Thanh Hóa cải thiện môi trường đầu tư
Với bốn cụm kinh tế động lực, 2,16 triệu lao động cùng những lợi thế so sánh, tỉnh Thanh Hóa chú trọng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư nhằm thu hút, huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Nâng cao trách nhiệm công vụ, công chức
Nằm ở phía bắc tỉnh Thanh Hóa với ngành công nghiệp truyền thống là sản xuất xi-măng, vật liệu xây dựng, những năm đầu thế kỷ này, thị xã Bỉm Sơn có thêm Nhà máy lắp ráp ô-tô VEAM, một số nhà máy may công nghiệp quy mô lớn; các nhà máy sản xuất vôi công nghiệp, đất đèn, phân bón, luyện thép, sản xuất động cơ đi-ê-den đang trong giai đoạn triển khai. Bỏ vốn đầu tư hạ tầng khu công nghiệp rộng 540 ha nên Công ty HUD4 nỗ lực kêu gọi, xúc tiến đầu tư. Cấp ủy, chính quyền thị xã quan tâm giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, cử cán bộ trực tiếp đưa doanh nghiệp (DN) tới các ngành chức năng hoàn thiện các thủ tục liên quan. Bí thư Thị ủy Tạ Ngọc Phước cho biết: Thị ủy quan tâm bố trí “đúng người, đúng việc”, nhất là các phòng ban liên quan nhiều hoạt động thu hút, triển khai các dự án đầu tư. Với phương châm “làm hết việc chứ không phải hết tám giờ theo quy định”, cán bộ công tác ở các bộ phận này luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phục vụ tổ chức, công dân. Do vậy, hơn 100 ha mặt bằng khu công nghiệp đã được các DN thuê với số vốn đăng ký 1.900 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện đầu tư 600 tỷ đồng.
Tại cơ quan hành chính cấp tỉnh, Thanh Hóa chấm điểm thi đua đối với các ngành, thành viên ủy ban trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Hằng tháng, UBND tỉnh rà soát, công bố các phần việc trọng tâm phải hoàn thành trong tháng, tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án trọng điểm, giải quyết các vướng mắc nảy sinh, các thủ tục liên quan cho DN, nhà đầu tư. Cuối năm, bộ phận tham mưu tổng hợp điểm thi đua, nếu ngành nào liên tục không hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao sẽ kiểm điểm trách nhiệm của ủy viên ủy ban, lãnh đạo ngành, kiến nghị điều chuyển, sắp xếp lại vị trí công tác. Nội dung: “Không phiền hà sách nhiễu; không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá một lần trong quá trình thẩm tra, thẩm định, trình giải quyết công việc; không trễ hẹn” được niêm yết công khai để tổ chức, công dân biết, giám sát việc thực hiện. Việc thẩm định dự án đầu tư, thẩm định kế hoạch đấu thầu đã rút ngắn được năm ngày so với quy định hiện hành; thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, điều chỉnh giấy đăng ký kinh doanh giảm 10 ngày so với quy định của Luật DN; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm hai ngày so với quy định tại Thông tư 16 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lê Hữu Viên, ngành thường xuyên kiểm tra, rà soát các văn bản liên quan đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng thẩm định văn bản trước khi cơ quan chức năng ban hành. Dù vậy, khâu then chốt vẫn là con người thực thi công vụ. Lựa chọn, bố trí được những người tâm huyết với công việc, tận tụy phục vụ tổ chức, công dân, những vướng mắc liên quan sẽ được giải quyết kịp thời hoặc ngược lại.
Cải thiện môi trường đầu tư
Cùng với ban hành Nghị quyết 02 vào tháng 6-2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh Thanh Hóa thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư đảm nhiệm công việc này. Lãnh đạo tỉnh cùng các ngành liên quan trực tiếp đi khảo sát, thắt chặt quan hệ hợp tác, ký kết các văn bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác song phương với các địa phương, DN ở nước ngoài. Mới đây, hoạt động xúc tiến đầu tư, chương trình hợp tác song phương được ký kết với các DN và TP Seongnam (Hàn Quốc) đồng thời tỉnh ban hành chính sách thưởng trực tiếp cho cá nhân, tổ chức kêu gọi, thu hút đầu tư hiệu quả. Với tinh thần chủ động, sáng tạo của các tập thể, đề cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong thực hiện nghị quyết chuyên đề, Thanh Hóa bước đầu khơi thông các nguồn lực, huy động hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Dù vậy, vẫn còn cán bộ, bộ phận thực thi công vụ gây phiền hà, nhũng nhiễu DN ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư, hiệu quả lãnh đạo, điều hành nên chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng nhưng không ổn định. Theo Phó Bí thư Ðảng bộ khối DN tỉnh Ngô Xuân Nhân, nhìn chung các quy hoạch, kế hoạch còn thiếu tầm chiến lược, cơ bản, lâu dài, cơ chế chính sách không đồng bộ, chặt chẽ nên lúng túng, bị động cho cấp thực hiện và từ cơ quan hành chính đến DN chưa minh bạch thông tin. Nhiều thủ tục đầu tư còn rườm rà, thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên, nhất là phối hợp chưa nhịp nhàng, hợp lý. Một số chính sách hiệu quả không cao, văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên sửa đổi và cơ chế “xin cho” đã tạo cơ hội thuận lợi cho tiêu cực nảy sinh. Thành thử, xúc tiến đầu tư nhiều nhưng DN vào đầu tư ít và những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường, tiến độ, khối lượng đầu tư. Cùng với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, Thanh Hóa phải kiên trì cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, chủ động xúc tiến, đón bắt các cơ hội đầu tư, lựa chọn cơ cấu đầu tư hợp lý nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh ở mỗi địa phương, bốn vùng kinh tế động lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()