Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước, vì cả nước nỗ lực vượt qua khó khăn
Năm 2012, TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều chương trình đưa hàng bình ổn giá đến tận các khu dân cư lao động nghèo, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Trong ảnh: Công nhân Công ty Kim Trúc (Khu công nghiệp Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) mua hàng bình ổn giá dịp cuối năm. Ảnh: HỒNG ĐÀO TP Hồ Chí Minh là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là đầu tàu kinh tế của cả nước, có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chung của đất nước. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của T.Ư, TP Hồ Chí Minh đã chứng tỏ bản lĩnh trong bối cảnh khó khăn chung của năm 2012, đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu, góp phần cùng cả nước kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý...Có một cách ví von: TP Hồ Chí Minh như "hàn thử biểu kinh tế" của quốc gia, mọi sự "nóng, lạnh" về kinh tế ở thành phố này đều tác động, ảnh hưởng đến tình hình...
Năm 2012, TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều chương trình đưa hàng bình ổn giá đến tận các khu dân cư lao động nghèo, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Trong ảnh: Công nhân Công ty Kim Trúc (Khu công nghiệp Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) mua hàng bình ổn giá dịp cuối năm. Ảnh: HỒNG ĐÀO |
Có một cách ví von: TP Hồ Chí Minh như “hàn thử biểu kinh tế” của quốc gia, mọi sự “nóng, lạnh” về kinh tế ở thành phố này đều tác động, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế chung của đất nước.
Với chủ trương chung về ưu tiên kiềm chế lạm phát, TP Hồ Chí Minh đã tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, nỗ lực cùng cả nước giữ chỉ số lạm phát trong năm 2012 dưới hai con số. Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn thành phố cả năm 2012 có mức tăng 4,07%. Đây là kết quả của nhiều giải pháp tổng hợp, trong đó, việc thực hiện tốt chương trình bình ổn thị trường của thành phố đã góp phần quan trọng.
Năm 2012, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện bốn chương trình bình ổn thị trường đối với các nhóm hàng: Lương thực, thực phẩm thiết yếu; dược phẩm thiết yếu; sữa và các mặt hàng phục vụ mùa khai trường năm học 2012-2013. Tính riêng các nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ mùa khai trường, thành phố đã dành nguồn vốn gần 289 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp với lãi suất 0% để tìm kiếm, chuẩn bị nguồn hàng. Cùng với đó, thành phố có thêm nhiều “kênh” đưa hàng bình ổn giá đến tận các khu dân cư lao động nghèo, các khu công nghiệp, khu chế xuất, giúp những người có thu nhập thấp dễ dàng mua các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hằng ngày. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Lê Ngọc Đào, năm 2012, lượng hàng bình ổn chiếm từ 25 đến 30% nhu cầu thị trường trong những tháng thường và chiếm từ 30 đến 40% trong mùa Tết. Các chương trình bình ổn của thành phố đã góp phần duy trì lượng hàng hóa dồi dào, bảo đảm khả năng can thiệp thị trường để cân đối cung-cầu, giữ giá cả hợp lý, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời trở thành một trong những công cụ điều tiết giá hữu hiệu.
Người dân Nam Bộ nói chung và người dân TP Hồ Chí Minh nói riêng, vốn có tiếng xài sang, nhưng trong bối cảnh khó khăn chung đã tiết kiệm chi tiêu vừa lợi nhà, ích nước. MTTQ TP Hồ Chí Minh đã chủ động khơi gợi tinh thần thi đua tiết kiệm trong các tầng lớp nhân dân bằng cách tiết kiệm chi tiêu công, tiết kiệm trong tiêu dùng hàng xa xỉ, thực hành tiết kiệm điện. Năm 2012, toàn thành phố đã vận động được 80% số hộ gia đình đăng ký tiết kiệm được 450 triệu kW giờ điện, góp phần đáng kể cùng cả nước hạn chế chi tiêu, bảo đảm an ninh năng lượng.
TP Hồ Chí Minh hiện có dân số đông nhất nước, trong đó có hàng triệu người từ nhiều miền quê đến tìm kế mưu sinh. Do vậy, việc bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân luôn là nhiệm vụ được TP Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu và không chỉ dành cho người dân của thành phố này.
Với phương châm “Huy động sức dân chăm lo cho dân”, năm 2012, TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai nhiều cách làm sáng tạo, có sức lan tỏa rộng, tạo được hiệu ứng xã hội cao trong việc chăm lo cho người nghèo. Theo MTTQ TP Hồ Chí Minh, năm qua, Quỹ Vì người nghèo toàn thành phố vận động được hơn 126 tỷ đồng và đã chi hơn 108 tỷ đồng để chăm lo Tết, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, sửa chữa chống dột cho các gia đình chính sách, dân nghèo, tặng học bổng và phương tiện đi học cho con em các gia đình khó khăn. Nhiều quận, huyện tiếp tục hỗ trợ vốn không tính lãi, giúp các hộ nghèo vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống. Nhiều tổ chức thành viên của MTTQ thành phố, các cơ quan truyền thông cũng đã huy động hơn 392 tỷ đồng, góp phần tích cực cùng thành phố thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố còn 3,4%. Đáng quý hơn, nhiều chủ nhà có phòng cho thuê trọ, nhiều cơ sở nuôi dạy trẻ đã tự nguyện không tăng giá, thiết thực chia sẻ bớt khó khăn với hàng trăm nghìn công nhân, người lao động có mức thu nhập thấp; học sinh, sinh viên khó khăn.
