Thành phố Hồ Chí Minh phát triển đô thị theo hướng bền vững
TP Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất nước, nhiều năm qua, kinh tế - xã hội của thành phố có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, để phát triển đô thị theo hướng hiện đại văn minh, bền vững, vẫn còn nhiều việc phải làm.Nỗ lực đáng ghi nhậnDấu ấn rõ nét nhất trong những năm gần đây là TP Hồ Chí Minh đã có những bước đột phá mạnh mẽ trong việc quy hoạch lại thành phố, mạnh dạn dỡ bỏ những khu nhà cũ nát, hiệu quả sử dụng thấp, thay vào đó là những công trình hiện đại, hàng loạt nhà cao tầng hiện đại được xây dựng, đồng thời dành một phần diện tích mặt đất để xây dựng sân vườn, công viên, cây cảnh tạo sự thân thiện với môi trường. Nhiều công trình chỉnh trang và xây mới đã làm cho diện mạo thành phố thêm văn minh hiện đại. Ít ai tin rằng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với hàng nghìn nhà ổ chuột chen chúc bên bờ kênh lại được cải tạo thành công với kè chắn và cây xanh thẳng tắp hai bên. Nhiều xóm nghèo,...
Nỗ lực đáng ghi nhận
Dấu ấn rõ nét nhất trong những năm gần đây là TP Hồ Chí Minh đã có những bước đột phá mạnh mẽ trong việc quy hoạch lại thành phố, mạnh dạn dỡ bỏ những khu nhà cũ nát, hiệu quả sử dụng thấp, thay vào đó là những công trình hiện đại, hàng loạt nhà cao tầng hiện đại được xây dựng, đồng thời dành một phần diện tích mặt đất để xây dựng sân vườn, công viên, cây cảnh tạo sự thân thiện với môi trường. Nhiều công trình chỉnh trang và xây mới đã làm cho diện mạo thành phố thêm văn minh hiện đại. Ít ai tin rằng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè với hàng nghìn nhà ổ chuột chen chúc bên bờ kênh lại được cải tạo thành công với kè chắn và cây xanh thẳng tắp hai bên. Nhiều xóm nghèo, nhà cửa lụp xụp, tăm tối như: Xóm Củi (quận 5), khu vực hai bên kênh Lò Gốm (quận 6) và các khu dân cư chật hẹp khác ở các quận: 3, 4, 8, 11, Tân Bình, Bình Tân… được xóa bỏ để xây các chung cư cao tầng hoặc các khu đô thị mới. Các chương trình xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên cũng được triển khai tích cực. Theo thống kê của Sở Xây dựng thành phố, từ năm 2006 đến 2009, diện tích đất sàn xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố đã có thêm 26,677 triệu m2. Tính ra trung bình mỗi năm, thành phố có thêm 6,67 triệu m2 nhà ở.
Nhiều công trình kiến trúc hiện đại và lộng lẫy như các tòa nhà Kumho Asiana, Vincom, Bitexco Financial Tower… trở thành điểm nhấn trên bức tranh toàn cảnh của kiến trúc thành phố.
Sau nhiều năm đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng thành công 15 khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 2.500 ha nằm rải rác tại chín quận, huyện. Sự hình thành các KCX, KCN này không những thu hút nhanh chóng vốn đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế thành phố theo hướng CNH, HĐH, tạo tiền đề quan trọng cho quá trình đô thị hóa những khu vực chung quanh.
