Thành phố Hồ Chí Minh đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên
Triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về công tác thanh niên, những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều chính sách đào tạo nguồn nhân lực trẻ, tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong sử dụng cán bộ trẻ trên các lĩnh vực.
Thực hiện Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, thành phố đã đưa đi đào tạo 557 cán bộ trẻ và sau đó bố trí công việc cho 288 học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo. Chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân đã chọn được 109 cán bộ, đã bố trí 26 công nhân trẻ và 38 sinh viên về công tác tại quận, huyện và các doanh nghiệp. Ngoài ra, thành phố cũng đã có 1.432 cán bộ trẻ được đưa vào diện quy hoạch dài hạn; đã đưa 505 cán bộ trẻ về công tác ở phường, xã, thị trấn; 520 đồng chí được đề bạt trưởng, phó phòng các sở, ban, ngành của thành phố, quận, huyện…
Thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội thành phố tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền trong hệ thống để nâng cao vai trò, ý nghĩa công tác thanh niên và giáo dục lý tưởng cho thanh niên; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng và kiện toàn, nâng chất lượng đội ngũ cán bộ Ðoàn, Hội, Ðội; chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua xung kích trong thanh niên…
Thành ủy TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng triển khai, thực hiện “6 biết” trong lãnh đạo thanh niên và công tác thanh niên. Trước hết, cấp ủy cần lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng và phát hiện khả năng, thế mạnh của thanh niên ở địa phương, không áp đặt thanh niên theo ý chí chủ quan của mình để từ đó phát huy khả năng cống hiến của thanh niên; giao việc cho tổ chức Ðoàn để có khả năng quy tụ, tập hợp thanh niên; giáo dục thanh niên, qua chính thực tiễn cuộc sống để thanh niên ngày càng trưởng thành. Tổ chức Ðoàn phải đi tìm cán bộ qua chính các phong trào thực tiễn, bởi đây là nơi giáo dục, đào tạo, tạo nguồn cán bộ trẻ tuổi cho hệ thống chính trị của thành phố…
* Bắc Ninh thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp mũi nhọn
Tỉnh Bắc Ninh vừa hoàn thiện quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 theo bản quy hoạch được Chính phủ phê duyệt gồm 15 KCN với tổng diện tích 7.525 ha. Hiện tại, có tám KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp được quy hoạch cho thuê hơn 1.810 ha.
Ðến nay, các KCN Bắc Ninh đã thu hút 687 dự án đầu tư trong và ngoài nước, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 6,86 tỷ USD, góp phần giải quyết việc làm cho gần 147 nghìn lao động. Mỗi KCN được bố trí một số tập đoàn đầu tư có quy mô lớn, công nghệ kỹ thuật cao, có thương hiệu trong khu vực và toàn cầu để kéo theo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh khác, tạo lập KCN chuyên ngành và xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho KCN. Ðã có 15 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Bắc Ninh, các dự án FDI lớn chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực điện, điện tử, viễn thông, công nghệ cao của các tập đoàn đa quốc gia như: Ca-non (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Nokia (Phần Lan)… Ðồng thời, đây cũng là cơ sở để Bắc Ninh xác lập ngành công nghiệp mũi nhọn của mình mà trọng tâm là công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác, vật liệu mới, chế biến, công nghệ cao.
Việc hoàn thiện quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 của tỉnh đã góp phần vào việc phân bố, điều chỉnh lại không gian kinh tế – xã hội của tỉnh… tạo sự phát triển đồng đều, hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực phía bắc và nam sông Ðuống. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được tính toán, điều chỉnh hợp lý giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, bảo đảm sự hỗ trợ, tương tác, thúc đẩy phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững các KCN. Hiện nay, trong tổng số 301 dự án trong nước, 386 dự án FDI được cấp phép, trong đó các dự án đầu tư trong nước tập trung chủ yếu ở giai đoạn đầu xây dựng các KCN với quy mô vừa và nhỏ vào các lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm… góp phần giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội và là tiền đề thu hút dự án FDI giai đoạn sau trên địa bàn tỉnh.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()