Thanh Hóa: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 chuyển biến tích cực
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5/2002 trên địa bàn tỉnh tăng 39,8%; xuất khẩu hàng hóa tăng 17,1% so với tháng trước.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát tốt và thực hiện dừng cách ly xã hội, một số hoạt động sản xuất kinh doanh không thiết yếu đã được phép hoạt động trở lại, nên tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong tháng 5 đã từng bước được phục hồi và có chuyển biến tích cực.
Theo báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 5, nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 năm 2020 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, về lĩnh vực sản xuất, cây trồng vụ chiêm xuân phát triển tốt.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn duy trì sản xuất ổn định; đặc biệt, thu Ngân sách nhà nước tăng khá so với cùng kỳ (tăng 9,7% và bằng 44% dự toán); tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tích cực (đạt 49,6% kế hoạch).
Đặc biệt một số ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều do dịch COVID-19 đã có sự tăng trưởng trở lại so với tháng 4/2020 như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (tăng 39,8%); xuất khẩu hàng hóa tăng 17,1%; lượt khách du lịch (gấp 28 lần); vận chuyển hàng hóa gấp 5,5 lần.
Các chế độ, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đã thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ cho 707.372 đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như nhiều ngành, lĩnh vực mặc dù tăng mạnh so với tháng trước nhưng vẫn đạt thấp so với cùng kỳ, khách du lịch (giảm 45,3%), tổng thu du lịch (giảm 50,4%), doanh nghiệp thành lập mới (giảm 26,1%)…
Để thúc đẩy đầu tư thương mại trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Đình Xứng – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư; yêu cầu các sở, ngành phải đăng ký dự án đầu tư công, trên cơ sở lựa chọn sẽ quyết định ưu tiên dự án nào trước.
Sở Y tế tham mưu về công tác giám sát các đối tượng là người nước ngoài, chuyên gia sang làm việc để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp được hoạt động bình thường.
Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng giao Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp nắm bắt lại tình hình hoạt động các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án lớn như Dự án Lọc hóa Dầu Nghi Sơn.
Tỉnh yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Cục Thuế tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án thu nợ đọng sử dụng đất.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đề xuất tờ trình lên Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành việc hỗ trợ chủ đầu tư các trường mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 không thuộc đối tượng hưởng chính sách ban hành tại Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh để đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn cho giáo viên và người lao động.
Mức hỗ trợ là 500.000đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng. Chính sách cũng đưa ra đối tượng hỗ trợ là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Mức hỗ trợ là 1.800.000đồng/người/tháng (tương đương mức hỗ trợ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ), thời gian hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị tỉnh đưa vào hỗ trợ chính sách trợ giá vé vào các địa điểm tham quan, du lịch để kích cầu du lịch thời gian tới./.
Ý kiến ()