Thành phố Hồ Chí Minh thu hút đầu tư có chọn lọc
Dự án công nghệ cao đang trở thành một trong những ưu tiên trong chiến lược thu hút và phát triển những ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ tạo giá trị gia tăng cao tại TP Hồ Chí Minh. Đây chính là đòn bẩy cần thiết để thành phố hướng tới xây dựng một nền kinh tế hiện đại và phát triển bền vững.Thu hút các dự án công nghệ caoNgày 21-1 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án sản xuất pin mặt trời cho Tập đoàn First Solar (Mỹ) với vốn đầu tư hơn một tỷ USD. Dự án First Solar được đặc biệt quan tâm không phải chỉ bởi lượng vốn đăng ký đầu tư, mà đây là dự án công nghệ cao được rất nhiều quốc gia khác chờ đón. Dự án sẽ xây dựng nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng, vốn triển khai giai đoạn 1 (đến năm 2012) là 300 triệu USD. Theo nhận định của Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân, khi dự án sản xuất pin mặt trời của First Solar...
Thu hút các dự án công nghệ cao
Ngày 21-1 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án sản xuất pin mặt trời cho Tập đoàn First Solar (Mỹ) với vốn đầu tư hơn một tỷ USD. Dự án First Solar được đặc biệt quan tâm không phải chỉ bởi lượng vốn đăng ký đầu tư, mà đây là dự án công nghệ cao được rất nhiều quốc gia khác chờ đón. Dự án sẽ xây dựng nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng, vốn triển khai giai đoạn 1 (đến năm 2012) là 300 triệu USD. Theo nhận định của Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân, khi dự án sản xuất pin mặt trời của First Solar tại khu công nghiệp Đông Nam đi vào hoạt động vào tháng 4-2012, sẽ đóng góp làm tăng giá trị xuất khẩu của thành phố thêm khoảng một tỷ USD mỗi năm. Đánh giá đúng tầm quan trọng của dự án, thành phố đã tạo mọi điều kiện để Tập đoàn First Solar sớm có mặt tại Việt Nam. Bắt đầu đặt vấn đề đầu tư ở Việt Nam từ tháng 6-2010, chỉ sáu tháng sau, tập đoàn này đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Lãnh đạo Tập đoàn First Solar cho biết, sở dĩ tập đoàn chọn Việt Nam để đầu tư là vì môi trường kinh doanh cạnh tranh và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Chính phủ. Được cấp giấy phép trong tháng 1, First Solar đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy vào tháng 2 và dự kiến cho ra lô hàng thương mại đầu tiên vào tháng 9-2012. Việc First Solar đầu tư vào Việt Nam được các chuyên gia tư vấn đánh giá là một thành công của Việt Nam trong việc đón xu hướng chuyển dịch nhà máy ra nước ngoài của các công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời ở Mỹ.
Dự án sản xuất pin mặt trời của Tập đoàn First Solar chỉ là một trong nhiều dự án công nghệ cao đang triển khai tại TP Hồ Chí Minh. Nhận xét về triển vọng thu hút dự án công nghệ cao của TP Hồ Chí Minh, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại TP Hồ Chí Minh He-bơ Cô-chan cho rằng, sẽ ngày càng có nhiều công ty trong lĩnh vực công nghệ cao của Mỹ vào Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Khẳng định này được dựa trên những minh chứng về những nỗ lực của TP Hồ Chí Minh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và việc triển khai các dự án đầu tư của các tập đoàn đã có mặt trước đó trong suốt thời gian qua như Nidec, Intel…
Ngày 29-10-2010, Tập đoàn Intel đã chính thức khánh thành nhà máy lắp ráp và kiểm định chíp tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Với tổng vốn đầu tư một tỷ USD, đây được coi là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của Intel, với tổng diện tích phòng sạch là 46.000 m2. Dự án đã đi vào sản xuất từ giữa năm 2010 với sản phẩm ban đầu là chipset cho máy tính xách tay và thiết bị di động. Khi đi vào sản xuất ổn định, nhà máy dự kiến sẽ sản xuất chipset và bộ vi xử lý, tạo ra hơn 4.000 việc làm có tay nghề và đóng góp khoảng từ năm đến sáu tỷ USD doanh thu xuất khẩu hằng năm. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn Intel Pau Ô-ten-li-ni chia sẻ: 'Với việc trở thành nguồn cung cấp số lượng lớn những sản phẩm đột phá của Intel tới các thị trường trên thế giới, nhà máy lắp ráp và kiểm định chíp tại Việt Nam sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của Intel. Khách hàng của Intel trên toàn thế giới sẽ sử dụng các sản phẩm từ dự án này tại Việt Nam để tạo ra các công nghệ có thể làm thay đổi thế giới'.
