Thành lập cơ quan giám sát toàn cầu theo dõi việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí methane
Ngày 31/10, Liên hợp quốc (UN) và Liên minh châu Âu (EU) đã ra mắt một cơ quan giám sát toàn cầu nhằm theo dõi việc tuân thủ các cam kết cắt giảm lượng khí methane (CH4) gây hiệu ứng nhà kính của các chính phủ trên thế giới.
Cùng với giảm phát thải CO2, việc kiểm soát phát thải khí methane được cho là sẽ góp phần không nhỏ vào nỗ lực hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu.
Đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, nơi mà các chính phủ đang lên kế hoạch quản lý chặt chẽ hơn, phát thải khí methane ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm bởi loại khí này có khả năng làm Trái đất nóng lên cao hơn gấp 80 lần so với CO2, nhưng thời gian tồn tại trong khí quyển lại ngắn hơn.
“Khí methane chịu trách nhiệm khoảng 30% sự nóng lên toàn cầu kể từ thời kỳ tiền công nghiệp”, Ủy viên phụ trách vấn đề năng lượng của EU Kadri Simson cho biết.
Theo bà Simson, các hệ thống hiện tại không cho phép xác định đủ chính xác nguồn gốc và khối lượng phát thải khí methane trên toàn cầu.
Việc đo lường chất khí không màu và không mùi khi nó thoát ra từ các bãi rác, cơ sở hạ tầng dầu khí và hệ tiêu hóa của gia súc rất phức tạp và đòi hỏi phải có các cảm biến trên mặt đất, hình ảnh vệ tinh và phần mềm để phân tích dữ liệu.
Theo đó, Trạm quan sát phát thải khí methane quốc tế (IMEO) mới được thành lập có nhiệm vụ cung cấp những dữ liệu đáng tin cậy để theo dõi tiến độ của các chính phủ trong việc thực hiện các cam kết cắt giảm khí methane cũng như thúc đẩy các thông lệ tốt nhất.
Cơ quan này sẽ không nhận sự tài trợ của ngành, nhưng có thể dựa vào nguồn dữ liệu được cung cấp tự nguyện bởi các công ty nhiên liệu hóa thạch đại diện cho dưới 1/3 sản lượng dầu khí toàn cầu và đã cam kết cắt giảm phát thải khí methane.
Theo Nhandan
Ý kiến ()