tle=”Thành phố Hồ Chí Minh chủ động nguồn thực phẩm bình ổn thị trường”> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Gian hàng bán trứng gia cầm bình ổn giá của doanh nghiệp Ba Huân tại một siêu thị ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TẤT CƯỜNG
Bảo đảm nguồn hàng dồi dào, phong phú, an toàn là một trong những yếu tố mang tính quyết định đến sự ổn định và phát triển của các doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tham gia bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh.
Trong số đó, thịt heo, thịt và trứng gia cầm là 3 trong số 9 nhóm mặt hàng tham gia Chương trình bình ổn thị trường.
Duy trì, phát triển đàn gia súc, gia cầm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) TP Hồ Chí Minh, bốn năm qua (2008-2011), mặc dù bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi nhưng ngành chăn nuôi thành phố vẫn duy trì và phát triển ổn định. Toàn thành phố hiện có tổng đàn heo hơn 332.500 con; đàn trâu, bò gần 111.600 con; đàn gia cầm hơn 221 nghìn con… Nhờ đó, đã cung ứng cho thị trường sản lượng thịt heo hơi hơn 70.440 tấn; 34.873 tấn thịt trâu, bò hơi; 224.475 tấn sữa tươi và hơn 1.379 tấn thịt gia cầm.
Thời gian qua, việc phát triển chăn nuôi ở TP Hồ Chí Minh (chủ yếu tại khu vực ngoại thành) theo hướng tập trung, an toàn sinh học, hiện đại hóa. Hiện nay, quy mô chăn nuôi heo thịt ở thành phố đạt bình quân 39,94 con/hộ và bò sữa là 10,13 con/hộ. Thành phố đã hình thành 72 trang trại chăn nuôi, chiếm 79,1% tổng số trang trại trên địa bàn. Các DN của thành phố cũng đã đầu tư phát triển chăn nuôi tại các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ theo quy trình sản xuất khép kín từ khâu thức ăn – con giống – chăn nuôi – giết mổ – chế biến và phân phối, cung cấp nguồn thực phẩm cho người dân thành phố.
Cùng với phát triển chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch, kiểm soát nguồn động vật và sản phẩm động vật từ các tỉnh nhập vào thành phố cũng luôn được coi trọng, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ ngành chăn nuôi của thành phố. Chi cục Thú y thành phố đã phối hợp các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Tây Ninh phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; cung ứng, tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc động vật bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển chăn nuôi ở thành phố chưa thật đồng bộ, còn nhiều khâu trung gian từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, quy trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ, làm cho giá thành các sản phẩm chăn nuôi còn cao…
Năng động tạo nguồn hàng
Thực hiện Đề án chiến lược phát triển chăn nuôi của thành phố tạo nguồn thực phẩm bình ổn giá giai đoạn 2008 – 2010 và định hướng đến năm 2015, từ sáu DN ban đầu, đến nay đã có chín DN tham gia bình ổn thị trường. Bốn năm qua, các DN này đã cung ứng cho thị trường 1.524.000 con heo thịt, tương ứng 137.157 tấn thịt; 28,8 triệu con gia cầm, tương ứng 72 nghìn tấn thịt và 50,8 triệu quả trứng gia cầm các loại.
Để có được nguồn hàng ổn định đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thành phố và nhiều địa phương trong cả nước, thời gian qua, các DN tham gia bình ổn thị trường đã chủ động trong khâu tạo nguồn nguyên liệu bằng nhiều cách khá năng động. Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) là DN đứng đầu trong việc cung ứng các sản phẩm từ thịt heo, thịt bò và rau, củ, quả tại TP Hồ Chí Minh. Trong quý I vừa qua, VISSAN đã nỗ lực vượt qua những khó khăn chung của nền kinh tế, đạt doanh thu 1.275 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ năm 2010. Riêng các mặt hàng từ thịt heo, mỗi năm, DN này đưa vào giết mổ, chế biến từ 900 nghìn đến một triệu con heo. Hiện tại, mỗi năm, Xí nghiệp chăn nuôi Gò Sao thuộc VISSAN chỉ đáp ứng khoảng 20% nguồn nguyên liệu, 80% còn lại, DN liên kết chăn nuôi tạo nguồn và thu mua của nhiều đối tác ở nhiều địa phương.
Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn vừa giao cho Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood) xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tích cực tham gia Chương trình bình ổn giá của thành phố giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020. Sagrifood đã xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh với quy trình khép kín, gồm nhiều dự án: Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi; Xí nghiệp heo giống cấp 1 và các đơn vị chăn nuôi Đồng Hiệp, Phước Long vừa đáp ứng nhu cầu heo hậu bị, heo con giống, vừa bảo đảm cung ứng ổn định nguồn nguyên liệu heo thịt; Trại gà giống Tà Thiết (Bình Phước) có nhiệm vụ cung ứng ổn định hằng năm nguồn gà giống cho các đơn vị chăn nuôi, được xem là giải pháp quyết định để thực hiện việc bình ổn giá gà thịt và trứng. Theo kế hoạch, Sagrifood sẽ đầu tư xây dựng mới một cụm công nghiệp với trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, bao gồm các công đoạn: giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, để tạo ra chuỗi thực phẩm, Sagrifood sẽ đầu tư phát triển hệ thống trại vệ tinh, nông trại ở các vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung cùng với hệ thống chăn nuôi nội bộ của Tổng công ty nhằm bảo đảm cung cấp đủ nguồn nguyên liệu thịt heo và thịt gà sạch cho cụm công nghiệp nói trên.
Một trong những đơn vị chủ lực khác của Chương trình là Công ty TNHH Ba Huân. Hiện nay, có đến hơn 75% nguồn trứng gia cầm của DN này được mua từ nông dân. Do vậy, để có nguồn hàng ổn định, DN Ba Huân đã trực tiếp hỗ trợ nông dân về vốn và kỹ thuật; đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi để cung ứng cho các hộ chăn nuôi gia cầm. Nhằm bảo đảm nguồn cung được ổn định và bền vững hơn, đầu tháng 5 vừa qua, DN Ba Huân đã khởi công dự án trang trại chăn nuôi công nghệ cao tại xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên (Bình Dương).
Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế khó khăn chung hiện nay, các DN tham gia Chương trình bình ổn giá cũng đang gặp khó trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư phát triển chăn nuôi, nhất là phát triển nguồn giống chất lượng cao và dự trữ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Đẩy mạnh việc tạo nguồn thực phẩm
Trên cơ sở dự báo việc gia tăng dân số, Sở NN và PTNT thành phố Hồ Chí Minh dự báo, đến năm 2015 nhu cầu tiêu dùng thịt và chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố khoảng 4,2 kg/người/tháng, tương ứng với 1.412 tấn/ngày. Đến năm 2020, nhu cầu trên khoảng 5,15 kg/người/tháng, tương ứng với 1.900 tấn/ngày. Đây thật sự là một sức ép lớn trong việc bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân thành phố. Sở NN và PTNT thành phố Hồ Chí Minh đang hoàn chỉnh kế hoạch phát triển chăn nuôi của thành phố nhằm tạo nguồn phục vụ bình ổn thị trường giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến năm 2020, góp phần tìm lời giải cho sức ép nêu trên. Quan điểm chung là tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các DN đầu tư tạo nguồn thực phẩm an toàn, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành. Theo dự thảo kế hoạch này, trong thời gian tới, phải tiếp tục chủ động cung cấp đầy đủ nguồn thực phẩm an toàn, giá cả hợp lý cho nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố, kể cả khi thị trường có biến động, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể là, chủ động nguồn thực phẩm tự cung ứng từ 41,2 đến 42,2% tổng nhu cầu sản phẩm thịt heo; tăng thêm 35,37% sản lượng thịt gia cầm và 45,67% lượng trứng.
Đầu tư công nghệ cao để sản xuất con giống và thức ăn chăn nuôi, sau đó chuyển giao kỹ thuật và quy trình chăn nuôi an toàn cho các cơ sở chăn nuôi ở các tỉnh chung quanh đã ký hợp đồng gia công, là định hướng phát triển của ngành chăn nuôi thành phố từ nay đến năm 2020. Mục đích chính của định hướng phát triển này là nhằm tạo ra một nguồn cung cấp với giá bình ổn. Dự thảo kế hoạch của Sở NN và PTNT thành phố cũng xác định: Từ nay đến năm 2015, sẽ tập trung vốn và chất xám để giúp các DN chủ chốt xây dựng hệ thống vệ tinh hoặc nhượng quyền thương hiệu ở các tỉnh phía nam, nhất là mô hình “chuỗi khép kín” từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()