Thành phố chủ trương mở rộng không gian đô thị theo nhiều hướng: đông, đông – nam, nam, tây – bắc,… Một số khu đô thị mới đã và đang được hình thành như: Nam Sài Gòn (quận 7), Thủ Thiêm (quận 2), Tây Bắc (huyện Củ Chi), Hiệp Phước, Phước Kiểng (huyện Nhà Bè), Sinh Việt (huyện Bình Chánh), An Phú Hưng (huyện Hóc Môn)… tạo cho thành phố dáng dấp một đô thị 'đa tâm'. Ở những quận mới và một số khu vực ngoại thành, quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh, nhất là các quận: 2, 7, 9, 10, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè…
Nỗ lực đáng ghi nhận khác của thành phố trong nhiều năm qua là đã cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường huyết mạch như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trường Chinh, Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh… được nâng cấp, mở rộng. Nhiều công trình xuyên tâm, hướng tâm được thành phố đầu tư xây dựng như: Đại lộ Đông – Tây với đường hầm chui qua sông Sài Gòn, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Rừng Sác… Nhiều chiếc cầu quan trọng kết nối các khu vực trong thành phố với vùng ven được nâng cấp hoặc xây mới như: Phú Mỹ, Thủ Thiêm, Bình Triệu 2, Tân Thuận 2, Chữ Y, Chà Và, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương, Ông Lãnh, Cam-mét, Kênh Tẻ… Nhiều cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác như: điện, viễn thông cũng từng bước được hiện đại hóa với nhiều khu vực nội thành được ngầm hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, sự phát triển quá nóng về xây dựng ở trung tâm thành phố cộng với tốc độ đô thị hóa quá nhanh ở các quận, huyện đã để lại những hệ lụy không nhỏ phá vỡ quy hoạch chung và cảnh quan đô thị, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng giữa những gì con người tạo nên và môi trường thiên nhiên, kiến trúc đô thị thiếu hài hòa, bị chia cắt, manh mún. Tình trạng ngập lụt của thành phố càng trở nên trầm trọng. Cứ sau một cơn mưa lớn kéo dài hay một đợt triều cường, nhiều tuyến đường và khu phố trở thành sông, hồ. Một nghịch lý là thành phố đã bỏ nhiều công sức, đầu tư khá lớn tiền của để khắc phục nhưng càng chống, càng ngập nhiều điểm hơn. Ngoài ra, người dân thành phố còn đối mặt với nạn ùn tắc giao thông ngày càng lan rộng và thường xuyên; nước sạch tuy đã được cải thiện phần nào nhưng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Tạo đột phá trong quy hoạch tổng thể
Đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 24, phê duyệt điều chỉnh, định hướng phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, theo đó thành phố sẽ phát triển đô thị ra cả bốn hướng, bán kính 30 km, số dân hơn 10 triệu người, diện tích đất xây dựng đô thị 100 nghìn ha, trở thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, đầu mối giao lưu của khu vực Đông – Nam Á và quốc tế.
Theo điều chỉnh quy hoạch tổng thể, khu trung tâm nằm trên địa bàn các quận 1, 3, một phần quận 4 và quận Bình Thạnh, quy mô 930 ha đảm nhiệm chức năng hành chính, văn hóa, lịch sử, du lịch và dịch vụ đa ngành. Bốn khu đô thị vệ tinh gồm: Khu đô thị Đông thuộc quận Thủ Đức và quận 9, hạt nhân là khu công nghệ cao với quy mô 872 ha; khu đại học quốc gia có quy mô 800 ha; công viên văn hóa lịch sử dân tộc quy mô 395 ha sẽ trở thành khu đô thị khoa học – công nghệ. Tại đây, thành phố dành khoảng 900 ha quy hoạch Trung tâm đô thị vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu thể dục – thể thao Rạch Chiếc, khu quần thể Lịch sử văn hóa dân tộc và khu công nghiệp cảng Cát Lái sẽ trở thành vùng phát triển đô thị hiện đại phía đông. Khu đô thị Nam Sài Gòn (quận 7) và khu đô thị cảng Hiệp Phước gồm quận 7, phía nam quận 8 và phía nam huyện Bình Chánh, tổng diện tích là 2.975 ha sẽ là khu đô thị sinh thái xanh, mang sắc thái thiên nhiên, đặc trưng miền sông nước và khu hỗn hợp đa chức năng, nghỉ ngơi, giải trí và dân cư. Riêng khu đô thị cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, diện tích 3.900 ha, là khu đô thị cảng biển quốc tế công nghiệp, dịch vụ quy mô lớn.
Khu đô thị Tây nằm trọn tại huyện Bình Chánh, diện tích khoảng 500 ha sẽ phát triển những cụm nhà ở, trung tâm thương mại quy mô lớn phía tây TP Hồ Chí Minh. Khu đô thị đại học nằm ở phía bắc địa bàn huyện Củ Chi và Hóc Môn, diện tích 6.000 ha sẽ là trung tâm giáo dục, với các trường đại học tầm cỡ quốc gia và khu vực, kết hợp xây dựng các khu dân cư… Thành phố có kế hoạch giữ lại khoảng 43.600 ha đất nông nghiệp thuộc các huyện ngoại thành để hình thành ba tuyến vành đai sinh thái, không gian xanh. Hạn chế xây dựng ở mức thấp nhất trong khu vực hành lang bảo vệ dọc sông Đồng Nai, Sài Gòn và Nhà Bè…
Tuy nhiên, nhìn tổng thể phát triển đô thị tại TP Hồ Chí Minh những năm qua cho thấy, thành phố vẫn loay hoay định hướng phát triển, chưa thể hiện vai trò kết nối vùng đô thị phía nam.
