Thành phố Hồ Chí Minh: Mưa lớn kết hợp triều cường, nhiều tuyến đường thành sông
Chiều tối 6/9, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có xuất hiện cơn mưa trên diện rộng, kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ kết hợp với đợt triều cường đang lên cao nên tại nhiều tuyến đường của thành phố, nhất là ở các khu vực trũng thấp như quận 8, quận 6, Tân Phú… đã bị ngập sâu trong nước. Đường ngập xảy ra đúng vào giờ cao điểm nên cũng đã gây ùn tắc giao thông cục bộ tại nhiều giao lộ, ngã tư.
Triều cường tại TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN) |
Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều tuyến đường như Kinh Dương Vương, Lò Gốm ( Quận 6), Phạm Thế Hiển, Bến Phú Định ( Quận 8), Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Hữu Cảnh, Bùi Hữu Nghĩa, Bạch Đằng, Định Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, Đường D2, Ung Văn Khiêm, Quốc lộ 13 ( Quận Bình Thạnh), Hòa Bình, Lãnh Binh Thăng ( Quận 11, Tân Phú), Quang Trung, Khu vực Chợ Cầu ( Quận 12), Phổ Quang, Bầu Cát ( Tân Bình) … đã bị ngập sâu trong nước từ 30-40 cm, nhiều nơi nước đã tràn vào cả nhà dân ở hai bên đường.
Do mưa lớn xảy ra đúng vào thời điểm mực nước triều cường đang lên cao nên cũng đã làm cho nước mưa không thoát được. Tại một số tuyến đường bị ngập sâu, nhiều phương tiện xe máy đã bị chết máy, phải dắt bộ. Đường ngập xảy ra đúng vào thời gian tan tầm nên tai nhiều giao lộ, ngã tư trên địa bàn thành phố cũng đã xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ. Anh Trần Văn Tính, nhà ở quận Thủ Đức, cho biết: Mưa lớn và kéo dài quá nên việc đi lại của người dân khá vất vả. Tôi đi từ quận 3 về nhà ở khu vực Kha Vạn Cân ( Thủ Đức) bình thường chỉ mất có gần 30 phút nhưng hôm nay mất gần 2 tiếng đồng hồ do đường ngập nước, ùn tắc ở nhiều tuyến đường trên đường về. Nhiều nơi xe kẹt cứng không nhức nhích nổi.
Liên quan đến tình hình thời tiết trên địa bàn thành phố, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, triều cường vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai: vùng hạ lưu các sông Nam bộ đang bước vào kỳ triều cường Rằm tháng Tám âm lịch. Dự báo mực nước vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai đang lên nhanh trong những ngày tới. Đỉnh triều cường cao nhất trong đợt này sẽ xuất hiện trong các ngày từ 10 đến ngày 12/ 9 (17 – 19 tháng Tám âm lịch). Tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) mực nước đỉnh triều cao nhất có khả năng ở mức 1,40 – 1,45 m (xấp xỉ hoặc cao hơn báo động II 0,05 m). Thời gian xuất hiện đỉnh triều cao nhất trong ngày từ 16-18 giờ.
Trước tình hình trên, thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở ngành, đơn vị và quận huyện trên địa bàn thành phố chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời. Cụ thể, Ủy ban nhân dân các quận huyện, đặc biệt là quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi và Hóc Môn tăng cường kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều để kịp thời phát hiện, tu sửa gia cố những vị trí xung yếu, xuống cấp và chuẩn bị vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải đất, cát,…) để kịp thời xử lý, cơi đắp ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”, không để xảy ra tình trạng bể bờ bao gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân; thông báo thường xuyên trên các phương tiện truyền thông về diễn biến đợt triều cường và ngày, giờ đỉnh triều xuất hiện cho nhân dân địa phương biết. Lực lượng Cảnh sát Giao thông phối hợp Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố chuẩn bị các lực lượng cơ động điều tiết giao thông tại các khu vực trọng điểm bị ngập úng.
Theo CPV
Ý kiến ()