Thanh Hóa: Người dân ở các huyện nghèo chưa mặn mà với xuất khẩu lao động
Mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi của Chính phủ cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số và các hộ nghèo đi lao động ở nước ngoài nhưng bình quân mỗi năm, cả 7 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a ở Thanh Hóa cũng chỉ có khoảng 500 lao động xuất khẩu. Thậm chí, có năm chỉ có 137 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Nhiều huyện như Mường Lát, Quang Hóa, Quan Sơn có năm không có trường hợp nào đi xuất khẩu lao động. Thực trạng này cho thấy, người lao động là người dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo miền núi Thanh Hoá chưa mặn mà với xuất khẩu lao động.
Thanh Hóa có 7 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a với dân số gần 404.000 người, trong đó có gần 278.000 người trong độ tuổi lao động nhưng tỷ lệ lao động thiếu việc làm còn cao. Đời sống người dân các huyện này còn nhiều khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu. Năm 2009, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chọn Thanh Hóa thực hiện thí điểm Đề án 71 về việc hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 – 2020. Theo đó, lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở 7 huyện nghèo thuộc diện 30a ở tỉnh được hỗ trợ 50% lãi xuất ngân hàng, được hỗ trợ tiền đào tạo học ngoại ngữ, học nghề, hỗ trợ tiền ăn, tiền ở…để đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, kết quả thực hiện việc xuất khẩu lao động chưa đạt hiệu quả cao. Nguyên nhân của tình trạng này là do chưa thay đổi được nhận thức của người lao động và đặc biệt trong đội ngũ lãnh đạo các huyện nghèo thuộc diện 30a cũng chưa quan tâm nhiều đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo về xuất khẩu lao động mà chủ yếu giao việc này cho các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện. Cán bộ của các Phòng này cũng không sát sao với công việc, chưa tham mưu đầy đủ cho lãnh đạo huyện trong công tác xuất khẩu lao động.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: Do hằng năm, Cục quản lý lao động nước ngoài còn quá ít đơn đặt hàng nên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu lao động ở địa phương. Chất lượng lao động, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được nhu cầu, điều kiện của thị trường lao động, đặc biệt là các vị trí làm việc có thu nhập cao. Bên cạnh đó, nhiều lao động thường bị loại khi làm thủ tục xuất cảnh do bị viêm gan B cao (chiếm tới 30% tổng số lao động sơ tuyển).
Tại huyện Quan Hóa, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, phân công địa bàn cụ thể cho từng doanh nghiệp tham gia tư vấn, vận động và tuyển chọn, đưa lao động đi làm lao động xuất khẩu; phân công các thành viên Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động huyện xuống cơ sở chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của cấp xã. Tuy nhiên, việc xuất khẩu lao động ở đây vẫn không mấy khả quan. Từ 2009 đến nay, toàn huyện mới chỉ có gần 200 lao động xuất cảnh. Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Quan Hóa Nguyễn Văn Do cho biết: Nguyên nhân dẫn đến số lao động tại huyện chưa mặn mà với xuất khẩu lao động là do một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động chưa làm hết vai trò, trách nhiệm như họ đã cam kết, dẫn đến làm mất lòng tin trong dân. Hơn nữa, tâm lý người lao động ở các huyện miền núi ngại đi xa, thích làm việc tự do, sống cộng đồng.
Tại huyện Thường Xuân, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động ở mức cao, trong khi đó tình trạng thiếu việc làm thường xuyên của người lao động vẫn diễn ra. Để khắc phục tình trạng này, huyện đã có nhiều giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân, trong đó chú trọng tới công tác xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, công tác xuất khẩu lao động của huyện vẫn đạt thấp so với kế hoạch. Hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án 71, toàn huyện mới có trên 500 trường hợp xuất khẩu lao động.
Để khắc phục những tồn tại trên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra các giải pháp như tổ chức tập huấn cho cán bộ cấp huyện, xã, thị trấn về nghiệp vụ công tác xuất khẩu lao động; tư vấn xuất khẩu lao động cho cán bộ phụ trách xuất khẩu lao động từ huyện đến cơ sở; lựa chọn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có năng lực và nhiều đơn hàng. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến người dân bằng nhiều hình thức về lợi ích của xuất khẩu lao động và hỗ trợ người lao động hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đi xuất khẩu lao động. Qua đó, từng bước thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành và người lao động, giúp người dân yên tâm đăng ký đi xuất khẩu lao động, góp phần tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo bền vững.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()