Thanh Hóa vững bước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Được phù sa sông Mã, sông Chu bồi đắp, Thanh Hóa xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu.Ngoài nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương, người nông dân luôn trăn trở, năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tìm hướng nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác. Với sản lượng đạt ngưỡng 1,6 triệu tấn, Thanh Hóa cơ bản tự túc được lương thực. Ông Đinh Xuân Tiến ở thôn Tráng, xã Lâm Xá, huyện Bá Thước tâm sự: Đồng bào được hưởng nhiều chính sách an sinh, nhất là các chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất nên số hộ nghèo trong thôn giảm nhanh và ngày nay không còn tình trạng nông dân vào rừng đào củ ấu, củ mài ăn đỡ bữa nữa. Giữa năm 2010 đồng đất bị hạn nặng nông hộ chuyển diện tích không chủ động được nước tưới sang trồng mía, thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha. Tưởng trong cái khó, ló cái khôn nhưng tín hiệu đáng mừng là tư duy sản xuất hàng hóa đã tác...
Ngoài nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương, người nông dân luôn trăn trở, năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tìm hướng nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác. Với sản lượng đạt ngưỡng 1,6 triệu tấn, Thanh Hóa cơ bản tự túc được lương thực. Ông Đinh Xuân Tiến ở thôn Tráng, xã Lâm Xá, huyện Bá Thước tâm sự: Đồng bào được hưởng nhiều chính sách an sinh, nhất là các chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất nên số hộ nghèo trong thôn giảm nhanh và ngày nay không còn tình trạng nông dân vào rừng đào củ ấu, củ mài ăn đỡ bữa nữa. Giữa năm 2010 đồng đất bị hạn nặng nông hộ chuyển diện tích không chủ động được nước tưới sang trồng mía, thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha. Tưởng trong cái khó, ló cái khôn nhưng tín hiệu đáng mừng là tư duy sản xuất hàng hóa đã tác động tích cực đến nhận thức, việc lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp của người lao động. Cũng bắt đầu từ chuyện lo cơm no, áo ấm cho dân tỉnh Thanh Hóa chủ trương dần chuyển một phần diện tích đất lúa năng suất thấp sang gieo trồng các loại cây hàng hóa nhằm tăng thu nhập trên một ha canh tác. Theo đó bên cạnh cánh đồng lúa hạt mẩy, bông dài, giai đoạn này đã có thêm cây ớt, dưa bao tử, vùng chuyên canh lạc xuất khẩu cùng diện tích trồng cây đậu tương, rau màu trái vụ được nhân rộng. Phép định lượng bình quân lương thực đầu người truyền thống chuyển hóa thành GDP ước đạt 810 USD/người trong năm 2010.
Năm năm trở lại đây, Thanh Hóa đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 11,3%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, ngày càng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và nhu cầu thị trường. Về Thanh Hóa, đi từ Dốc Xây (thị xã Bỉm Sơn) đến khe Nước Lạnh (Tĩnh Gia) rồi ngược về Bãi Trành (Như Xuân), theo tuyến đường Hồ Chí Minh rẽ vào quốc lộ 217, hoặc ngược đường 15A lên các huyện vùng cao phía tây bắc tỉnh mới cảm nhận hết những đổi thay ở một tỉnh đất rộng, người đông đang vững bước đi lên trên bước đường CNH, HĐH. Trong thập niên đầu thế kỷ này, vùng miền tây Thanh Hóa được hưởng lợi nhiều chương trình đầu tư đồng bộ, hiệu quả. Nhớ ngày nào chúng tôi cơm đùm, xôi nén thức dậy thật sớm để vượt phà Hồi Xuân, Cổng Trời, ngược đường rừng lên đến Pom Puôi thì trời đã xế chiều. Giờ mạng lưới giao thông, trong đó có tuyến đường huyết mạch Hồi Xuân – Tén Tằn không những được trải nhựa mà đang tiếp tục được nâng cấp, mở rộng. Các trường học, trạm y tế từng bước được kiên cố hóa, nhiều trung tâm cụm xã được đầu tư xây dựng. Điện sáng, sóng truyền hình, viễn thông cũng đã vươn tới các bản, làng vùng sâu, vùng xa. Sau nhiều năm thực hiện dự án ổn định đời sống sản xuất và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào Mông có dự toán đầu tư hơn 291 tỷ đồng, đời sống dân sinh, cơ sở hạ tầng khu vực này được cải thiện rõ rệt. Đồng bào Mông ở huyện Mường Lát dần định cư theo quy hoạch, xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu. Bí thư Huyện ủy Mường Lát Lương Minh Thông cho rằng: Cái được lớn nhất kể từ ngày thành lập huyện là đội ngũ cán bộ gần dân hơn, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, tăng cường. Đã có thêm nhiều con em đồng bào Mông, Dao, Khơ Mú được đào tạo trở thành cán bộ xã, thôn, các thầy giáo, cô giáo, chiến sĩ biên phòng; nhiều cá nhân ưu tú ở các làng, bản vùng sâu, vùng xa xung kích đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước được bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Ở Mường Lát, các đồn biên phòng, đoàn kinh tế quốc phòng V cũng đang triển khai, nhân rộng mô hình chăn nuôi tập trung, bảo vệ, khoanh nuôi, phát triển vốn rừng, xây dựng khu dân cư vùng biên, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Có thể nhận thấy, ngoài nỗ lực của mỗi gia đình, cộng đồng dân cư, bộ đội, chiến sĩ biên phòng, cán bộ khoa học, kỹ thuật, trí thức trẻ tình nguyện đang đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền tây Thanh Hóa trên bước đường xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh.
