Thành phố Bạc Liêu giúp dân thoát nghèo bền vững
Mấy năm gần đây, ngoài sự quan tâm đầu tư của tỉnh và Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) đã nỗ lực vượt lên tạo sự "đột phá" về phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng... Nhờ vậy, TP Bạc Liêu gần đây "thay da đổi thịt", tạo vị thế mới. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, thành phố vẫn còn một bộ phận hộ nghèo. Thành ủy, UBND thành phố Bạc Liêu đang nỗ lực giúp dân thoát nghèo bằng nhiều cách làm năng động, sáng tạo, hiệu quả cao, được người dân hoan nghênh, khen ngợi. Chúng tôi vừa có dịp trao đổi ý kiến với đồng chí Dương Thành Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bạc Liêu về vấn đề này.PV: Thưa đồng chí, chúng tôi được biết trong thời gian qua, Thành ủy thành phố Bạc Liêu rất chú trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; đồng thời nỗ lực đề ra nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo,...
PV: Thưa đồng chí, chúng tôi được biết trong thời gian qua, Thành ủy thành phố Bạc Liêu rất chú trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; đồng thời nỗ lực đề ra nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả giúp hộ nghèo cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Đồng chí cho biết, vì sao công tác này được Thành ủy xác định là mục tiêu trọng tâm sau đại hội Đảng bộ các cấp của tỉnh và sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI?
Đồng chí Dương Thành Trung:Trong mấy năm qua, Thành ủy, UBND thành phố Bạc Liêu đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm cao trong việc lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội; đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh đến địa phương hợp tác phát triển kinh tế, nhằm góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương; đồng thời, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, vững chắc cho người lao động, nhất là đối với hộ nghèo. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, do khó khăn chung của cả nước, nhất là trong thời kỳ suy giảm kinh tế và lạm phát tăng khá cao, nên một bộ phận nhân dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo càng gặp nhiều khó khăn hơn. Nhận rõ những thành tựu đạt được, những thuận lợi, khó khăn, hạn chế của địa phương, từ sau Đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Thành ủy Bạc Liêu đã đề ra chương trình, hành động, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Với tinh thần, trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân, chúng tôi phải thừa nhận, do khách quan và chủ quan, thành phố Bạc Liêu hiện vẫn còn không ít hộ nghèo. Theo số liệu thống kê mới nhất, thành phố hiện còn 2.443 hộ nghèo, 2.375 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 10% số dân. Đây là những hộ nghèo mà bản thân họ không thể tự lực vươn lên được, đang rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ bằng nhiều cách cụ thể, thiết thực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng…
PV: Về quan điểm chỉ đạo, biện pháp, cách giúp dân thoát nghèo ở thành phố Bạc Liêu hiện nay có gì mới và sáng tạo, nhằm đạt hiệu quả bền vững, thưa đồng chí?
Đồng chí Dương Thành Trung:Thành ủy, UBND thành phố Bạc Liêu luôn coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ hết sức quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt và có hiệu quả bền vững. Cụ thể, chúng tôi đã vận động các doanh nghiệp; phân công cán bộ, đảng viên cùng doanh nghiệp đến từng hộ nghèo, nắm chắc nguyên nhân, hoàn cảnh; đồng thời có biện pháp giúp hộ nghèo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Cách làm mới về giúp dân thoát nghèo lần này là: Chúng tôi vận động các doanh nghiệp, những hộ khá giả cùng tham gia với cấp ủy, chính quyền địa phương đến tận hộ nghèo xem xét, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể, từ đó tìm ra cách giúp đỡ như: trợ giúp vốn, phương tiện, tư liệu sản xuất, hướng dẫn cách thức làm ăn… Đối với những hộ nghèo có lao động nhưng chưa có việc làm, doanh nghiệp nhận vào đào tạo, hướng dẫn họ làm việc, tạo việc làm, thu nhập ổn định; đối với hộ thiếu phương tiện, thiếu tư liệu, doanh nghiệp trực tiếp hỗ trợ. Đối với đảng viên đang công tác tại các cơ quan thành phố đều nhận giúp đỡ hộ nghèo, hằng tháng phải có ba, bốn ngày về giúp đỡ bằng nhiều cách làm cụ thể 'cùng ăn, cùng ở, cùng làm'.
Bằng nhiều cách làm nêu trên, từ đầu năm đến nay, cán bộ, đảng viên cùng với doanh nghiệp đã giúp đỡ hơn 700 hộ nghèo ở thành phố. Đồng thời, để có nguồn lực thực hiện quỹ an sinh xã hội, hiện nay, thành phố Bạc Liêu đã và đang triển khai thực hiện dự án xây dựng 1.000 căn nhà cho người nghèo không có nhà ở, đất ở trên địa bàn; bình quân mỗi căn nhà trị giá 30 triệu đồng do Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam hỗ trợ.
