Thanh niên vượt khó khăn lập thân, lập nghiệp trên quê hương
Anh Trịnh Đức Lợi hướng dẫn kỹ thuật may cho các bạn trẻ trong thôn. Từ nhiều năm nay, các cấp bộ đoàn trong cả nước đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động khác nhau nhằm "giữ" thanh niên ở lại lập nghiệp trên quê hương. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, số lượng thanh niên rời bỏ nơi "chôn nhau cắt rốn" đề lập nghiệp nơi xa nhiều, nhưng tại địa phương vẫn xuất hiện những mô hình và cách làm hiệu quả.Tại Hải Phòng, nhờ sự năng động, tâm huyết của tổ chức Đoàn, đã có những bạn trẻ quyết tâm vượt qua khó khăn để lập thân, lập nghiệp trên quê hương.Nỗ lực hỗ trợ thanh niênTìm đến thăm nhà của Trịnh Đức Lợi (thôn Đồng Quan, xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo) đúng lúc người thanh niên này đang hướng dẫn một bạn nữ cùng thôn kỹ thuật may trên máy may công nghiệp. Chung quanh, 10 nữ thanh niên khác đang miệt mài làm việc với tiếng máy may dồn dập. Dẫn mọi người vào thăm xưởng, Lợi vui vẻ nói: Thành quả của tôi sau gần ba năm lập nghiệp đấy! Bây giờ,...
Anh Trịnh Đức Lợi hướng dẫn kỹ thuật may cho các bạn trẻ trong thôn. |
Tại Hải Phòng, nhờ sự năng động, tâm huyết của tổ chức Đoàn, đã có những bạn trẻ quyết tâm vượt qua khó khăn để lập thân, lập nghiệp trên quê hương.
Nỗ lực hỗ trợ thanh niên
Tìm đến thăm nhà của Trịnh Đức Lợi (thôn Đồng Quan, xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo) đúng lúc người thanh niên này đang hướng dẫn một bạn nữ cùng thôn kỹ thuật may trên máy may công nghiệp. Chung quanh, 10 nữ thanh niên khác đang miệt mài làm việc với tiếng máy may dồn dập. Dẫn mọi người vào thăm xưởng, Lợi vui vẻ nói: Thành quả của tôi sau gần ba năm lập nghiệp đấy! Bây giờ, các chị em thạo nghề lắm rồi, có thể vừa làm việc, vừa giúp nhau kỹ thuật may.
Con đường trở thành “ông chủ trẻ” của Lợi không dễ dàng. Năm 2008, khi đang là Bí thư Chi đoàn thôn, theo “tiếng gọi của thời cuộc”, Lợi cùng bạn bè rời quê hương đi làm công nhân trong nhà máy sản xuất đệm. Những ngày tháng đó, dù làm việc liên tục, gần như không có ngày nghỉ nhưng thu nhập chẳng là bao. Thấy không hiệu quả, anh quyết định trở về quê hương để mở hướng sản xuất mới với những kinh nghiệm tích lũy được. Những ngày đầu, vay mượn khắp nơi, Đức Lợi mua được năm máy may công nghiệp và tạo việc làm cho năm bạn trẻ khác trong Chi đoàn. Lúc đó, công việc có tiến triển nhưng như Lợi nói thì “chẳng khác nào con rùa đang bò”. Muốn phát triển nhanh thì rất cần vốn nhưng anh lại không biết tìm đâu ra, vay vốn ngân hàng thì không thể được vì chưa nhìn thấy khả năng hoàn trả. Đúng thời điểm đó, các cán bộ Đoàn xã Dũng Tiến, Huyện đoàn Vĩnh Bảo và Thành đoàn Hải Phòng.hỗ trợ, giúp anh xây dựng một dự án vay vốn với lãi suất ưu đãi là 0,65%/tháng. Chỉ sau 25 ngày, Đức Lợi đã có số vốn 75 triệu đồng và xưởng may của anh có thêm 15 máy may khác… Nhờ vậy, công việc cũng “chạy” nhanh hơn rất nhiều. Lợi nói: Sự thành công của tôi ngày nay, có 50% đóng góp của tổ chức Đoàn. Trước kia, khi rời quê hương đi làm công nhân, tôi thu nhập ba triệu đồng/tháng. Nay mỗi tháng, thu nhập của tôi khoảng từ 15 đến 20 triệu đồng. Mỗi bạn trẻ làm tại xưởng may của Lợi được anh trả công từ 2,3 đến 2,7 triệu đồng/người/tháng.
