Thanh niên Hữu Lũng: Lan tỏa phong trào khởi nghiệp
– Nghiên cứu thị trường, tìm hiểu điều kiện đất đai, khí hậu, chủ động học hỏi các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao từ các địa phương khác, thanh niên trên địa bàn huyện Hữu Lũng đang tích cực thi đua phát triển kinh tế, khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
Huyện Hữu Lũng hiện có 80 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi với thu nhập từ 100 đến 500 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, những thanh niên này còn hỗ trợ, giúp đỡ 20 thanh niên yếu thế, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Điều đó cho thấy tinh thần xung kích, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện trong phong trào khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Có thể kể đến những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu như: trồng nấm của anh Hoàng Trọng Vinh, xã Yên Sơn; sản xuất than sạch của đoàn viên Lý Văn Vương, xã Tân Thành; nuôi vịt lấy trứng của anh Hoàng Văn Cảnh, xã Hữu Liên; nuôi cá lăng thương phẩm của anh Vi Ba Linh, xã Yên Sơn…
Thanh niên Hữu Lũng tham quan mô hình trồng rau hữu cơ tại HTX nông nghiệp huyện Hữu Lũng
Anh Hoàng Văn Cảnh, thôn Ba Lẹng, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng bắt tay vào khởi nghiệp từ năm 2019 với mô hình nuôi vịt đẻ trứng. Để thành công, anh đã trực tiếp đến những trại giống uy tín tại Bắc Giang tham khảo, lựa chọn con giống. Bên cạnh chọn con giống tốt, khỏe mạnh thì quá trình nuôi, anh đặc biệt quan tâm đến nguồn thức ăn, phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại… Hiện anh đang nuôi hơn 1.500 con vịt đẻ, mỗi ngày thu trên 1.000 quả trứng. Với giá bán 2.500 đồng/quả, mỗi tháng thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Để vịt có thêm nguồn dinh dưỡng, đẻ trứng thường xuyên, anh đã đầu tư nuôi thêm sâu can xi và ruồi lính đen. Bên cạnh phục vụ thức ăn cho đàn vịt của gia đình, anh còn bán giống, thành phẩm cho những hộ chăn nuôi khác để tăng thu nhập. Anh Hoàng Văn Cảnh cho biết: Để thành công thì bản thân mình phải thực sự nghiêm túc với mục tiêu đã đề ra, không nản trí khi thất bại. Cùng với đó, luôn chủ động học hỏi, tìm hiểu kiến thức từ các nguồn khác nhau để mô hình được vận hành có hiệu quả.
Nhằm tạo môi trường cho thanh niên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp, Huyện đoàn Hữu Lũng đã thành lập Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp cấp huyện với 57 thành viên; duy trì hoạt động của 26 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế tại các xã, thị trấn. Các thành viên, câu lạc bộ thường xuyên giao lưu, tư vấn, giới thiệu các mô hình hay, truyền cảm hứng, tinh thần khởi nghiệp cho ĐVTN trên địa bàn. Nhờ vậy, “làn sóng khởi nghiệp” đã lan rộng và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong ĐVTN.
Chị Nguyễn Tố Nga, Bí thư Huyện đoàn Hữu Lũng cho biết: mỗi năm, huyện đoàn đều cho thanh niên đăng ký và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt theo yêu cầu. Sau mỗi lớp tập huấn, chúng tôi đều tổ chức tham quan mô hình cho hiệu quả kinh tế cao của thanh niên để các bạn học hỏi kinh nghiệm và có những ý tưởng cho riêng mình. Cùng đó, từ năm 2019 đến nay, mỗi năm, chúng tôi đều tổ chức hội thi thanh niên khởi nghiệp với mục tiêu là hỗ trợ thanh niên trên địa bàn hiện thực hóa ý tưởng. Do đó, cuộc thi đã thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Từ khi triển khai đến nay, huyện đoàn đã kết nối hỗ trợ cho hơn 20 thanh niên khởi nghiệp từ cuộc thi.
Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, Huyện đoàn Hữu Lũng đã tổ chức 10 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; 2 lớp tập huấn chương trình mỗi xã một sản phẩm, hơn 10 lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… cho hơn 1.500 lượt ĐVTN tham gia. Bên cạnh đó, huyện đoàn luôn khuyến khích ĐVTN thực hành nông nghiệp tốt, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, nhiều mô hình đã đạt tiêu chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, 4 sao như: na Yên Sơn; than sạch Minh Vương; rượu men lá Mỏ Heo…
Thời gian tới, Huyện đoàn Hữu Lũng sẽ tiếp tục tìm các nguồn hỗ trợ để giúp thanh niên khởi nghiệp; duy trì cuộc thi khởi nghiệp để bồi dưỡng và khuyến khích các mô hình phát triển hơn nữa. Cùng với đó, chủ động liên hệ với các nhà khoa học, người có chuyên môn trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt để hỗ trợ, hướng dẫn ĐVTN triển khai các mô hình cũng như có thêm ý tưởng mới để khởi nghiệp.
Ý kiến ()