Thành phố Hồ Chí Minh chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã được xác định là một trong năm chương trình đòn bẩy của TP Hồ Chí Minh. Đến nay, chương trình này đã thu được kết quả tích cực và được TP Hồ Chí Minh chọn là một trong sáu chương trình đột phá của thành phố giai đoạn 2011-2015.Chuyển biến từ ngành cơ khí chế tạoNhằm khai thác tiềm năng và nguồn lực về nghiên cứu, thiết kế và chế tạo của ngành cơ khí, lãnh đạo thành phố đã có chủ trương triển khai chương trình thiết kế, chế tạo các loại thiết bị mới với công nghệ tiên tiến và chi phí thấp để giúp doanh nghiệp của thành phố đổi mới thiết bị sản xuất, thay thế thiết bị nhập khẩu. UBND thành phố đã có chỉ thị về việc triển khai chương trình 'Hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh tổng hợp và đẩy mạnh xuất khẩu', tiếp sau đó là chương trình 'Hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu với chi phí thấp'. Năm năm trở lại đây...
Chuyển biến từ ngành cơ khí chế tạo
Nhằm khai thác tiềm năng và nguồn lực về nghiên cứu, thiết kế và chế tạo của ngành cơ khí, lãnh đạo thành phố đã có chủ trương triển khai chương trình thiết kế, chế tạo các loại thiết bị mới với công nghệ tiên tiến và chi phí thấp để giúp doanh nghiệp của thành phố đổi mới thiết bị sản xuất, thay thế thiết bị nhập khẩu. UBND thành phố đã có chỉ thị về việc triển khai chương trình 'Hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh tổng hợp và đẩy mạnh xuất khẩu', tiếp sau đó là chương trình 'Hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu với chi phí thấp'. Năm năm trở lại đây chương trình nói trên đã thu được kết quả bước đầu. Hai mươi dự án thiết kế chế tạo thiết bị mới đã được triển khai, từ đơn đặt hàng của các doanh nghiệp và 80% số dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên của thành phố (Cơ khí chế tạo, điện tử-công nghệ thông tin, hóa dược, nhựa – cao-su). Các đơn vị chế tạo đã chuyển giao được 265 sản phẩm cho các doanh nghiệp với giá bán rẻ hơn từ 20 đến 60% so với giá nhập khẩu, tiết kiệm được gần 15 triệu USD. Bên cạnh đó, các trường, viện và doanh nghiệp cũng đang thực hiện 15 dự án chế tạo rô-bốt công nghiệp.
Thành phố có chính sách hỗ trợ lãi vay từ 50 đến 100% đối với các dự án đầu tư sản xuất hoặc ứng dụng công nghệ sản xuất mới theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao và tính chất đột phá. Đến nay đã có 76 dự án được phê duyệt hỗ trợ lãi vay với tổng vốn 6.405 tỷ đồng, trong đó có 26 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp với nguồn vốn 3.022 tỷ đồng. Nhờ những chính sách khuyến khích, ngành công nghiệp đã dịch chuyển dần từ 'chiều rộng' sang 'chiều sâu', tỷ trọng các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh có xu hướng tăng dần. Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2006-2010 tăng khoảng 12,2 – 12,5%/năm (giá trị gia tăng đạt 10,1%/năm), tăng gấp 1,85 lần so với giai đoạn 2001-2005, chiếm 28% tỷ trọng cả nước và 46% vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Trong đó, tỷ trọng các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển của thành phố liên tục chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp và tăng dần mỗi năm.
Công nghệ cao và dịch vụ khởi sắc
Một trong những thế mạnh của thành phố là ngành viễn thông, doanh thu hằng năm tăng trưởng bình quân 44%. Năm 2006 số thuê bao điện thoại của thành phố chỉ có 6,6 triệu máy thì đến năm 2010 đã tăng lên hơn 18,1 triệu máy, đạt tỷ lệ 213 máy/100 dân; đồng thời số thuê bao in-tơ-nét ADSL đạt 850 nghìn, chiếm 28,3% tổng số thuê bao của cả nước. Đặc biệt, các ngành công nghệ cao như điện tử, công nghệ thông tin… đã có nhiều bước tiến mới khả quan. Số lượng doanh nghiệp của các ngành này không ngừng tăng nhanh, doanh thu của ngành công nghệ thông tin tăng trưởng hơn 30% mỗi năm, năm 2009 đạt 37 nghìn tỷ đồng. Doanh thu hằng năm của ngành điện tử và công nghệ thông tin của thành phố chiếm 40% doanh thu ngành này cả nước. Riêng Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã có 20 dự án đi vào hoạt động, trong đó có 5 dự án có triển khai hoạt động nghiên cứu và phát triển (R & D), giá trị xuất khẩu chiếm 98,7% tổng doanh thu từ sản xuất giai đoạn 2006-2010. Giai đoạn sắp tới thành phố sẽ tập trung phát triển hơn nữa các ngành công nghệ cao theo hướng khai thác có hiệu quả Công viên phần mềm Quang Trung để nâng cao doanh số và kim ngạch xuất khẩu, phủ kín giai đoạn I và triển khai nhanh giai đoạn II của Khu Công nghệ cao với nhiều cơ chế mới. Bên cạnh đó sẽ đẩy mạnh phát triển ngành sản xuất và gia công phần mềm, sản xuất chíp điện tử và xây dựng chính sách phát triển ngành công nghiệp số…