Đến thôn Việt Tiến, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, mọi người dễ dàng tìm được cơ sở sản xuất nhôm kính của anh Hoàng Văn Tuấn. Có quy mô sản xuất và nguồn vốn đầu tư lớn hơn Đức Lợi nhưng Tuấn cho biết: “Trong lúc khó khăn nhất, “bí” vốn nhất thì tổ chức Đoàn đã đến với tôi và tạo điều kiện giúp vay 120 triệu đồng”. Số tiền đó đã lập tức được đầu tư vào sản xuất và góp phần quan trọng giúp anh tháo gỡ khó khăn, trở ngại vào thời điểm đó. Tuấn nói: So với tổng số vốn đầu tư hơn một tỷ đồng thì số tiền tổ chức Đoàn cho vay tuy không nhiều nhưng rất đúng thời điểm. Tôi không thể quên được những ngày khó khăn đó và sự xuất hiện kịp thời của tổ chức Đoàn thật sự là chiếc phao, cứu tôi trong lúc khó khăn nhất. Tuấn không chỉ được Thành đoàn Hải Phòng trợ giúp xây dựng dự án vay vốn mà còn được Huyện đoàn Kiến Thụy, Đoàn xã Đại Hợp giới thiệu khách hàng, mở rộng quan hệ để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hiện Tuấn đang giải quyết việc làm cho bảy thanh niên trong xã với mức lương 150 nghìn đồng/người/ngày. Điều đáng trân trọng tại cơ sở sản xuất của Văn Tuấn là việc anh đang giúp Hoàng Văn Dương, một thanh niên trong xã từng có tiền sự, vào làm việc. Không chỉ định hướng cho Dương phục thiện, Tuấn còn giúp bạn trẻ này học nghề và hiện nay, Dương đang là thợ chính của xưởng sản xuất.
Tổ chức Đoàn phải là bạn của thanh niên
Là người có nhiều năm gắn bó với các chương trình hỗ trợ thanh niên, Bí thư Thành đoàn Hải Phòng Bùi Đức Quang cho biết thêm: Tổng các nguồn vốn hỗ trợ đoàn viên, thanh niên của thành phố hiện nay là hơn 134 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là nguồn vốn ủy thác qua Tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn thanh niên theo dõi và quản lý là hơn 50 tỷ đồng; ít nhất là nguồn vốn giải quyết việc làm của Quỹ quốc gia về việc làm với hơn 2,5 tỷ đồng… Từ số vốn này, Thành đoàn đã giúp được không ít bạn trẻ xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, qua đó, gắn bó, quyết tâm lập nghiệp trên quê hương.
Trong thực tế, vấn đề huy động các nguồn vốn khác nhau hỗ trợ thanh niên lập nghiệp luôn được các tỉnh, thành đoàn quan tâm, chú trọng bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp tổ chức Đoàn đến với thanh niên và để thanh niên gắn bó với tổ chức Đoàn. Tại Vĩnh Bảo và Kiến Thụy, các đồng chí Bí thư Huyện đoàn và Bí thư các đoàn xã đều bày tỏ mong muốn thiết tha được đầu tư nhiều nguồn vốn hơn nữa để trợ giúp thanh niên Hải Phòng ở lại quê hương lập nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc tổ chức Đoàn cơ sở sẽ mạnh lên nhờ có thêm lực lượng và sức trẻ. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn thì rất lớn trong khi số vốn thì còn rất ít… Trao đổi ý kiến về vấn đề “nóng” này, Phó Bí thư Thành đoàn Hải Phòng Lê Trí Vũ cho biết: Có nhiều khó khăn trong việc trợ giúp thanh niên vay vốn. Đó là việc vốn dự án đến hạn phải trả hết gốc và lãi ngân hàng mới tiếp tục được nhận dự án mới, tổ chức thẩm định nên mất rất nhiều thời gian quay vòng vốn cho thanh niên. Vì ngân hàng quy định phân kỳ trả nợ nên dự án đã duyệt bị “xé” nhỏ trong kỳ hạn cho vay, lượng vốn nhỏ cho nên không đủ điều kiện để lập dự án mới khả thi…
Trước thực trạng này, Ban Thường vụ Thành đoàn Hải Phòng thường xuyên khảo sát nhu cầu vay vốn của thanh niên để từ đó phối hợp hệ thống ngân hàng chính sách xã hội hướng dẫn các bạn trẻ xây dựng các dự án phù hợp điều kiện thực tế, giải ngân nhanh. Cùng với đó, Thành đoàn tiến hành quản lý chặt nguồn vốn, thu hồi đúng kỳ hạn các dự án đến hạn, không để nợ quá hạn phát sinh. Nhờ cách làm chặt chẽ, chủ động này, riêng nguồn vốn 120 do Thành đoàn quản lý dù rất ít nhưng đã giúp 29 dự án sản xuất của thanh niên đi vào hoạt động và giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 360 bạn trẻ khác. Nguồn vốn ủy thác qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đã giúp 4.138 hộ được vay và phát triển tốt các loại hình sản xuất…
Các cán bộ Thành đoàn Hải Phòng đều chung một mong muốn là tạo được nhiều nguồn vốn ưu đãi hơn nữa dành cho thanh niên. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc người cán bộ Đoàn cần tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, trong sáng để nguồn vốn đến kịp thời và giúp được nhiều thanh niên hơn nữa.
Theo Nhandan
Ý kiến ()