Với những thành tựu đạt được, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Với truyền thống kiên cường, năng động, sáng tạo của mình, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tự tin bước vào nhiệm kỳ mới.
Năm năm nhìn lại
Dưới ánh sáng của Nghị quyết 01 năm 1982 của Bộ Chính trị (khóa V), xác định vị trí, vai trò của TP Hồ Chí Minh đối với khu vực phía nam cũng như cả nước và Nghị quyết 20 năm 2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) về phương hướng nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2010. Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 8. Nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, giành những thắng lợi to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng, an ninh quốc phòng, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, mở rộng quan hệ hữu nghị với nhiều thành phố trên thế giới, nâng thành phố lên tầm cao mới.
Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, ngay từ đầu nhiệm kỳ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ cụ thể và phù hợp từng năm và cho cả nhiệm kỳ nhằm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân thành phố.
Năm năm qua, nhất là nửa sau của nhiệm kỳ, thành phố đứng trước nhiều thời cơ lớn nhưng cũng phải đương đầu với không ít thách thức đan xen, đòi hỏi thành phố phải có những quyết sách đúng, trúng và kịp thời để đưa thành phố tiếp tục phát triển. Chính những lúc khó khăn nhất Đảng bộ TP Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị của mình. Cùng với những chủ trương và các giải pháp của Đảng và Nhà nước, thành phố chủ động xoay chuyển tình hình, từng bước vượt qua khó khăn thách thức. Năm 2007: Nỗ lực kiềm chế lạm phát. Năm 2009: Tập trung ngăn chặn đà suy giảm kinh tế. Năm 2010: Thực hiện các giải pháp kích thích tăng trưởng và từng bước phục hồi kinh tế. Nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp, biện pháp đề ra, thành phố vượt qua khó khăn một cách thuyết phục. Chín tháng đầu năm 2010, kinh tế thành phố đã lấy lại nhịp điệu tăng trưởng như trước thời kỳ khủng hoảng, hầu hết các chỉ tiêu về kinh tế đều đạt và vượt kế hoạch đề ra và tăng so với cùng kỳ.
Năm năm qua, kinh tế tiếp tục phát triển và đạt được mức tăng trưởng cao. GDP bình quân đạt 11%/năm. Tuy chưa đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra (12%) nhưng cũng là mức tăng khá cao so với bối cảnh chung. Nếu đặt sự phát triển kinh tế của thành phố dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu cuối năm 2007 đầu năm 2008 thì mới thấy hết sự năng động, sáng tạo và cố gắng vượt bậc của đảng bộ và nhân dân thành phố.
Năm 2010 quy mô kinh tế thành phố bằng 1,7 lần năm 2005, GDP bình quân đầu người đạt 2.800 USD, bằng 1,68 lần năm 2005 (1.660 USD). Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế bước đầu đạt kết quả tích cực, từng bước tạo chuyển biến về chất trong cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học – công nghệ cao. Các ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế chung. Trong đó, các ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, bưu chính – viễn thông, vận tải – cảng – kho bãi, khoa học – công nghệ, giáo dục và y tế chất lượng cao tiếp tục phát triển có lợi thế cạnh tranh, chất lượng cao, giá trị gia tăng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2006-2010 bằng 1,85 lần giai đoạn 2001 – 2005. Bốn ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố là cơ khí chế tạo, điện tử – công nghệ thông tin, hóa chất, chế biến tinh lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong sản xuất công nghiệp. Nông nghiệp tuy chỉ chiếm hơn 1% GDP của thành phố nhưng cũng đang chuyển dịch tích cực theo hướng nông nghiệp đô thị, sản xuất giống cây, giống con và các sản phẩm có chất lượng, hiệu quả kinh tế, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2009 doanh thu bình quân 1 ha đất nông nghiệp đạt 138,5 triệu đồng/năm, bằng 2,2 lần năm 2005.