Với đà phát triển nhanh, đóng góp của ngành dịch vụ và công nghệ cao trong GDP dịch chuyển theo hướng tích cực. Năm 2006, khu vực dịch vụ chiếm 51,3% GDP, năm 2010 dự kiến sẽ chiếm tỷ lệ 54% và mục tiêu đến năm 2015 dịch vụ sẽ chiếm 57% GDP của thành phố. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân của lĩnh vực dịch vụ giai đoạn 2006-2010 đạt khoảng 12,2%/năm, cao gấp 1,2 lần so với giai đoạn 2001-2005. Do chi phí cơ hội đầu tư ở thành phố ngày càng tăng, đòi hỏi doanh nghiệp phải lựa chọn những ngành có suất sinh lợi cao, nhất là dịch vụ. Cùng với đó là hiện tượng di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ở thành phố về các địa phương lân cận và những mặt bằng cũ được chuyển đổi công năng sang phục vụ cho các ngành dịch vụ. Ngược lại, tỷ trọng trong GDP của khu vực công nghiệp – xây dựng giảm dần, từ 47,4% của năm 2006 dự kiến sẽ còn 44,8% trong năm nay và giảm còn 42% vào năm 2015. Khu vực nông nghiệp có giảm nhưng hầu như không đáng kể, năm 2010 dự kiến chiếm 1,2% GDP so với 1,3% của năm 2006. Không những vậy, những năm tới các ngành sẽ phát triển theo 'chiều sâu' hơn khi thành phố đặt chỉ tiêu đến năm 2015 tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân của ngành công nghiệp mỗi năm là 11%, ngành dịch vụ là 13%…
Phấn đấu trở thành một trung tâm tài chính quốc tế
Hướng chủ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP Hồ Chí Minh là hướng tới trở thành một đô thị dịch vụ, nhất là dịch vụ tài chính. Thành phố đã đóng góp hơn 20% GDP, 30% giá trị sản xuất công nghiệp, 28% giá trị dịch vụ, 30-35% kim ngạch xuất khẩu, 30% tổng thu ngân sách và 20% tổng vốn đầu tư của cả nước. 17/39 ngân hàng thương mại cổ phần của cả nước có trụ sở ở thành phố. Tổng tài sản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đến hết năm 2009 đạt 1.310.390 tỷ đồng. Tỷ lệ thanh toán qua hệ thống ngân hàng chiếm khoảng 87%… Ngoài những lợi thế nêu trên, thành phố còn là nơi hội tụ nhiều yếu tố để trở thành một trung tâm tài chính lớn trong khu vực với hệ thống cảng biển nối trực tiếp với các nước; tổng dư nợ cho vay và vốn huy động của các ngân hàng cộng thêm số vốn hóa trên thị trường chứng khoán và số vốn huy động của thị trường bảo hiểm thì tổng số tài sản tài chính của TP Hồ Chí Minh chiếm gần 50% tổng tài sản tài chính của cả nước. Do vậy, thành phố đã và đang tiến hành lập đề án xây dựng thành phố thành một trung tâm tài chính đạt tầm vóc quốc tế.
Những năm sắp tới, thành phố tập trung phát triển thị trường tài chính với sản phẩm và định chế phong phú hơn, từng bước hiện đại hóa hệ thống thanh toán, khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng tài khoản và các loại thẻ điện tử để thanh toán trong các giao dịch. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển chứng khoán, các loại quỹ tài chính, khuyến khích tăng vốn và quy mô của các ngân hàng thương mại, khuyến khích các tổ chức tài chính mở rộng tầm hoạt động. Có thể thấy các loại hình dịch vụ như tài chính ngân hàng, du lịch, bưu chính viễn thông… của thành phố tăng trưởng khá cao nhờ nỗ lực của bản thân các ngành đó. Để trở thành trung tâm tài chính, thành phố cần có chính sách khuyến khích cải thiện tích cực môi trường đầu tư, kinh doanh. Chi phí kinh doanh của thành phố vẫn còn cao so với nhiều địa phương mới như Bình Dương, Đồng Nai… Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được cải thiện cũng đã ảnh hưởng đến thế mạnh của thành phố trên đường trở thành một trung tâm tài chính quốc tế… Cùng với đó, đào tạo nguồn nhân lực với những 'công dân toàn cầu' là điều kiện không thể thiếu.
Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế được thành phố xác định là một trong những chương trình phát triển cốt lõi. Mặc dù những thành quả đạt được là đáng khích lệ nhưng vẫn còn những hạn chế, chưa khai thác và phát huy tốt các tiềm năng. Vì vậy, thành phố cần những giải pháp kiên quyết để tăng tốc nhanh và bền vững hơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()