Đợt mưa lũ này, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa có gần 1.500 ha lúa bị ngập, trong đó xã Tượng Sơn có tới 400 ha bị ngập nặng, 126 hộ, gần 700 nhân khẩu ở thôn Kén bị lũ cô lập. Vượt lên khó khăn, cộng đồng dân cư nơi đây luôn yêu thương, gắn bó, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau và đang chủ động cứu lúa, phục hồi diện tích lúa mùa sau khi nước rút. Cùng cảnh Nông Cống, các xã Anh Sơn, Hùng Sơn của huyện Tĩnh Gia cũng nằm trong khu vực hành lang thoát lũ của hồ Yên Mỹ và hồ Hao Hao; hệ thống đê bao hạn chế, công trình tiêu úng gần như chưa có nên nhiều xã trên địa bàn thường ngập nước vào mùa mưa. Theo lãnh đạo huyện Tĩnh Gia, đến thời điểm này hơn 4.000 ha lúa đã hết ngập nước. Cùng với việc động viên nông dân tiếp tục chăm sóc lúa mùa, huyện Tĩnh Gia đề nghị tỉnh hỗ trợ giống cho nhân dân để sớm triển khai, mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông. Trước mắt, cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện triệt để vệ sinh môi trường sau lũ. Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tĩnh Gia Lê Tiến Dũng cho biết: Trước mưa lũ, trung tâm đã phân bổ cho mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện 5 kg Cloramin B. Đợt này, năm xã ngập nặng đã được cấp bổ sung cơ số thuốc dự phòng cùng 1.000 viên Cloramin B và viên lọc nước. Hiện phần lớn cán bộ trung tâm đang bám địa bàn cùng y tế cơ sở hướng dẫn nhân dân ra quân làm vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt, kiềm chế phát sinh dịch bệnh. Hệ thống y tế dự phòng trên địa bàn cố gắng khống chế hiệu quả các bệnh tiêu chảy, sốt huyết, bệnh cảm cúm, loét chân, đau mắt thường phát sinh sau lũ.
Đồng hành cùng nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt, các đơn vị thủy nông tỉnh Thanh Hóa đang vận hành, khai thác hết công suất hoạt động của các công trình trị thủy trên địa bàn. Cụm trưởng thủy nông Quảng Châu Đoàn Khắc Cát cho biết: Từ ngày 9-9 đơn vị mở hết công suất bốn cửa cống tiêu nước ra sông Mã. Gần 3.000 ha cây trồng thuộc các huyện Đông Sơn, Quảng Xương, TP Thanh Hóa được tiêu thoát nuớc kịp thời. Cùng thời điểm này công nhân công trình thủy lợi Ngọc Giáp – Trường Lệ liên tục vận hành bơm nước tiêu úng cho lúa. Tại huyện Triệu Sơn, mưa lớn làm 456 ha lúa mùa bị ngập, trong các xã Tân Ninh, Thái Hòa, Dân Quyền, Đồng Lợi ngập nặng. Ngoài chỉ đạo các xã tạm dừng các công việc chưa cần thiết để tập trung lao động khơi thông dòng chảy, huy động các máy bơm dầu bơm nước chống úng cho lúa mùa, chính quyền huyện yêu cầu chi nhánh thủy lợi vận hành 14 trạm bơm, bơm tiêu nước cho lúa cho nên tình trạng ngập nước cơ bản được khắc phục. Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên thủy nông Sông Chu Lê Văn Nhị cho biết thêm: Dự báo Thanh Hóa vẫn còn mưa cho nên đơn vị chỉ đạo các trạm thủy nông thực hiện nghiêm chế độ thường trực phòng, chống bão lụt, chủ động đối phó thời tiết bất thường, khắc phục kịp thời các sự cố, bảo đảm máy móc được vận hành tốt, an toàn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Nghệ An, đến ngày 14-9 có gần 1.300 ngôi nhà dân bị trôi, ngập, sập, sạt lở và phải di dời; hơn 20 nghìn ha lúa, rau màu và cây công nghiệp, gần 1.100 ha ao hồ bị ngập và thiệt hại, gần ba nghìn con gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi cùng với hàng chục nghìn mét kênh mương, đường giao thông và nhiều hồ đập bị sạt lở và hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính lên tới 458,6 tỷ đồng.
