Thành lập công đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước: Còn lắm gian nan
(LSO) – Phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức công đoàn, tuy nhiên, hiện nay, công tác này còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (NKVNN).
Hiện toàn tỉnh có trên 2.700 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với gần 6.000 công nhân lao động, đây là một trong những thuận lợi cơ bản cho việc phát triển đoàn viên và thành lập các công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn không ít khó khăn.
Có dịp theo chân đoàn công tác của LĐLĐ huyện Chi Lăng đến từng doanh nghiệp vận động người lao động gia nhập công đoàn chúng tôi mới hiểu được khó khăn, vất vả của những người làm công tác này. Có những doanh nghiệp dựa vào quy định “thành lập trên cơ sở tự nguyện” để trì hoãn, thờ ơ, thậm chí gây khó dễ trong thành lập công đoàn. Ngay cả khi có quy định doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn vẫn phải trích nộp kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ lương của người lao động thì doanh nghiệp vẫn không hề nao núng vì chưa có chế tài xử phạt trường hợp không thực hiện. Không chỉ khó khăn từ phía doanh nghiệp mà bản thân người lao động cũng chưa hiểu rõ những quyền lợi mà mình được hưởng khi tham gia công đoàn.
Lãnh đạo LĐLĐ huyện Cao Lộc xuống cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động tại Công ty TNHH Xuất khẩu Hoa hồi Lạng Sơn
Thành phố Lạng Sơn là nơi tập trung số lượng lớn doanh nghiệp, tuy nhiên, công tác vận động thành lập CĐCS cũng gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Bá Khoa, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Lạng Sơn cho biết: Ngay từ đầu năm 2018, LĐLĐ thành phố đã xây dựng kế hoạch, phối hợp rà soát danh sách doanh nghiệp trên địa bàn và tiếp cận, tuyên truyền vận động 6 đơn vị đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ thành lập được 1 CĐCS doanh nghiệp do nhiều nguyên nhân như: số lượng người lao động không ổn định, hoạt động không tập trung, chưa có nguyện vọng…
Bên cạnh đó là những nguyên nhân khách quan như: phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng ít lao động, một số hoạt động mang tính thời vụ, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê, năm 2018, toàn tỉnh có 135 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 40% so với năm 2017); 94 doanh nghiệp giải thể (tăng 30%).
Bà Lương Thị Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xứ Lạng (huyện Cao Lộc) cho biết: Dù luôn quan tâm đến quyền lợi của người lao động và muốn sớm thành lập tổ chức công đoàn nhưng do doanh nghiệp của chúng tôi quy mô nhỏ, lao động không nhiều, chủ yếu là lao động thời vụ, không ổn định (hiện có 7 người là lao động thường xuyên còn lại 6 người cao tuổi làm theo thời vụ) nên không thuận lợi để thành lập tổ chức công đoàn.
Cùng với đó, năng lực tuyên truyền, vận động của cán bộ tại một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc làm thay đổi tư duy, nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn vẫn còn hạn chế.
Năm 2018, toàn tỉnh mới chỉ vận động thành lập được 8 CĐCS doanh nghiệp NKVNN (đạt 44,4% chỉ tiêu đề ra), nâng tổng số CĐCS doanh nghiệp NKVNN lên 141 đơn vị, kết nạp 272 đoàn viên. Trong đó, Công đoàn ngành y tế, LĐLĐ thành phố Lạng Sơn, LĐLĐ các huyện: Chi Lăng, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Lãng, Tràng Định… đều không đạt chỉ tiêu được giao.
Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh còn 72 doanh nghiệp NKVNN có trên 10 lao động nhưng chưa thành lập được tổ chức công đoàn. Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo đội ngũ cán bộ công đoàn bám sát doanh nghiệp, thường xuyên khảo sát, nắm chắc tình hình hoạt động, số lượng công nhân lao động; nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()