Thành lập 8 đội ứng phó nhanh với cúm A
Trước diễn biến của dịch cúm gia cầm, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thành lập 5 đoàn kiểm tra các tỉnh biên giới phía Bắc gồm Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh là những nơi có nguy cơ tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc.
Theo tin từ Cục Thú y, đến ngày 24/2, ngoài 7 ổ dịch cúm gia cầm tại 6 tỉnh chưa qua 21 ngày gồm Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Quảng Ngãi, trên địa bàn cả nước không ghi nhận thêm ổ dịch nào cũng như gia cầm mắc mới.
Cục Thú y đã thành lập các đoàn công tác đang đi kiểm tra công tác phòng chống bệnh cúm gia cầm tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên và Hà Nội. Đồng thời thành lập 8 đội ứng phó nhanh để xử lý khi phát hiện virus cúm A/H7N9 tại Việt Nam.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y đề nghị, đối với các tỉnh biên giới phía Bắc, cần tăng cường kiểm tra các đầu nậu, đường dây buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, các điểm giết mổ gia cầm trái phép ở biên giới, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong việc tập kết, vận chuyển buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc. Ông Thành cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần thực hiện đầy đủ quy trình phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Cục Thú y khuyến cáo người dân cần mua con giống ở những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, có kiểm soát của lực lượng thú y, tránh mua con giống trôi nổi ngoài thị trường vì có nguy cơ mang mầm bệnh cúm gia cầm. Trong quá trình chăn nuôi cần báo cáo ngay với cơ quan thú y và chính quyền địa phương nơi gần nhất nếu phát hiện thấy tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm bất thường hoặc phát hiện thấy gia cầm ốm chết.
Hiện virus cúm gia cầm A/H7N9 chưa có ở Việt Nam nhưng có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Thực tế, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện và bắt giữ một số vụ buôn lậu gia cầm sống. Ngày 17/2, lực lượng hải quan Lạng Sơn đã bắt giữ 1.700 con vịt, bàn giao cho cơ quan kiểm dịch tiêu hủy. Trước đó, vào tối 7/2, lực lượng quản lý thị trường Chi Lăng (Lạng Sơn) cùng các cơ quan chức năng đã phát hiện 6.500 con vịt giống được nhập lậu từ Trung Quốc.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()