Đâu là giải pháp?
Theo quy luật phát triển, với quy mô lớn như TP Hồ Chí Minh trong quá trình tồn tại, phát triển luôn nảy sinh những mâu thuẫn. Vận dụng những quy luật khách quan, chủ quan để hóa giải những mâu thuẫn bằng những mô hình phát triển thích hợp, trong đó cần ứng xử với đô thị như là cơ thể sống, khắc phục những hạn chế và phát huy những lợi thế có ý nghĩa quan trọng còn tiềm ẩn. Từng bước điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch xây dựng, công tác quản lý đô thị. Sự phát triển của thành phố cần đồng bộ và hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, giữa bảo tồn di tích văn hóa – lịch sử và bản sắc với phát triển các khu đô thị nội thành và ngoại thành, giữa phát triển các không gian đô thị với việc bảo tồn các mảng xanh cho thành phố.
Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, lộ trình cho phát triển đô thị trước hết cần tuân thủ triệt để quy hoạch tổng thể mà Thủ tướng đã phê duyệt. Phấn đấu đạt được tiêu chuẩn thiết kế đô thị mang tính đặc thù cho một vùng đô thị sông nước Nam Bộ – có tính đến biến đổi khí hậu. Thống nhất cốt nền chuẩn cho toàn thành phố, sau đó sẽ quy hoạch phát triển hệ thống giao thông chính (đường bộ, ngầm và đường thủy) từ đó xác lập, hoàn thiện và phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng đô thị trong phạm vi nhỏ hơn.
Cần đẩy mạnh công tác quy hoạch chi tiết 1/2.000 và 1/500 và xây dựng các khu đô thị vệ tinh để thu hút dân cư đến sống tại các thành phố mới, hạn chế ùn tắc giao thông. Các đô thị này phải đủ cơ sở y tế, giáo dục, trung tâm thương mại, phù hợp với ngành nghề của các đối tượng dân cư, hạn chế đến mức thấp nhất sự di chuyển của người dân. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện tuyến tàu điện ngầm Bến Thành – Suối Tiên; Bến Thành – Tham Lương và các tuyến đường sắt trên cao. Phát triển đồng bộ hạ tầng, hệ thống giao thông giữa các đô thị và giữa các vùng. Hạn chế xe gắn máy, phát triển mạnh phương tiện vận chuyển công cộng để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Không phát triển thêm các KCN – KCX tại khu vực đầu nguồn các con sông, kênh rạch, khuyến khích các doanh nghiệp thay thế công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến để giảm ô nhiễm môi trường. Tổng thể kiến trúc của mỗi khu vực cần giữ được bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, đặc điểm xã hội, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại… Đổi mới toàn diện công tác quản lý quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể, đồng thời lập bộ máy quản lý có hệ thống, phân cấp rõ ràng giữa thành phố và quận, huyện, giữa thành phố với vùng đô thị trọng điểm phía nam. Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho quy hoạch, khuyến khích ý tưởng quy hoạch phát triển đô thị bền vững vào hệ thống nghiên cứu chiến lược của thành phố. Trong đó, quan điểm phát triển đô thị bền vững (chống ngập nước, kẹt xe, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường) phải giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống quan điểm phát triển đô thị, tránh trường hợp 'trống đánh xuôi, kèn thổi ngược', phá vỡ quy hoạch tổng thể.
Hạn chế và quản lý tốt đà tăng dân số quá nhanh, nhất là tăng dân số cơ học (di dân), góp phần lập lại trật tự xã hội, bảo đảm cho việc xây dựng xã hội đô thị ổn định, bền vững. Công khai toàn bộ đồ án quy hoạch tổng thể đô thị để người dân tìm hiểu, đóng góp và giám sát việc thực hiện quy hoạch. Để làm được các điều này, TP Hồ Chí Minh cần có sự đồng thuận, quyết tâm chính trị cao, thực hiện nghiêm túc quy hoạch tổng thể và kiểm soát tốt việc phát triển đô thị. Phấn đấu xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, xanh và sạch, xứng đáng là thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()