LSO-Từ một đội thanh niên xung phong (TNXP) đầu tiên được thành lập ngày 15/7/1950 với 225 cán bộ, đội viên - sau phát triển lên đến 20 vạn người. Đây là lực lượng đặc biệt do Bác Hồ sáng lập ra, với nhiệm vụ vừa tích cực lao động sản xuất, vừa anh dũng chiến đấu mặt đối mặt với quân thù và bom đạn ác liệt của chúng, TNXP đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.Sinh thời, Bác Hồ kính yêu dù bận trăm công nghìn việc của đất nước, nhưng Bác luôn dành tình cảm đặc biệt quan tâm khuyến khích TNXP làm tròn nhiệm vụ của mình. Mỗi khi nhận được tin đơn vị và cá nhân TNXP lập chiến công, Bác rất vui và kịp thời gửi thư khen ngợi. Tình cảm của Bác đối với TNXP luôn là nguồn động viên lớn lao, khích lệ cán bộ, đội viên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Ngày 20/3/1951 khi đi kiểm tra công tác cầu đường ở các tỉnh Việt Bắc, Bác đến thăm Liên phân Đội 312 đang làm việc tại cầu Nà...
LSO-Từ một đội thanh niên xung phong (TNXP) đầu tiên được thành lập ngày 15/7/1950 với 225 cán bộ, đội viên – sau phát triển lên đến 20 vạn người. Đây là lực lượng đặc biệt do Bác Hồ sáng lập ra, với nhiệm vụ vừa tích cực lao động sản xuất, vừa anh dũng chiến đấu mặt đối mặt với quân thù và bom đạn ác liệt của chúng, TNXP đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu dù bận trăm công nghìn việc của đất nước, nhưng Bác luôn dành tình cảm đặc biệt quan tâm khuyến khích TNXP làm tròn nhiệm vụ của mình. Mỗi khi nhận được tin đơn vị và cá nhân TNXP lập chiến công, Bác rất vui và kịp thời gửi thư khen ngợi. Tình cảm của Bác đối với TNXP luôn là nguồn động viên lớn lao, khích lệ cán bộ, đội viên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Ngày 20/3/1951 khi đi kiểm tra công tác cầu đường ở các tỉnh Việt Bắc, Bác đến thăm Liên phân Đội 312 đang làm việc tại cầu Nà Cù (thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn). Tại đây, khi nói chuyện với TNXP, Bác ứng khẩu tặng TNXP 4 câu thơ nổi tiếng:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”.
Bốn câu thơ của Bác đã trở thành phương châm hành động của các thế hệ thanh niên Việt Nam trong mọi thời kỳ cách mạng. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngày 8/5/1954, Bác Hồ gửi thư khen ngợi bộ đội, dân công, TNXP và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ.
|
TNXP tiếp ứng cho tiền tuyến – Ảnh: Tư liệu |
Thực hiện lời dạy của Bác, suốt 3 nhiệm kỳ, với 10 năm (1965-1975) lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước đã lập nên những kỳ tích anh hùng, ghi đậm trang sử vẻ vang của phong trào thanh niên cách mạng Việt Nam. Trên những con đường chiến lược của miền Bắc, đặc biệt là tuyến đường Trường Sơn lịch sử, hàng trăm đoạn đường, hàng nghìn trọng điểm địch đánh phá ác liệt suốt ngày đêm như: Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); ga Lưu Xá (Thái Nguyên); Truông Bồn, Cầu Cấm (Nghệ An); Cua chữ A, phà Địa Lợi, ngầm Xuân Sơn, dốc Ba Trái, đường 15, đường 20…(Quảng Bình), đó là những địa danh lịch sử đời đời ghi sâu tội ác của giặc Mỹ, đời đời ghi đậm chiến công của TNXP Việt Nam.
Cùng với lực lượng TNXP cả nước, TNXP Lạng Sơn thời kỳ 1965-1975 có 2 Đội: Đội TNXP N57 – P24 thành lập ngày 25/7/1965 cả 3 nhiệm kỳ có 22 đại đội (trong đó có 10 đại đội là TNXP tỉnh Hải Dương) toàn đội có 3413 cán bộ, đội viên (1783 cán bộ, đội viên là TNXP Hải Dương). Đội TNXP N341- P24, thành lập ngày 25/2/1973, có 12 đại đội với hơn 1600 cán bộ, đội viên. TNXP chống Mỹ cứu nước Lạng Sơn được phân công đảm nhiệm nhiệm vụ đảm bảo giao thông, giữ vững “cảng nổi” trên địa bàn Lạng Sơn. Khi Cảng biển hải Phòng bị phong tỏa, Lạng Sơn trở thành “cảng nổi” của cả nước, là nơi tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm, súng đạn, xăng dầu… phục vụ cho chiến trường. Do vậy Lạng Sơn là trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Các tuyến đường 1A từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Bến Lường (Hữu Lũng); quốc lộ 4A, 4B, 1B… đều có lực lượng TNXP chốt trụ ở trọng điểm. Năm 1972, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt các trọng điểm: Sông Hóa, Bến Lường, Đồng Bành, Mỏ Chảo, Đèo Bén…chúng dùng B52 rải thảm, hòng cắt đứt mạch máu giao thông, ngăn chặn sự chi viện của cảng nổi cho chiến trường. Trong mọi tình huống, bất kể ngày hay đêm, TNXP Lạng Sơn luôn dũng cảm, kiên cường bám trọng điểm, vừa phục vụ chiến đấu, vừa đảm bảo giao thông, san lấp hố bom, mở đường cho xe vận chuyển hàng chiến lược ra chiến trường và bảo vệ cảng nổi an toàn.
Có thể nói, trong các thời kỳ cách mạng TNXP Việt Nam nói chung, TNXP Lạng Sơn nói riêng đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Được Đảng, Nhà nước và quân đội đánh giá cao vai trò của lực lượng TNXP –Một đội quân xung kích cách mạng, luôn gắn bó, sát cánh cùng bộ đội chủ lực bám sát chiến trường, phục vụ bộ đội, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần tích cực vào thắng lợi của các chiến dịch. Nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Chính phủ, các cấp bộ đoàn tặng nhiều phần thưởng cao quý, nhiều cán bộ, đội viên trưởng thành trong “trường học” của TNXP đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, cán bộ các cơ quan, ban, ngành… có người trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Cán bộ, hội viên trở về địa phương luôn phát huy truyền thống của lực lượng TNXP, gương mẫu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Toàn lực lượng luôn xứng đáng với phần thưởng mà Đảng, Nhà nước phong tặng cho TNXP: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Bích Thuận
Ý kiến ()