Nhằm khẳng định thêm quyết tâm tại thị trường Việt Nam, ngay khi khánh thành nhà máy sản xuất, Intel Việt Nam đã mời hơn 10 doanh nghiệp trong nước có tiềm năng trở thành nhà cung ứng đến tham dự sự kiện. Một trong những khó khăn trong suốt thời gian qua của Intel Việt Nam là thiếu các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ. Việc chọn lựa được 10 doanh nghiệp cung ứng là một nỗ lực lớn của cả Intel lẫn Việt Nam.
Niềm tin vào doanh nghiệp trong nước
Nếu Intel là điểm son trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài của Khu công nghệ cao (CNC) TP Hồ Chí Minh, thì một xu hướng mới đang ngày càng rõ nét tại khu công nghệ kiểu mẫu này, đó là thu hút được các doanh nghiệp công nghệ cao trong nước.
Sau khi các doanh nghiệp có tên tuổi trong nước như: FPT, Vinagame… quyết định chọn Khu CNC TP Hồ Chí Minh làm địa điểm hoạt động lâu dài, liên tiếp nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ tiếp bước vào đây. Ngày 8-12-2010, tại Văn phòng Ban Quản lý Khu CNC TP Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Điện tử Thủ Đức (VTD) chính thức nhận giấy chứng nhận đầu tư để thành lập Công ty TNHH công nghệ LED Ánh sáng mới (ASAMLED). Mục tiêu đầu tư là thành lập nhà máy sản xuất LED chiếu sáng công nghệ cao tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường dùng trong công nghiệp và dân dụng. Dự án có tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng, sẽ được triển khai trong vòng 50 năm và dự kiến khởi công xây dựng vào quý IV-2011.
Không lâu sau đó, ngay trong ngày đầu năm mới 2011, Công ty cổ phần Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT cũng đã nhận giấy chứng nhận đầu tư cho dự án thành lập Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) truyền thông HPT tại đây. Với tổng vốn đầu tư 288,6 tỷ đồng (tương đương 14,8 triệu USD), dự án này được đầu tư thành hai giai đoạn trong vòng 50 năm, bắt đầu từ năm 2011, gồm thành lập một trung tâm sản xuất phần mềm dự kiến sử dụng 800 lập trình viên để phục vụ thị trường trong nước và ngoài nước và một trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nhằm nghiên cứu và chuyển giao các ứng dụng và giải pháp CNTT tiên tiến nhất dành cho các doanh nghiệp với sự phối hợp cùng các đối tác chiến lược hàng đầu về CNTT như Oracle, HP, IBM, CISCO, Microsoft, Dell… Ngoài ra, HPT còn dự kiến sẽ phát triển trung tâm đào tạo CNTT để cung cấp dịch vụ tư vấn lựa chọn giải pháp và huấn luyện thực hành cho doanh nghiệp.
Như vậy, sau những doanh nghiệp tên tuổi như Intel (Mỹ), Sanyo, Nidec (Nhật Bản)… và mới nhất là First Solar, TP Hồ Chí Minh đang hoàn toàn tin tưởng vào thành công của chiến lược thu hút và phát triển những ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ tạo giá trị gia tăng cao. Thành phố đã xác định, sẽ tập trung vào các chương trình trọng điểm về CNTT, truyền thông, công nghệ sinh học, tự động hóa, năng lượng và vật liệu mới, đưa vào hoạt động có hiệu quả các khu công nghệ cao, các KCN-KCX chuyên ngành, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu y tế kỹ thuật cao, vườn ươm DN công nghệ… Đó chính là đòn bẩy cần thiết để thành phố hướng tới một nền kinh tế công, nông nghiệp trình độ cao và phát triển bền vững.
Theo Nhandan
Ý kiến ()