Theo ông Trịnh Ngọc Bích, cán bộ lão thành cách mạng: Tỉnh Thanh Hóa đang có bước phát triển toàn diện, trong đó một số mặt phát triển đáng mừng. Từng ngủ rừng, ăn cơm vắt mở đường 217 lên cửa khẩu Na Mèo, thông thương với nước bạn Lào, ông vui vì đời sống đồng bào các dân tộc vùng miền tây Thanh Hóa được cải thiện rõ rệt. Thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, vùng miền tây Thanh Hóa có những chuyển biến mang ý nghĩa lịch sử, sâu sắc trên nhiều lĩnh vực. Cây mía, cây sắn lên đồi gắn kết người làm nguyên liệu với cơ sở chế biến, thắt chặt mối liên minh công – nông nhằm đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu. Công trình thủy lợi Cửa Đạt không chỉ giảm lũ cho sông Chu, cung cấp nguồn nước tưới, nước công nghiệp, sinh hoạt cho vùng hạ lưu rộng lớn còn kết hợp phát điện, nhân thêm niềm vui từ dòng điện sáng. Rồi đây sẽ có thêm nhà máy thép Cao Ngọc, xi-măng Thanh Sơn, thủy điện Bá Thước đi vào hoạt động. Công nghiệp đang vươn tới miền tây để vùng Bỉm Sơn – Thạch Thành, Lam Sơn – Sao Vàng – đô thị Ngọc Lặc dần trở thành cực tăng trưởng, kết nối với TP Thanh Hóa – Sầm Sơn, Nghi Sơn – Tĩnh Gia trong mối quan hệ tương tác, phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đình Thọ khẳng định: Phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, công nghệ cao là một trong năm chương trình kinh tế trọng tâm trong thời kỳ 2011-2015. Theo đó Thanh Hóa ưu tiên hoàn thiện kết cấu hạ tầng, xúc tiến mạnh mẽ việc thu hút đầu tư để Khu kinh tế Nghi Sơn thật sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh và trọng điểm phát triển của vùng. Đến thời điểm này nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong Khu kinh tế Nghi Sơn đạt 1.200 tỷ đồng. Hiện có 29 dự án với tổng vốn đăng ký gần 10 tỷ USD đầu tư vào khu vực này, trong đó khối lượng thực hiện được khoảng 1 tỷ USD. Nhìn chung các dự án đang ở giai đoạn khởi động, đầu tư xây dựng cơ bản và thời gian tới Thanh Hóa tiếp tục lựa chọn, điều chỉnh cơ cấu đầu tư, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp sau lọc hóa dầu, chế tạo, lắp ráp, điện tử. Tỉnh tiếp tục quy hoạch phát triển huyện Tĩnh Gia thành thành phố công nghiệp dưới sự tác động, lan tỏa của Khu kinh tế Nghi Sơn; khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển ngành may xuất khẩu, chế biến thủy sản. Năm 2011, Thanh Hóa lấy chủ đề là 'Năm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh' với kỳ vọng sẽ nhanh chóng lấp đầy, phát huy hiệu quả các khu công nghiệp hiện có, phát triển thêm một số khu công nghiệp mới gắn với khả năng, lợi thế, nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền; xúc tiến xây dựng khu công nghệ cao.
Thanh Hóa đã, đang là điểm đến của các nhà đầu tư và vững tin trong giai đoạn 2011-2015 hiệu quả đầu tư sẽ 'đơm hoa, kết trái', góp phần đưa Thanh Hóa sớm thoát khỏi nhóm tỉnh nghèo, phấn đấu trở thành một trong những tỉnh tiên tiến vào năm 2020.
Theo Nhandan
Ý kiến ()