Tại các buổi sinh hoạt, những cá nhân điển hình trong phát triển kinh tế lại chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình lao động sản xuất, để từ đó đoàn viên có thể áp dụng linh hoạt vào điều kiện của gia đình mình. Cùng với hỗ trợ kiến thức, đoàn viên thanh niên còn hỗ trợ nhau về con giống, vốn sản xuất… Để thanh niên có vốn mở rộng quy mô sản xuất, Đoàn xã đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay, tổng dư nợ đạt 276 triệu đồng.
LSO-Con sông Kỳ Cùng uốn lượn chia cắt xã Lục Thôn với thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình. Mọi hoạt động giao lưu, trao đổi hàng hóa đều khó khăn, chính vì vậy, đây trở thành vật cản lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của xã.
Trong vài năm trở lại đây, tình trạng lao động tại một số huyện biên giới sang Trung Quốc làm thuê diễn ra tương đối phổ biến, trong đó, tập trung nhiều ở huyện Lộc Bình, tuy nhiên, tại xã Lục Thôn số thanh niên đi làm thuê tại các địa phương khác lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
|
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Lâm Văn Cao thôn Nà Lẩm, xã Lục Thôn (Lộc Bình) |
Anh Lâm Văn Sinh, Bí thư Đoàn xã cho biết: Do trình độ còn hạn chế, nên thanh niên trong xã chủ yếu chỉ phụ giúp gia đình trong công việc đồng áng, chưa chủ động trong việc tìm ra hướng đi để thoát nghèo, trong khi diện tích đất sản xuất còn rất lớn, Đoàn thanh niên cùng với cấp ủy, chính quyền xã đã chủ động tuyên truyền, vận động thanh niên khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tích cực lao động, sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng ngay tại mảnh đất quê hương. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Đến thăm gia đình anh Lâm Văn Cao, thôn Nà Lấm, xã Lục Thôn đúng vào lúc anh vừa xuất chuồng lứa vịt 200 con, hiện đang bắt tay vào thu hoạch vụ cá, trong chuồng 10 con lợn cũng sắp đến thời kỳ xuất chuồng. Nhìn cơ ngơi của anh chúng tôi thầm khâm phục người thanh niên giàu chí hướng này.
Trên ao cá rộng gần 5 sào, anh tận dụng dựng thêm 3 chuồng nuôi vịt, vừa tạo phân cho cá vừa là môi trường thuận lợi để vịt phát triển. Khu vườn sát ao được trồng đủ thứ rau và cây ăn quả lúc nào cũng xanh tốt, cùng với đó là sắn, ngô làm thức ăn cho chăn nuôi. Trong chuồng nhà anh lúc nào cũng có hơn chục con vừa lợn nái vừa lợn thịt, và phát triển thêm nghề rừng… Anh tâm sự: Sinh ra và lớn lên trong gia đình có đông anh em mà chỉ dựa vào 2 vụ lúa nên cuộc sống quanh năm vất vả, thiếu thốn. Khi xây dựng gia đình, tách hộ ra ở riêng khó khăn lại càng chồng chất với đôi vợi chồng trẻ.
Qua tìm hiểu, nghiên cứu từ các mô hình kinh tế, anh đã áp dụng thành công vào điều kiện gia đình. Hiện nay, thu nhập ổn định, con cái được học hành tử tế anh lại dốc sức cùng các cán bộ đoàn giúp thanh niên trong xã làm kinh tế. Ngoài anh Cao, xã Lục Thôn còn có nhiều thanh niên làm kinh tế giỏi như anh Hoàng Văn Thiết với mô hình chăn nuôi vịt thịt, thả cá; anh Hoàng Văn Thụ phát triển vườn ươm… cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình.
Nói về giải pháp giúp thanh niên phát triển kinh tế anh Lâm Văn Sinh chia sẻ: Đoàn xã đã tuyên truyền cho thanh niên ý thức thoát nghèo qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, thăm dò nhu cầu của thanh niên về nghề nghiệp và việc làm, từ đó phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp dạy nghề cho thanh niên.
Tại các buổi sinh hoạt, những cá nhân điển hình trong phát triển kinh tế lại chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình lao động sản xuất, để từ đó đoàn viên có thể áp dụng linh hoạt vào điều kiện của gia đình mình. Cùng với hỗ trợ kiến thức, đoàn viên thanh niên còn hỗ trợ nhau về con giống, vốn sản xuất… Để thanh niên có vốn mở rộng quy mô sản xuất, Đoàn xã đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay, tổng dư nợ đạt 276 triệu đồng.
Có vốn nhiều thanh niên đã tích cực sản xuất, xóa đói giảm nghèo, hiện toàn xã có 76 đoàn viên, thanh niên, trong đó, trên 60% số hộ có mức thu nhập ổn định, kinh tế phát triển bền vững, đời sống vật chất, tinh thần đạt mức khá so với mặt bằng chung của xã. Hiện toàn xã còn 17 hộ đoàn viên thanh niên là hộ nghèo, trong thời gian tới, Đoàn xã sẽ tiếp tục hướng dẫn hỗ trợ trong việc sử dụng, quản lý nguồn vốn cũng như tăng cường mở các lớp tập huấn dạy nghề, động viên những thanh niên làm kinh tế giỏi tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật để thanh niên có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Hoàng Vương
Ý kiến ()