Thanh Hóa thực hiện tốt tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi
Thành viên đoàn công tác khảo sát việc tái đàn lợn ở Thanh Hóa.
Thanh Hóa có tổng đàn 1,2 triệu con lợn nhưng DTLCP đã gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi. Thời điểm kiểm soát được DTLCP vào cuối năm 2019, toàn tỉnh còn 955.383 con lợn, bằng 80% tổng đàn, trong đó còn 1.000 lợn cụ kỵ, ông bà, 88.850 con lợn bố mẹ, bằng 56% trước dịch.
Thanh Hóa quy hoạch quỹ đất, phát triển chăn nuôi trang trại, thực thi nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi đi đôi hướng dẫn tổ chức chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện tái đàn gắn với nhân rộng các mô hình, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Quý I năm nay, toàn tỉnh tái nuôi 191.685 con lợn, trong đó tăng thêm 22.292 lợn nái. Sau hơn ba tháng khôi phục đàn lợn sau DTLCP, tổng đàn lợn hiện có gần 1,15 triệu con, bằng 96% tổng đàn trước dịch.
Đi kiểm tra tình hình tái đàn lợn ở huyện Nga Sơn, các thành viên đoàn công tác ghi nhận, đi đôi với phát triển chăn nuôi trang trại, nhiều gia trại ở Nga Sơn tổ chức chăn nuôi theo quy trình khép kín, từ nuôi lợn nái tạo nguồn giống nhân đàn hậu bị, tự sản xuất thức ăn, kiểm dịch nguồn thức ăn gia súc du nhập đến tổ chức ăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát giết mổ, tiêu thụ thực phẩm.
Một số cơ sở chăn nuôi còn tổ chức chăn nuôi lợn gắn với đăng ký giết mổ, cung ứng thực phẩm. Theo đó, huyện Nga Sơn chậm bị lây nhiễm, thiệt hại do DTLCP không lớn, tiến độ tái đàn nhanh. Chi cục Thú y vùng 3 chỉ rõ, tốc độ tái đàn lợn ở Thanh Hóa nhanh còn do phần lớn nông hộ, gia trại đã bảo lưu, tổ chức chăn nuôi lợn nái tại cơ sở chăn nuôi nên chủ động cung ứng con giống, nhân đàn lợn hậu bị.
Lãnh đạo Bộ NN và PTNT phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận sự quyết liệt, sáng tạo của tỉnh Thanh Hóa trong chỉ đạo, điều hành phòng, chống DTLCP; và tỉnh có nhiều chính sách thiết thực, hiệu quả trong phát triển chăn nuôi, nhất là bảo lưu các con vật nuôi giống gốc, đàn lợn nái để tạo con giống, tái đàn lợn sau dịch; quan tâm dành quỹ đất, có chính sách phát triển chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư nên chăn nuôi trang trại tăng 68% so với trước dịch.
Đặc biệt, tỉnh đã chủ động nắm bắt thời cơ, năng động thu hút đầu tư, phát triển các chuỗi liên kết tổ chức chăn nuôi công nghiệp, an toàn dịch bệnh gắn với chế biến, tiêu thụ thực phẩm. Thanh Hóa đã bảo vệ, duy trì được đàn lợn giống bố mẹ để sản xuất, cung ứng lợn giống tại cơ sở chăn nuôi, ở mỗi địa phương, giảm phụ thuộc nguồn giống lợn du nhập. Thứ trưởng Bộ NN và PTNT cũng trao đổi với lãnh đạo tỉnh, các ngành liên quan, cùng các huyện quan tâm nắm bắt, trợ giúp người chăn nuôi tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi và thời gian tới tỉnh cần đẩy mạnh tái đàn, tăng cường, nhân rộng các mô hình liên kết trong chăn nuôi, gia tăng sản lượng, chất lượng thực phẩm, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu kép là chống dịch đi đôi với bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội, trước mắt giảm giá thịt lợn, bảo đảm chất lượng tăng trưởng.
Ý kiến ()