Thành phố Hồ Chí Minh gỡ khó cho các doanh nghiệp
Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu trên địa bàn.
Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu trên địa bàn.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố, các ngành, các cấp và các đơn vị tập trung thực hiện các chính sách miễn giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến đầu tư thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường.
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho biết thành phố đã thành lập 5 tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, tác động vào thị trường nhà ở, tạo việc làm, từng bước xử lý nợ xấu gắn với hỗ trợ phát triển thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố.
Mặt khác, thành phố nỗ lực triển khai các biện pháp tích cực kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh với các ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp. Riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tiểu thương ở các chợ, Ủy ban Nhân dân thành phố phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức để các ngân hàng thương mại trực tiếp ký kết các thỏa thuận hợp tác hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi. Bước đầu thực hiện cam kết này, các ngân hàng thương mại đã cho 139 doanh nghiệp nhỏ và vừa vay 1.695 tỷ đồng.
Hàng loạt các hoạt động xúc tiến đầu tư-thương mại hỗ trợ doanh nghiệp đã được tổ chức rất hiệu quả như hội thảo về cơ hội kinh doanh tại thị trường Myanmar, thu hút 158 doanh nghiệp trong nước và ngoài nước tham gia; hội thảo xúc tiến đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm, giới thiệu đến các nhà đầu tư 13 dự án với nhiều chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính thông thoáng…
Ngày hội Du lịch 2013 được tổ chức thành công với sự tham gia của 120 gian hàng theo chủ đề “Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: Thương hiệu-Hội nhập-Phát triển” tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch gặp gỡ trực tiếp người tiêu dùng, chào bán các sản phẩm dịch vụ du lịch mới, hấp dẫn nhằm kích cầu du lịch trong cư dân thành phố.
Công tác hỗ trợ cải tiến thiết bị sản xuất và sản phẩm tiếp tục được triển khai. Thành phố đã hỗ trợ 8 đề tài cho các doanh nghiệp nghiên cứu thiết kế cải tiến thiết bị, dây chuyền sản xuất trong các ngành gỗ, sản xuất động cơ, nông nghiệp, chế biến bảo quản thực phẩm… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính, cho vay vốn ưu đãi cũng được chú trọng. Hệ thống đối thoại doanh nghiệp và chính quyền giúp cộng đồng doanh nghiệp từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng tập trung huy động các nguồn thu ngân sách để đáp ứng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, đồng thời nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp giảm chi phí vốn sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành tiêu thụ sản phẩm.
Bình ổn thị trường và bảo đảm an sinh xã hội
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố khẳng định chương trình bình ổn thị trường của thành phố đã góp phần duy trì lượng hàng hóa dồi dào, đảm bảo khả năng can thiệp để cân đối cung cầu, giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp hạn chế được hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến, không để xảy ra thiếu hàng cục bộ, góp phần ổn định thị trường. Chương trình bình ổn đã thực sự trở thành một trong những công cụ điều tiết giá một cách hữu hiệu.
Nét mới của Chương trình bình ổn thị trường năm nay là không còn cho doanh nghiệp tham gia chương trình vay vốn ngân sách lãi suất 0% như những năm trước nữa. Thay vào đó, thành phố vận động sự tham gia của các tổ chức tín dụng, ngân hàng có những gói hỗ trợ về lãi suất vay ngắn hạn 6%/năm, để doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đầu tư chuồng trại, con giống, công nghệ, hàng hóa cung ứng cho thị trường.
Từ đầu năm đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiều chương trình đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tâm lý người lao động, nâng cao năng suất, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong vốn sản xuất kinh doanh như giải quyết việc làm, thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ thất nghiệp, chăm lo đời sống công nhân, giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp xảy ra.
Các chương trình hỗ trợ người nghèo cũng được thực hiện có hiệu quả. Thành phố đã dành một phần đáng kể từ ngân sách và đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp tham gia giúp người nghèo, người có thu nhập thấp, vận đông phong trào nhân dân tương trợ, chia sẻ lẫn nhau. Nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn thành phố cam kết không tăng giá nhà trọ trong năm; các đơn vị trên địa bàn cũng tìm cách cải tiến chất lượng bữa ăn, đời sống sinh hoạt của các đối tượng bảo trợ xã hội.
Nhờ những nỗ lực trên, nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội của thành phố 5 tháng đầu năm nay duy trì tăng trưởng hợp lý. Sản xuất công nghiệp và lĩnh vực thương mại-dịch vụ có tăng trưởng so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục giảm; lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định. Công tác chăm lo phúc lợi xã hội được tổ chức thực hiện chu đáo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại như sức mua còn thấp, hàng tồn kho tăng, nợ xấu tăng…
Thành phố tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại theo hướng tích cực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, mở ra tiền đề thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tại các thị trường tiềm năng đồng thời đẩy mạnh thực hiện chương trình tiếp xúc với các doanh nghiệp, tăng cường đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc; phát huy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp và các Hội ngành nghề; giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời thông tin, chính sách vĩ mô của Nhà nước.
Mặt khác, thành phố tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm các đơn vị này thực hiện đúng các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng; quản lý, điều hành thị trường ngoại hối và thị trường vàng một cách linh hoạt, theo đúng định hướng của Ngân hàng Trung ương, phù hợp với diễn biến thị trường./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()