Nền kinh tế nhiều thành phần ngày càng khẳng định sức sống mạnh mẽ. Qua sắp xếp, đổi mới, tuy số lượng và tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp Nhà nước trong cơ cấu kinh tế thành phố giảm, nhưng quy mô và hiệu quả lại tăng lên, phát huy được vai trò chủ đạo trong việc ổn định sản xuất, phát triển thị trường trong nước, bình ổn thị trường, nhất là trong giai đoạn khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu. Khu vực kinh tế tập thể phát triển ngày càng đa dạng các hình thức tổ chức và hoạt động, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ phục vụ nông nghiệp và thương mại. Kinh tế tư nhân ngày càng phát triển nhanh, cả loại hình doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn và các cơ sở kinh doanh cá thể, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và thu ngân sách. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang chuyển dần sang các ngành thâm dụng vốn và khoa học – công nghệ, từng bước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và bảo vệ môi trường, đóng góp ngày càng nhiều vào quá trình CNH, HĐH tại thành phố.
Nhiệm kỳ vừa qua, thành phố tập trung nguồn lực thực hiện 12 chương trình, công trình trọng điểm và năm chương trình, công trình mang tính đòn bẩy do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 8 đề ra, đến nay nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy tác dụng tích cực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và cải thiện chất lượng sống cho nhân dân.
Năm năm qua, tổng vốn đầu tư xã hội tăng gấp ba lần so với nhiệm kỳ trước với mức bình quân 24,6%/năm. Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, như đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, hình thành cơ chế huy động phát hành trái phiếu đô thị, áp dụng hình thức BOT, BOO, BT, đổi đất lấy hạ tầng, định giá quyền sử dụng đất, xã hội hóa một số dịch vụ đô thị tạo thêm nhiều kênh huy động vốn quan trọng, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào kết cấu hạ tầng đô thị, giảm áp lực đầu tư từ ngân sách. Nhiều công trình công cộng như cầu, đường, trường, bệnh viện, khu vui chơi giải trí được xây dựng từ nguồn vốn này. Thu ngân sách trên địa bàn thành phố năm sau đều cao hơn năm trước, giai đoạn 2005-2010 gấp 2,5 lần giai đoạn 2001-2005, hằng năm đều vượt chỉ tiêu nộp ngân sách Trung ương giao và đóng góp hơn 30% ngân sách quốc gia. Năm loại thị trường (hàng hóa và dịch vụ, tài chính, công nghệ, bất động sản, lao động) phát triển khá nhanh, góp phần huy động vốn cho đầu tư. Thành phố tiếp tục phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, giải quyết việc làm. Nhiệm kỳ vừa qua hơn một triệu lao động có việc làm mới, trong đó có gần nửa triệu lao động được đào tạo nghề. Kinh tế đối ngoại tiếp tục được mở rộng trên cả ba lĩnh vực xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA) là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng. Môi trường kinh doanh và đầu tư tiếp tục được cải thiện qua những tiến bộ trong cải cách hành chính và các chính sách ưu đãi đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường đã từng bước tạo lập được môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và giữ vai trò trung tâm thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho cả khu vực phía nam. Thành phố tích cực mở rộng quan hệ hợp tác phát triển kinh tế – xã hội với các tỉnh, thành phố, kết quả tuy còn khiêm tốn, nhưng đã mở ra hướng đi tích cực.
Có thể nói vị trí, vai trò của thành phố đối với khu vực và cả nước theo Nghị quyết số 20 – NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 53 – NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông-Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 ngày càng được khẳng định trên nhiều lĩnh vực: đóng góp vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế; thu ngân sách Nhà nước; kim ngạch xuất khẩu; tổng mức luân chuyển hàng hóa; huy động vốn đầu tư; dịch vụ, du lịch, khoa học – công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH, HĐH của khu vực và đất nước. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, các hoạt động khoa học – công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân cũng đã đạt được những kết quả đáng mừng. An ninh – quốc phòng được bảo đảm có tác dụng tích cực tới các lĩnh vực khác. Mỗi người dân thành phố đều có quyền tự hào về những đóng góp của mình đối với sự phát triển chung của TP Hồ Chí Minh hôm nay.
Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhận thức rằng nhiệm kỳ vừa qua, tuy kinh tế tăng trưởng khá cao nhưng vẫn chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng và lợi thế của mình. Chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao, nhiều nguồn lực quan trọng và những yếu tố thuận lợi, thế mạnh của thành phố chưa được khai thác và sử dụng có hiệu quả. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đặc biệt là trong công nghiệp và dịch vụ còn chậm. Các ngành kinh tế mũi nhọn có hàm lượng khoa học – công nghệ cao và các dịch vụ tài chính, ngân hàng, tư vấn, chuyển giao công nghệ… chưa thật sự phát triển đúng yêu cầu và phục vụ đắc lực cho nhu cầu phát triển. Kết cấu hạ tầng ngày càng quá tải, gây bức xúc cho người dân, cản trở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện dân sinh. Quy hoạch và quản lý đô thị còn lúng túng bị động chưa theo kịp tốc độ phát triển. Chất lượng giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu phát triển và hội nhập. Khoa học và công nghệ chưa thật sự là động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội…
Thành phố đã gắn kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố chung quanh và một số địa phương trong nước, nhưng chưa thật sự thể hiện rõ vai trò trung tâm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Có thể nói, đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế thành phố và cũng là thách thức khá lớn đối với kinh tế thành phố trong nhiệm kỳ tiếp theo. Nguy cơ “bị” đuổi kịp và “tụt hậu” về kinh tế đối với một số địa phương khác không phải là không có.
Giữ vững vai trò hạt nhân “đầu tàu” kinh tế
Từ nhiều năm nay, TP Hồ Chí Minh luôn tự hào giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và thực tiễn đã khẳng định điều đó. Với lợi thế vượt trội so với các thành phố lớn khác của cả nước về tiềm lực kinh tế, TP Hồ Chí Minh đóng vai trò hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nơi tạo ra một phần tư tổng sản phẩm quốc nội (GDP); một phần ba giá trị sản lượng công nghiệp, 30% tổng thu ngân sách quốc gia, hơn 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, thu hút một phần ba tổng số dự án FDI. Chỉ tính riêng lĩnh vực tài chính – ngân hàng, thành phố có mạng lưới thương mại cổ phần năng động hoạt động khắp nước, chiếm 30% tổng dư nợ cho vay và vốn huy động của các ngân hàng cả nước. Nếu cộng thêm số vốn trên thị trường chứng khoán và số vốn huy động của thị trường bảo hiểm thì tổng tài sản tài chính của TP Hồ Chí Minh chiếm gần 50% tổng tài sản tài chính của cả nước. Ngoài những lợi thế trên, thành phố còn hội tụ nhiều yếu tố khác đặc biệt là đội ngũ trí thức đông đảo – nguồn nhân lực quan trọng chất lượng cao và hệ thống các trường cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu… để trở thành một trung tâm công nghiệp, khoa học công nghệ, giáo dục – đào tạo, y tế và tài chính lớn trong khu vực. Nằm giữa miền Đông và Tây Nam Bộ, thành phố có đường hàng không, cảng biển, hệ thống đường bộ thuận tiện kết nối trực tiếp với các nước trong khu vực và thế giới. Kinh tế thành phố phát triển đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế đất nước. Chỉ tính riêng giai đoạn 2006-2010, thành phố đóng góp hơn 20% GDP cả nước, hơn 30% ngân sách quốc gia, gần 30% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, 40% kim ngạch xuất nhập khẩu. Mức thu nhập bình quân của người dân thành phố năm 2010 gấp khoảng 2,5 lần so với bình quân cả nước.
Những kết quả đạt được trên đây đã góp phần để thành phố tiếp tục giữ vững vai trò “đầu tàu” kinh tế của khu vực và cả nước và là cơ sở để thành phố có thêm nguồn lực đầu tư phát triển, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Để giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh xác định rõ hướng đi tới của mình, đó là tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển bền vững. Ngoài ra cũng cần phải nhìn nhận sâu hơn nữa về những bất cập, yếu kém tồn tại và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình phát triển để Đảng bộ và nhân dân thành phố đồng lòng, đồng sức xốc tới.
Những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ qua của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh là căn cứ thực tiễn để khẳng định sự đúng đắn trong đường lối phát triển kinh tế – xã hội mà Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 8 nhiệm kỳ 2006-2010 đã đề ra.
Kế thừa thành tựu của các nhiệm kỳ trước và từ thực tiễn sinh động của nhiệm kỳ vừa qua về phát triển kinh tế, xã hội, Thành ủy TP Hồ Chí Minh quyết tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ thành phố phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện, xây dựng thành phố trở thành một thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại, đầu tàu kinh tế của cả nước, xứng đáng được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Ý kiến ()