Thanh Hóa tăng cường thâm canh cây mía đường
Ngày 4-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa tổ chức hội nghị đánh giá tình hình sản xuất mía đường trong tỉnh. Được biết, niên vụ năm 2012-2013, nhân dân các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa trồng được 34.739 ha mía nguyên liệu.
– Ngày 4-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa tổ chức hội nghị đánh giá tình hình sản xuất mía đường trong tỉnh. Được biết, niên vụ năm 2012-2013, nhân dân các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa trồng được 34.739 ha mía nguyên liệu.
Cơ giới hóa khâu làm đất được áp dụng trên 80% diện tích mía trồng mới, trong đó có 4.300 ha thực hiện cày sâu bón vôi, 11% tổng diện tích mía được chăm sóc bằng máy và có 5.850 ha mía được tưới nước bằng biện pháp tưới nổi, tưới chìm và tưới thông thường. Đặc biệt có tới 69,4% diện tích trồng các loại mía có tiềm năng cho năng suất cao, chất lượng tốt; mức đầu tư bình quân đạt 15 triệu đồng/ha và tỉnh chỉ đạo xây dựng được 3.780 ha mía thâm canh đi đôi với tăng cường công tác bảo vệ thực vật, phòng chống hiệu quả các đối tượng gây hại thường phát sinh trên mía như rệp, bọ hung, bệnh “chồi cỏ”… Do vậy năng suất mía bình quân đạt 61 tấn/ha, tăng 5,6 tấn/ha so với cùng kỳ; sản lượng mía đạt 2.119.137 tấn, tăng 447.866 tấn và chữ đường đạt 9,8 CCS, cao hơn niên vụ trước 0,8 CCS.
Hiện, Thanh Hóa có 34.778 ha mía nguyên liệu, năng suất bình quân ước đạt 61,7 tấn/ha, sản lượng 2.146.128 tấn, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho ba nhà máy đường bước vào vụ ép 2013-2014.
Dù vậy, việc phát triển mía nguyên liệu không theo quy hoạch vẫn diễn ra ở một số huyện; diện tích mía đứng chân trên đất dốc từ 150 trở lên chiếm tới 18,4% tổng diện tích và bình quân mỗi hộ chỉ sở hữu 0,52 ha đất mía nên khó thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, nhân rộng vùng tưới nước nhỏ giọt. Thêm nữa, vẫn còn tình trạng nông hộ sử dụng ngọn mía thương phẩm để trồng, tỷ lệ trồng giống mía cũ, giống thoái hóa còn cao; phần lớn diện tích mía không trồng luân canh cây họ đậu làm tăng độ phì cho đất; việc đầu tư giống, vật tư ứng trước, thu mua, vận chuyển nguyên liệu thực hiện qua khâu trung gian nên thu nhập của hộ trồng mía không cao.
Khắc phục hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền chỉ đạo các địa phương rà soát, thực hiện trồng mía theo quy hoạch; chuyển diện tích trồng mía trên đất dốc 150 trở lên sang trồng cây lâm nghiệp, cao-su, sắn; tăng cường đầu tư, áp dụng đồng bộ các biện pháp, mở rộng diện tích thâm canh mía nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng mía thu hoạch, giảm diện tích mía toàn tỉnh xuống còn 28 nghìn đến 30 nghìn ha gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các nhà máy ký hợp đồng trực tiếp với nông hộ hoặc các HTX dịch vụ, nhân rộng các xí nghiệp, công ty nguyên liệu nhằm giảm bớt khâu trung gian; thắt chặt liên kết “bốn nhà” trong sản xuất mía, đường, tăng thu nhập cho người trồng mía, giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích bảo đảm cho ngành công nghiệp mía đường phát triển bền vững.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()