Để thực hiện có hiệu quả cao chương trình, mục tiêu giúp dân thoát nghèo, chúng tôi chỉ đạo cán bộ, đảng viên cùng với doanh nghiệp thường xuyên phối hợp cán bộ ấp, khóm đến tận hộ nghèo (ít nhất một tháng đến tận nhà hộ nghèo hai lần để kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho hộ nghèo có thiết thực, hiệu quả hay không). Đồng thời, hằng tháng, hằng quý, hằng năm có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện; tổ chức hội nghị ký giao ước thi đua về công tác giảm hộ nghèo, giải quyết việc làm. Thường xuyên quan tâm, gần gũi với người nghèo, chăm lo người nghèo, hộ nghèo tốt hơn; phải biết tạo được mối quan hệ thân thiết, đoàn kết tương trợ lẫn nhau, truyền thống tương thân, tương ái giúp nhau giảm nghèo vươn lên khá, giàu. Với cách làm này, ngoài việc giúp hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống, vấn đề lớn hơn là đảng viên giúp dân, hiểu dân hơn; uy tín của Đảng ngày càng được củng cố; tình làng, nghĩa xóm ngày càng thắt chặt hơn. Đồng thời người nghèo, hộ nghèo cũng thấy được trách nhiệm của mình chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Mặt khác, chúng tôi tăng cường tuyên truyền, động viên, thuyết phục hộ nghèo phải có ý thức tự lực tự cường, kiên quyết khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của chính quyền và cộng đồng; hoặc có thái độ mặc cảm, tự ti, thiếu ý chí, quyết tâm vươn lên thoát cảnh đói nghèo, lạc hậu…
PV: Đã có nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tích cực ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả công tác giúp dân thoát nghèo ở thành phố Bạc Liêu trong thời gian vừa qua và hiện nay?
Đồng chí Dương Thành Trung:Để có được kết quả bước đầu nêu trên, phải khẳng định, đó là kết quả của việc chung tay góp sức rất lớn của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các nhà hảo tâm luôn luôn chia sẻ và đồng hành với người nghèo trên bước đường vượt khó. Nhìn chung, trong thời gian qua hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố đều tích cực tham gia đóng góp quỹ an sinh xã hội, giúp đỡ, ủng hộ người nghèo thoát nghèo có cuộc sống ổn định và vươn lên. Xin nêu một số doanh nghiệp điển hình đã có nhiều đóng góp về vật chất và đóng góp ý kiến 'hiến kế' giúp Thành ủy, UBND thành phố trong việc xóa đói, giảm nghèo, tiêu biểu như: Doanh nghiệp tư nhân Tiến Đạt, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tám Hồng, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Hoàng Phát, Doanh nghiệp tư nhân Phương Ngọc, Doanh nghiệp tư nhân Chí Tôn, cơ sở kinh doanh Tuấn Loan, cơ sở kinh doanh Thuận Thành, Hợp tác xã xây dựng Minh Phú…
Có thể nói, chưa bao giờ Thành ủy, UBND thành phố Bạc Liêu phát động sâu rộng, huy động cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… trong và ngoài thành phố tham gia chương trình, mục tiêu giúp hộ nghèo một cách sâu rộng, cụ thể như hiện nay. Với sự quyết tâm cao của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố, các xã, phường, đặc biệt lần này với sự tham gia hưởng ứng rất tích cực, hiệu quả của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, những 'mạnh thường quân' trong và ngoài thành phố cùng hăng hái, tích cực tham gia thành phong trào sôi nổi. Thành ủy chỉ đạo phân công cán bộ, đảng viên và vận động các doanh nghiệp nhận 'đỡ đầu' hộ nghèo; tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm; trao phương tiện, hỗ trợ vốn, hướng dẫn kinh nghiệm cho hộ nghèo làm ăn; xây dựng nhà đoàn kết; hỗ trợ về y tế; giáo dục… Nhờ cách làm đồng bộ, quyết tâm cao nêu trên, số hộ nghèo ở thành phố Bạc Liêu một vài năm gần đây giảm nghèo rất nhanh. Nhiều hộ đã tiết kiệm, chí thú làm ăn, không những thoát được nghèo mà còn trở thành khá giả, đồng thời tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giúp những hộ chưa thoát được nghèo…
PV: Đồng chí có thể nói đôi nét về ý nghĩa, hiệu quả chính trị, kinh tế – xã hội của việc giúp dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu ở địa phương?
Đồng chí Dương Thành Trung:Ý nghĩa lớn nhất theo tôi là qua việc làm này đã tạo được uy tín, củng cố niềm tin của dân đối với Đảng, tạo được sự hiểu biết, cảm thông, chia sẻ của đảng viên đối với người dân nhất là hộ nghèo, cán bộ, đảng viên gần dân hơn, hiểu dân hơn. Về chính trị – xã hội, với cách làm cụ thể quyết liệt này trong thời gian không xa, Bạc Liêu sẽ giảm nghèo nhanh và bền vững, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, thành phố sẽ không còn hộ nghèo.
Bên cạnh hiệu quả to lớn có ý nghĩa chính trị, kinh tế – xã hội, những cách làm nêu trên còn góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cách nghĩ và tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại của người nghèo, hộ nghèo; giúp họ biết tổ chức lại cuộc sống, chú trọng việc học chữ, học nghề, học cách làm ăn; gắn kết chặt chẽ công tác giảm nghèo với Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo để ngày càng có nhiều hộ khá và giàu, là mục tiêu, trách nhiệm cao của Đảng bộ và chính quyền thành phố Bạc Liêu.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Theo Nhandan
Ý kiến ()