lý Nhơn đạt 6/19 tiêu chí, v.v.
Tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, sau gần một năm triển khai, cơ sở hạ tầng, đời sống văn hóa của người dân được cải thiện đáng kể. Xã đã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; hơn 90% số hộ dân có điện sinh hoạt và sử dụng nước sạch. Bộ mặt nông thôn đổi khác, những ngôi nhà kiên cố thay dần nhà dột nát, tạm bợ. Năm 2010, bằng nhiều nguồn vốn, xã Lý Nhơn đã xóa được hơn 40 căn nhà tạm, nhà dột nát và đến cuối năm 2011 cả xã không còn nhà dột nát. Ngoài ra, Lý Nhơn đang tập trung thi công các tuyến đường giao thông liên ấp, liên xã; những công trình nhà văn hóa, thể thao, bưu điện văn hóa… Trong sản xuất, ngoài nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái, du lịch nhà vườn, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, xã Lý Nhơn chú trọng vào các ngành nghề vận tải, xây dựng, du lịch, may mặc, thợ máy,… tạo nguồn lực cho kinh tế phát triển bền vững.
Một số kinh nghiệm
Về các xã nông thôn mới ở TP Hồ Chí Minh những ngày này, một không khí phấn khởi, tin tưởng bao trùm lên khắp các xóm ấp, len lỏi vào từng hộ gia đình nông dân. Ông Đặng Văn Lê, nông dân tổ 10, ấp Trung, xã Tân Thông Hội cho biết: 'Dân chủ lắm chú à. Khi chuẩn bị thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã, ấp nhiều lần tổ chức họp dân, nêu chủ trương của Đảng, Nhà nước, đề nghị bà con nghiên cứu, đóng góp. Mỗi khi có đủ 100% số dân đồng tình, xã mới hoàn chỉnh trình lên cấp trên xem xét, phê duyệt'. Bà Trần Thị Lan, nông dân cùng ấp cho biết thêm: 'Ai cũng đồng tình vì chủ trương quá hợp lòng dân. Dân bàn là bàn ở chỗ con đường nên mở rộng bao nhiêu cho phù hợp. Hẹp quá thì đi lại khó khăn, rộng quá xài không hết thì tốn tiền Nhà nước, hao đất của dân thôi'. Tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, khi hỏi về xây dựng nông thôn mới, bà Dương Thị Cẩm, nông dân ấp 3 cũng không giấu niềm phấn khởi: 'Đó mấy chú coi, gần một năm thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, đường sá, cầu cống trong xã, trong ấp được Nhà nước đầu tư mở rộng, trải đá, tráng nhựa, đi lại mát cả bàn chân. Chưa hết, xã còn họp dân, đề nghị bà con cho ý kiến về đề án, bàn bạc các phương án sản xuất, chuyển đổi giống cây, giống con, thành ra thu nhập của nông dân tăng nhanh'. Nhờ lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, xã Tân Nhựt kịp thời điều chỉnh không lập quy hoạch khu dân cư tập trung theo kiểu thị tứ mà giữ nguyên hình thái nhà ở nông thôn truyền thống.
Với các công trình xây dựng, kinh nghiệm khá bổ ích ở các xã là phát huy vai trò giám sát của cộng đồng. Trong mỗi dự án, ngoài giám sát của chủ đầu tư, của cán bộ cấp huyện, cấp thành phố, còn có tổ giám sát nhân dân. Là người trực tiếp thụ hưởng công trình, nhân dân tại chỗ luôn luôn theo sát toàn bộ quá trình xây dựng, từ việc thực hiện đúng thiết kế đến kết cấu, chủng loại, chất lượng, số lượng vật tư nhà thầu sử dụng… do vậy chất lượng công trình được bảo đảm. UBND xã Tân Nhựt thành lập Ban giám sát đầu tư cộng đồng, bao gồm đại diện UBND và các thành viên là tổ trưởng nhân dân cùng những người hiểu biết về lĩnh vực xây dựng. Ở xã Tân Thông Hội và các xã khác, thành viên Ban giám sát cộng đồng còn có thêm đại diện MTTQ, Hội Cựu chiến binh và người dân tại chỗ. Quy định không nghiệm thu công trình khi không có chữ ký xác nhận của Ban giám sát cộng đồng…
Kinh nghiệm khác là ở việc quản lý sử dụng vốn. Theo quy định, chủ đầu tư các công trình xây dựng nông thôn mới là cấp xã, cụ thể là Chủ tịch UBND xã. Tuy nhiên, tại cơ sở cán bộ cấp xã chưa bao giờ quản lý số vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng cũng như hàng chục công trình lớn nhỏ trên địa bàn. Do vậy, việc lúng túng trong quản lý, điều hành là khó tránh khỏi. Sự hướng dẫn, giúp đỡ về kiến thức quản lý kinh tế tài chính của các cơ quan chức năng cấp huyện, cấp thành phố cho đối tượng này là hết sức cần thiết.
Có quyết tâm cao, đầu tư đồng bộ, mục tiêu đến cuối năm 2012, TP Hồ Chí Minh phấn đấu hoàn thành xây dựng thí điểm các xã nông thôn mới, tạo tiền đề hoàn thành xây dựng 25 xã nông thôn mới trong năm 2015 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX đã đề ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()