Thành phố đổi mới giáo dục: Lấy trẻ làm trung tâm
Tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên
Để đáp ứng nhu cầu của ngành học mầm non, năm học vừa qua, thành phố đã thực hiện cải tạo, mở rộng trường mầm non (MN) Liên Cơ đạt chuẩn Quốc gia, xây mới phòng học cho phân trường Bản Nhầng, sửa chữa, chuyển nhà văn hóa thôn Nà Me (xã Quảng Lạc) thành phòng học MN… Đưa số trường MN đạt chuẩn Quốc gia lên 5 trường.
Song song với bổ sung cơ sở vật chất (CSVC) cho các trường MN công lập, ngành tăng cường kiểm tra CSVC của 21 trường và cơ sở MN ngoài công lập, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và an toàn, khuyến khích xã hội hóa để có thêm trang thiết bị phục vụ công tác nuôi dạy trẻ.
Nhờ có đủ giáo viên đứng lớp và nhân viên phục vụ theo quy định, ngành có điều kiện nâng cao trình độ cho đội ngũ. Đến nay, đã có 100% giáo viên MN đạt chuẩn, trong đó có 64,31% trên chuẩn.
Trong số 190 nhân viên, số có trình độ từ trung cấp đến đại học là 56 người, còn 134 nhân viên trình độ khác chủ yếu là nhân viên nấu ăn, bảo vệ… Đối với những nhân viên này, các trường đã quan tâm ký hợp đồng, tạo điều kiện dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn và được khám sức khỏe định kỳ để nâng hoàn thành nhiệm vụ.
Học sinh lớp 4 tuổi, Trường Mầm non Mai Pha trong giờ tập xếp hình
Triển khai các chuyên đề, lĩnh vực
Việc áp dụng đánh giá theo bộ tiêu chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi giúp cấp học MN của thành phố khởi động và duy trì các chuyên đề giáo dục MN mới. Chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển” được triển khai đến 100% các trường MN, trong đó việc lồng ghép giáo dục phát triển vận động vào các hoạt động vui chơi và các hoạt động khác có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển toàn diện của trẻ.
Đồng chí Ngô Hiền – Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: các tiết dạy thuộc các lĩnh vực phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ, vận động đã được triển khai tại một số trường điểm, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ở tất cả các trường thuộc hai loại hình.
Năm học vừa qua, ngành đã tổ chức các hình thức giáo dục theo hướng lấy trẻ làm trung tâm như việc xây dựng nhà trường, thiết kế môi trường GD, lập kế hoạch giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội, giáo dục phát triển nhận thức và giáo dục phát triển ngôn ngữ; tăng cường sử dụng và làm đồ dùng dạy học, tăng cường ngoại khóa với gần 11.000 lượt trẻ tham gia; tổ chức hội thi “Bé khéo tay” với 348 trẻ tham gia; tổ chức thí điểm chương trình bé làm quen với máy tính, bé làm quen với ngoại ngữ.
Với việc triển khai một loạt chương trình mới, phương pháp dạy học mới đã có kết quả tích cực. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trên 8%, suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 3,8% so với đầu năm học.
Được thực hành, trải nghiệm, được cung cấp kiến thức và vui chơi hợp lứa tuổi, sự phát triển của trẻ tốt hơn và đó chính là “hành trang” đầy đủ về thể chất và tinh thần để trẻ bước vào cấp học phổ thông.
Ý kiến ()