Thanh niên Lạng Sơn: Sôi nổi các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa
– Hướng về các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, gia đình người có công, thời gian qua, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã có nhiều công trình, phần việc cụ thể, thiết thực thể hiện truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kim (91 tuổi), phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Chiều 19/7 vừa qua, tôi được các cháu thanh niên Tỉnh đoàn đến thăm, tặng quà và động viên; trước đó, các cháu thanh niên thành phố cũng giúp đỡ, hỗ trợ gia đình tôi sữa chữa, dọn dẹp vệ sinh nhà ở. Đây là nguồn động viên rất lớn đối với tôi và gia đình. Không chỉ thăm, tặng quà gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kim, trong những ngày tháng 7/2022, Đoàn Thanh niên toàn tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm tri ân những gia đình có công với cách mạng, với đất nước. Đơn cử như thanh niên thành phố Lạng Sơn đã hỗ trợ kinh phí và công lao động giúp cựu thanh niên xung phong sửa chữa nhà ở; vệ sinh khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ; hỗ trợ người có công khám sức khỏe tại các phòng khám…
Thanh niên xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn vệ sinh nghĩa trang liệt sỹ thành phố
Chị Đinh Thị Anh Thư, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Đền ơn đáp nghĩa – uống nước nhớ nguồn” là điểm nhấn nổi bật trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu niên trong những năm qua. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xây dựng kế hoạch với nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục về truyền thống, lịch sử của quê hương; gắn công tác “Đền ơn đáp nghĩa” với các phong trào hành động của đoàn.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống vẻ vang của dân tộc, sự cống hiến, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ được triển khai phong phú nhân các ngày lễ, dịp kỷ niệm trong năm như: giải phóng miền Nam (30/4), ngày thương binh liệt sỹ (27/7), Quốc khánh (2/9)… Các hoạt động như: gặp gỡ nhân chứng lịch sử; nói chuyện truyền thống; tham quan di tích lịch sử; liên hoan ca khúc cách mạng; sinh hoạt chuyên đề thường xuyên được các cấp bộ đoàn tổ chức. Mỗi câu chuyện chân thực về những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước đã khơi dậy và củng cố truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong đoàn viên, thanh thiếu niên.
Không chỉ tuyên truyền, giáo dục, tổ chức đoàn các cấp còn tập trung triển khai các hoạt động tình nguyện chăm sóc, giúp đỡ người có công, thương bệnh binh trên địa bàn tỉnh. Công tác chăm sóc người có công được lồng ghép triển khai với tất cả các phong trào, hành động của đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Mỗi đối tượng lại có những hoạt động phù hợp như: thiếu nhi thường xuyên thăm, hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường cho người có công, di tích, đài tưởng niệm; đoàn viên thanh niên tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, hỗ trợ người có công sửa chữa nhà ở, thu hoạch nông sản, chăm sóc vườn rừng… Đặc biệt, tháng 7 hằng năm luôn được chọn là tháng cao điểm tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa của tuổi trẻ toàn tỉnh. Trong dịp này, 100% cơ sở đoàn, tổ chức đoàn các cấp đều tổ chức, triển khai các công trình, phần việc nổi bật là hoạt động giúp đỡ, thăm hỏi gia đình chính sách, tổ chức hành trình về nguồn.
Từ năm năm 2020 đến nay, tuổi trẻ toàn tỉnh đã thăm, tặng hơn 4.000 suất quà cho các gia đình chính sách trị giá hơn 2 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 4 căn nhà cho thương binh trị giá hơn 200 triệu đồng; tặng 160 suất học bổng cho con em gia đình chính sách; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 5.000 lượt người có công; giúp đỡ hơn 10.000 ngày công lao động cho các gia đình chính sách sửa chữa nhà ở, thu hoạch nông sản, khắc phục hậu quả sau mưa, bão… với hơn 30.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia. Cùng đó, đoàn thanh niên các cấp cũng tổ chức hơn 800 hoạt động dọn vệ sinh môi trường tại các khu tưởng niệm, 500 hành trình về nguồn với hàng chục nghìn lượt đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia.
Chị Lương Hồng Thắng, đoàn viên thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Mỗi khi đến thăm hay giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công được nghe họ kể về những cống hiến của bản thân và gia đình tôi được biết nhiều hơn về sự tàn khốc của chiến tranh và giá trị của hòa bình. Từ đó, càng tích cực rèn luyện bản thân và tham gia các hoạt động tri ân, tình nguyện.
Chiến tranh đã qua đi nhưng những mất mát, thương đau vẫn luôn còn đó. Trách nhiệm của thế hệ trẻ Lạng Sơn là “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”, xoa dịu nỗi đau chiến tranh và lấy đó làm động lực để rèn luyện, cống hiến phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha anh đi trước.
Chiến tranh đã qua đi nhưng những mất mát, thương đau vẫn luôn còn đó. Trách nhiệm của thế hệ trẻ Lạng Sơn là “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”, xoa dịu nỗi đau chiến tranh và lấy đó làm động lực để rèn luyện, cống hiến phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha anh đi trước. |
Ý kiến ()