Thành phố Hồ Chí Minh: Đảm bảo nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm hiện nay, tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh chuẩn bị cho sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Ất Mùi 2015 là 15.849 tỷ đồng, tăng 8.267 tỷ đồng so với Tết Giáp Ngọ 2014.
Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết Ất Mùi 2015 (từ ngày 20/1/2015 đến ngày 18/2/2015, tức từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp Âm lịch) tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 9.262 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 4.861 tỷ đồng.
Các mặt hàng phục vụ dịp Tết năm nay dồi dào, đa dạng về mẫu mã, chủng loại (Ảnh: VL) |
Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường mặt hàng lương thực, thực phẩm đã hoàn tất kế hoạch cân đối cung cầu hàng hóa, với số lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng, mẫu mã phong phú, chất lượng tốt, giá cả phù hợp chi phối và dẫn dắt thị trường.
Theo tính toán, nguồn cung từ các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường chiếm 30%-40% thị phần. Các công ty, doanh nghiệp khác chiếm 10%-20% thị phần. Nguồn cung từ 3 chợ đầu mối đối với các mặt hàng rau, củ, quả, thủy hải sản chiếm 60% – 70% thị phần.
Cũng theo bà Đào, khả năng cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp tăng bình quân 62,92% so với kế hoạch Thành phố giao và tăng 79,51% so với Tết Giáp Ngọ 2014.
Nhiều mặt hàng bình ổn được chuẩn bị với số lượng lớn, khả năng chi phối từ 30% – 60% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (63,4%), dầu ăn (65,5%), đường (57,7%), thực phẩm chế biến (52,7%), trứng gia cầm (42,3%), thịt gia súc (29%). Do xu hướng tiêu dùng những năm gần đây đã có sự thay đổi, người dân tiêu thụ mặt hàng rau, củ, quả ngày càng nhiều hơn nên lượng hàng chuẩn bị tăng trên 121,1%.
Không chỉ đảm bảo lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng, các doanh nghiệp còn cam kết sẽ giữ giá ổn định trong tháng trước trong và sau Tết.
UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị cần căn cứ vào kết quả tiêu dùng của năm trước và sức mua trong thực tế, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể, tránh tình trạng dự trữ quá nhiều trong khi mức cầu không tăng cao, ảnh hưởng đến nhà sản xuất.
Về giá cả các mặt hàng, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị, quận, huyện cần kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo ổn định thị trường. Trong trường hợp nơi nào để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá thì người đứng đầu của địa bàn đó chịu trách nhiệm trước UBND thành phố.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()