Ngược quốc lộ 7 chúng tôi về huyện Con Cuông, mặc dù cho đến nay mưa đã ngớt, nhưng vẫn còn năm xã Môn Sơn, Bình Chuẩn, Mậu Đức, Thạch Ngàn và Đôn Phục, với hơn mười nghìn người dân đang bị cô lập. Hệ thống cầu, cống, cầu tràn và nhiều đoạn đường bị sạt lở, nước dâng cao chảy xiết gây ách tắc giao thông, mất thông tin liên lạc với 40 thôn, bản trong huyện, lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận được; một số thôn bản đang thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt, thiếu lương thực và thuốc men… Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Hoàng Đình Tuấn cho biết, lực lượng cứu hộ sẽ cố gắng tiếp cận để cung cấp lương thực và thực phẩm cho bà con năm bản Kẻ Tra, Kẻ Tắt, Pá Hạ, Thạch Sơn và Kẻ Da của xã Thạch Ngàn. Tại đây có năm nhà dân bị trôi, hai nhà bị sập, 100 ha hoa màu gồm: lúa, sắn, mía bị ngập nước, hư hỏng, sáu cột điện cao thế cùng nhiều cột đường dây hạ thế bị đổ, đứt dây. Nguy cấp nhất là 120 hộ tái định cư thủy điện Bản Vẽ tại khu vực khe Chóng, xã Yên Na, huyện Tương Dương phải di dời khẩn cấp do mấy ngày qua mưa lớn làm núi chung quanh khu dân cư bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá đổ xuống làm nứt tường nhà và đe dọa tính mạng của người dân. Theo Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, Nguyễn Hồ Cảnh, chiều 13-9, huyện chỉ đạo chính quyền địa phương vận động tám hộ di dời, 24 hộ khác đang ở trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao đang được tạm thời di chuyển sang nơi khác. Hiện nay núi ở khu vực khe Chóng đang bị đứt gãy nghiêm trọng, có thể đổ xuống bất cứ lúc nào, nên huyện chỉ đạo xã Yên Na gấp rút tìm khu đất mới để di chuyển toàn bộ 120 hộ dân ra khỏi khu vực khe Chóng. Trong một diễn biến khác, ta-luy dương tại khu vực đường chỉ cách Nhà máy thủy điện Bản Vẽ chừng 10 m cũng đang bị đứt gãy và sạt lở, đe dọa trực tiếp đến nhà máy thủy điện này. Cùng với đó nhiều tuyến đường nối xã Yên Na với xã Yên Tĩnh bị sạt lở ta-luy dương tại 23 điểm, có bảy điểm bị sạt lở nặng ô-tô không qua được. Huyện huy động máy xúc tạm thời gạt đất tràn xuống cho người dân đi lại bằng xe máy. Tuyến đường bản Vẽ đi Yên Hòa cũng bị sạt ta-luy dương nhiều đoạn, nặng nhất là đoạn qua bản Hào. Tuyến đường 48C đi qua địa phận huyện Tương Dương cũng bị chia cắt nhiều đoạn, nặng nhất là tại bản Xốp Khấu, xã Yên Thắng và bản Văng Môn, xã Yên Hòa. Hiện tại, các lực lượng chức năng huyện Tương Dương đang nỗ lực khắc phục nhằm thông đường trong thời gian sớm nhất. Tại huyện Anh Sơn, mưa lớn cũng làm 84 nhà bị ngập, năm nhà bị sập đổ; hai điểm trường với 30 phòng học bị ngập nước. 1.675 km kênh mương bị hư hỏng; một trạm bơm bị ngập; 7,6 km đường giao thông bị sạt lở, chín đập nước bị hư hỏng và 93 cầu cống bị nước cuốn trôi. Hơn 885 ha lúa hè thu; 391 ha ngô; 20,5 ha bí xanh; 29,5 ha sắn; 361 ha mía bị ngập úng. 118 ha ao cá bị ngập. Các xã bị thiệt hại nặng như Lĩnh Sơn, Cao Sơn, Bình Sơn. Một số xã vùng đồng bằng cũng bị thiệt hại như huyện Hưng Nguyên, hơn một nghìn ha lúa ở các xã Hưng Lợi, Hưng Thịnh, Hưng Đạo, Hưng Yên, Hưng Trung, thị trấn bị ngập. Những diện tích này lúa đang ở giai đoạn chắc xanh bị ngâm nước coi như mất trắng. Huyện Yên Thành có hơn 1.500 ha trong số 13 nghìn 400 ha lúa hè thu bị ngập, chủ yếu ở các xã thuộc vùng tiêu thoát của kênh Vách Bắc như Hậu Thành, Lăng Thành, Mã Thành, Đức Thành, Phúc Thành.
Ngoài thiệt hại về vật chất, Nghệ An còn chịu tổn thất về người. Sáng 11-9, chị Vi Thị Mùi, 40 tuổi và con gái là Vi Thị Dung, 12 tuổi đang học lớp 6 ở bản Kẻ Tắt bị lũ cuốn trôi. Ngày 13-9, tại xã Long Sơn, một bé trai bốn tuổi bị chết đuối do mưa lũ. Tại xóm Canh xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, một người đã bị lũ cuốn trôi. Thương tâm nhất là sáng 14-9, tại đập Ông Thiện thuộc xóm 10, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, người dân phát hiện thi thể chị Chu Thị Tình, 30 tuổi, trong khi đi làm đồng về gặp cơn mưa to, nước đập dâng cao bị trượt chân xuống đập, nước cuốn trôi, chết để lại ba con nhỏ.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng cho biết, ngay trong và sau mưa lũ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các ban, ngành triển khai nhiều biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ. Ngành giao thông vận tải kịp thời chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp chính quyền địa phương và lực lượng chức năng để tiến hành cử người trực và cắm tiêu, cảnh báo tại những đoạn đường nơi nguy hiểm, đồng thời phân luồng giao thông bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đi lại trên địa bàn. UBND tỉnh cũng nhanh chóng kiểm tra kịp thời hỗ trợ các gia đình thiệt hại về người, tài sản, nhanh chóng ổn định sản xuất. Trước mắt chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch ngay diện tích lúa đã chín, với chủ trương “xanh nhà hơn già đồng”, đồng thời tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy tiêu thoát nước, nhất là chú ý phòng trừ dịch bệnh cho người và đàn vật nuôi sau lũ lụt…
Ý kiến ()