Thanh Hóa từng bước chuẩn hóa cán bộ
Cùng với việc tập trung khắc phục hạn chế, yếu kém do kiểm điểm, tự phê bình và phê bình chỉ ra theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Đảng, các cấp ủy đảng tỉnh Thanh Hóa luôn chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở. Chuẩn hóa, trẻ hóa, nâng cao năng lực thực tiễn của cán bộ là mục tiêu các cấp ủy hướng tới.
Đa dạng các hình thức đào tạo
Để chuẩn hóa cán bộ, Thanh Hóa áp dụng nhiều hình thức, như đào tạo tại các trường chính quy và đào tạo, bồi dưỡng từ thực tiễn,… Ngoài việc cử cán bộ học các chương trình đào tạo của T.Ư, Thanh Hóa liên kết với các trường đại học ở nước ngoài đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các cơ quan đã tạo điều kiện cho gần 100 cán bộ sinh từ năm 1970 về sau, tạm nghỉ công tác, tập trung học ngoại ngữ, thi tuyển và có 24 cán bộ trẻ đang theo học ở các cơ sở đào tạo uy tín ở nước ngoài, để bổ sung nguồn cán bộ cho tỉnh. Đầu năm 2013, Thanh Hóa điều động, luân chuyển 39 cán bộ từ tỉnh về các huyện, thị xã, thành phố, hoặc ngược lại. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đẩy mạnh việc điều động, luân chuyển cán bộ từ huyện xuống xã, xã lên huyện, hoặc luân chuyển “ngang”, giúp cán bộ được rèn luyện, thử sức ở môi trường công tác mới.
Trưởng BanTổ chức Huyện ủy Bá Thước Lương Thị Đưỡng chia sẻ: Để nâng cao chất lượng toàn diện cho cán bộ, Huyện ủy thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác này, trong đó đánh giá cán bộ được coi là tiền đề: Muốn làm tốt quy hoạch, bảo đảm việc điều động, luân chuyển cán bộ đạt hiệu quả, phải đánh giá đúng cán bộ, thấy rõ năng lực, sở trường và cả điểm yếu của từng cán bộ. Trên cơ sở đó, huyện Bá Thước đã luân chuyển bốn cán bộ trưởng, phó phòng, ban cấp huyện xuống làm phó bí thư đảng ủy xã; sắp xếp, luân chuyển, điều động tám cán bộ chủ chốt giữa các xã, thị trấn. Do sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công tác lãnh đạo, điều hành ở các xã này có những chuyển biến tích cực; khắc phục được sự trì trệ, chủ nghĩa kinh nghiệm; hình thành nền nếp, tác phong công tác mới, thắt chặt quan hệ giữa các tập thể, cá nhân; khơi dậy phong trào thi đua, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Xuân Dũng thông tinthêm: Việc tuyển dụng 60 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND các xã nghèo, thu hút 1.644 người có trình độ đại học về xã, phường công tác có tác động tích cực tới ý thức học tập của cán bộ tại chỗ, tăng nhanh tỷ lệ chuẩn hóa, trẻ hóa cán bộ ở cơ sở.
Đáng mừng là trong số 351 người mới tuyển dụng làm công chức xã, nhiều người nói được tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy tốt năng lực, sở trường, trưởng thành từ thực tiễn. Có 271 người được kết nạp Đảng, 47 người dự nguồn tham gia HĐND xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ tới.
Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm
Đến một số xã vùng cao khó khăn thuộc miền tây Thanh Hóa, chúng tôi thấy cán bộ cơ sở có cách nghĩ mới: muốn nâng cao năng lực thực tiễn, phải khắc phục tính thụ động, phải đi sâu vào cuộc sống, dám nghĩ, dám làm. Ở xã Quang Hiến (huyện Lang Chánh), Chủ tịch UBND xã Lê Đức Tiến – Chánh Văn phòng UBND huyện luân chuyển về, cùng một số cán bộ xã mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình thế chấp vay vốn ngân hàng để lấy tiền xây dựng mô hình trồng hoa trong nhà lưới, trồng ớt xuất khẩu, nhân đàn dê lên 300 con trong các hộ làng Kiểu, làng Giáng. Các anh bám đồng, bám nông dân, hướng dẫn bà con làm đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, cho nên cây ớt cho thu nhập giá trị gấp sáu lần cấy lúa.
Nói về công tác cán bộ, Bí thư Huyện ủy Lang Chánh Nguyễn Tá Việt cho biết: Nhiệm kỳ này, Huyện ủy rất chú trọng xây dựng, điều động, luân chuyển cán bộ cho cơ sở.
Phương châm của huyện là lấy hiệu quả công việc, thực hiện các chỉ tiêu kinh tế – xã hội làm thước đo đánh giá cán bộ. Đó là động lực giúp cán bộ phấn đấu, dám nghĩ, dám làm và thực tế là đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm mới; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất đã và đang góp phần giảm nghèo bền vững ở huyện miền núi Lang Chánh. Năm vừa qua, tỷ lệ hộ nghèo trong huyện giảm 9,1%.
Đến xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, chúng tôi gặp Phó Chủ tịch UBND xã Lang Hồng Hà. Anh tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, biết có chủ trương tuyển trí thức trẻ về các xã nghèo, cho nên đã dự thi và trúng tuyển, được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã. Ngoài tư vấn, hướng dẫn bà con nông dân mua giống trâu, bò tốt, tổ chức nuôi thỏ lai, trồng sắn, mía, gắn với cơ sở chế biến, anh còn giúp gia đình chị Hà Thị Dinh phát triển kinh tế hộ để có thể thoát nghèo. Được biết, chị Dinh có hoàn cảnh khá khó khăn, chồng mất sớm, một mình nuôi bốn người con trong căn nhà tranh tre dột nát, anh Lang Hồng Hà tham mưu với xã bố trí 0,5 ha đất canh tác, hơn 100 m2 đất ở, kêu gọi cán bộ, công chức xã quyên góp thêm để xây dựng ngôi nhà cho gia đình chị, giúp các con chị được đi học.
Tại 102 xã nghèo ở các huyện miền núi Thanh Hóa, dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự năng động của cán bộ, đã có thêm những mô hình sản xuất mới: trồng ngô trên đất hai lúa ở xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh; trồng rau sạch ở xã Xuân Phú, huyện Quan Hóa. Huyện “cửa ngõ miền tây” Ngọc Lặc tập trung phát triển giao thông, thủy lợi nội đồng, cải tạo vườn tạp trồng rau xanh…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()