Năm 2012, TP Hồ Chí Minh đã duyệt cấp 115 nghìn thẻ bảo hiểm cho người nghèo, đồng thời trợ cấp ưu đãi, hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí cho hàng chục nghìn học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo với số tiền hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ở thành phố gặp khó khăn, đình đốn, nhưng năm qua, toàn thành phố cũng đã giải quyết việc làm cho hơn 288 nghìn lượt lao động, trong đó có hơn 209 nghìn lao động có việc làm ổn định; tạo ra hơn 121 nghìn chỗ làm mới. Nhờ đó, đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp của thành phố còn 4,9%.
Điểm nhấn ấn tượng nhất của TP Hồ Chí Minh trong năm 2012 là duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, hợp lý. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố cả năm 2012 đạt 9,22%. Tuy thấp hơn so với năm 2011 (10,3%) và chưa đạt kế hoạch đề ra từ đầu năm, nhưng xét trong bối cảnh bị ảnh hưởng xấu của nền kinh tế thế giới, thì đây là một kết quả rất tích cực. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân phân tích: Năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước đạt 5,03%, như vậy, GDP của TP Hồ Chí Minh tăng hơn 1,83 lần so với bình quân chung của cả nước. Bình quân các năm trước, tốc độ tăng trưởng GDP của TP Hồ Chí Minh bằng khoảng 1,5 lần so với cả nước. Điều này cho thấy, khi kinh tế của đất nước gặp khó khăn thì sự đóng góp của thành phố cho cả nước càng lớn, càng có ý nghĩa.
Tính đến ngày 28-12-2012, tổng thu ngân sách trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt 224.268 tỷ đồng, bằng 100,28% dự toán cả năm và tăng 9,62% so với năm 2011. Số thu của TP Hồ Chí Minh đã đóng góp khoảng 30% vào nguồn thu ngân sách quốc gia trong năm 2012.
Một dấu hiệu khác cho thấy tình hình kinh tế ở TP Hồ Chí Minh khởi sắc trở lại là sự hồi phục hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Trong 10 tháng đầu năm 2012, toàn thành phố có 19.698 doanh nghiệp làm thủ tục ngừng kinh doanh. Chừng ấy thời gian, cũng có thêm 21.099 doanh nghiệp được thành lập với số vốn đăng ký hơn 173.437 tỷ đồng.
Đạt được những thành quả trên có sự đóng góp tích cực từ việc thành phố tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường. Năm qua, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về thuế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp; nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại; hỗ trợ lãi suất đối với các dự án thuộc Chương trình kích cầu thông qua đầu tư…
Năm 2012, TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững quốc phòng, an ninh; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; thực hiện có hiệu quả “Năm an toàn giao thông 2012”; tích cực thực hiện công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Tuy nhiên, qua một năm đầy khó khăn, thử thách, những thành quả đạt được sẽ toàn diện hơn nếu như TP Hồ Chí Minh kịp thời khắc phục một số hạn chế. Kinh tế thành phố phát triển chưa ổn định, chưa thật sự bền vững, tốc độ tăng CPI thấp hơn so với cả nước nhưng chưa vững chắc. Thị trường hàng hóa và bất động sản còn gặp nhiều khó khăn, sức mua thấp, hàng tồn kho nhiều, giá nguyên, nhiên, vật liệu biến động mạnh, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng, lãi suất cho vay còn ở mức cao nên nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay. Công tác giảm nghèo chưa thật sự vững chắc, nguy cơ tái nghèo dễ phát sinh do nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, dẫn đến thiếu việc làm. Tình hình một số dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Cùng với đó, các loại tội phạm hình sự, nhất là tội phạm cướp giật ngày càng táo tợn, gây bất an cho cuộc sống của người dân.
Dù vẫn còn đó những khó khăn, nhưng những gì mà TP Hồ Chí Minh nỗ lực đạt được trong năm qua là tiền đề quan trọng để thành phố phát triển vững chắc hơn trong năm 2013. Những ngày đầu năm mới này, phố phường ở TP Hồ Chí Minh rực rỡ cờ hoa, nhiều hoạt động văn nghệ, vui chơi giải trí được tổ chức tại nhiều tụ điểm như mọi năm để người dân thành phố, bạn bè cả nước và du khách quốc tế cùng chung vui. Sự lạc quan, ung dung, tự tại thể hiện bản lĩnh vững vàng trong khó khăn, thử thách, tạo thêm niềm tin vững chắc: Cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cùng cả nước, vì cả nước vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội… trong năm 2013 này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()